Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.066.848
Truy cập hiện tại 13
Khai hội Đền Huyền Trân - “Ngưỡng vọng tiền nhân”
Ngày cập nhật 06/02/2017

Trong hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng Giêng Âm lịch (tức 04 và 05/02) lễ hội đền Huyền Trân mang chủ đề “Ngưỡng vọng Tiền nhân” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP Huế) đã thu hút hàng nghìn lượt người dân, du khách đến dâng hương, dự lễ.

       Đến dự Lễ hội còn có đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Cao - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương...
       Diễn văn tại Lễ khai hội, ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã ôn lại về cuộc đời và công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân - Ái nữ của vua Trần Nhân Tông, người cách đây 711 năm đã dấn thân "Nước non ngàn dặm ra đi...; Mượn màu son phấn; Đền nợ Ô, Ly", hy sinh tình riêng để nên duyên với nhà Vua Champa là Chế Mân. Chính nhờ cuộc hôn nhân này mà mối quan hệ bang giao Đại Việt - Champa trở nên thân thiết, từ đây lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía Nam thông qua việc Vua nước Champa Chế Mân dâng phần đất của hai châu Ô và châu Lý (vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam ngày nay) để làm vật sính lễ; góp nên vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử của đất nước.
 
 
Tiết mục tái hiện cuộc đời Công chúa Huyền Trân
 
        Sau phần Lễ và nghi thức đánh trống khai hội; lãnh đạo tỉnh, các ban ngành, địa phương, cùng người dân và du khách đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.
 
Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Trưởng BTC Lễ hội đọc diễn văn Khai hội
 
Lễ hội năm nay có nhiều điểm mới, với sự quản lý của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm phát huy giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã tham mưu cho  Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức với quy mô lớn, đầy đủ hai phần lễ và hội hết sức trang trọng, ý nghĩa. Bên cạnh các lễ chính như Lễ Tiên Thường (cáo giỗ), lễ kỵ công chúa Huyền Trân với các chương trình sử thi, biểu diễn nghệ thuật hoạt cảnh rước công chúa Huyền Trân, hành lễ, lễ dâng hương… thì phần hội năm nay thực sự tạo được không khí tươi vui phấn khởi trong dịp đầu xuân.
 
 
Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh trống khai hội 
 
Để làm phong phú thêm lễ hội, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã phối hợp với các trong tỉnh triển khai các hoạt động văn hóa và thể thao: thi đấu cờ người, biểu diễn võ cổ truyền, biểu diễn lân sư rồng, chương trình biểu diễn nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, bài chòi, vật, đẩy gậy, thi đấu cờ tướng, trình diễn thư pháp, dệt Zèng, chằm nón và trưng bày các sản phẩm truyền thống... Lễ hội là một chuỗi các hoạt động đầu Xuân mang nhiều ý nghĩa, thể hiện những giá trị văn hóa Việt, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
 
 
Chơi bài chòi, một hoạt động trong phần Hội của Lễ hội
 
       Để Lễ hội Đền Huyền Trân xuân Đinh Dậu diễn ra thành công, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt trong những ngày đầu xuân, Trung tâm Văn hóa Thông tin đã tiến hành triển khai các công việc hết sức chu đáo, khoa học như: công tác cổ động trực quan xung quanh khuôn viên, trên các tuyến đường đến Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông, công tác vệ sinh cảnh quan, môi trường, công tác an ninh trật tự để đảm bảo không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, không xuất hiện nạn chèo kéo, ăn xin và đốt, hóa vàng mã tại lễ hội, các hoạt động cung cấp các dịch vụ nước uống, giải khát cũng được bố trí hợp lý và cam kết không chặt chém du khách tạo nên một môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các công tác khác liên quan đến việc tổ chức Lễ hội cũng đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả tạo nên một không khí Lễ hội trang nghiêm, sôi nổi trong những ngày đầu xuân.
 
 
Đông đảo du khách đến thắp hương tưởng niệm Công chúa Huyền Trân
 
        Với những gì đã diễn ra, Lễ hội Đền Huyền Trân xuân Đinh Dậu 2017 ngày càng khẳng định vị thế và dấu ấn riêng của mình trong bản đồ “Lễ hội Việt Nam” đưa du khách thập phương có những trải nghiệm đặc biệt. Lễ hội là một hoạt động ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân, người đã có công lao trong việc mở mang bờ cõi. Và đây cũng là dịp mọi người dân, du khách được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô mỗi dịp đầu xuân mới.
Bài: Hằng Nguyễn. Ảnh: Thanh Lâm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.