Việc UBND tỉnh giao cho ngành Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tiếp nhận bàn giao Trung tâm Văn hóa Huyền Trân để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân trong thời điểm hiện nay có một ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tấm là một trung tâm văn hóa và du lịch đặc sắc của cả nước”.
Sau khi tiếp nhận bàn giao Trung tâm Văn hóa Huyền Trân từ Công ty Du lịch Hương Giang, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã giao cho Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động từ ngày 01/01/2017. Nhằm ổn định tình hình, duy trì và đảm bảo liên tục trong điều hành và tổ chức hoạt động, bảo đảm an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất, tài sản, phương tiện, thiết bị, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là ổn định tình hình tư tưởng cho CBVC và NLĐ trong thời điểm chuyển giao. Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã nhanh chóng xây dựng đề án Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân trình lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao phê duyệt nhằm thực hiện tốt nhất chủ trương của lãnh đạo tỉnh cũng như tình cảm của du khách trong cả nước đối với công lao và sự đóng góp của Công chúa Huyền Trân đối với lịch sử dân tộc. Theo đó, tại Đề án Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đã được phê duyệt, thì Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, là đơn vị trực thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, có chức năng tổ chức các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa. Trung tâm Văn hóa Huyền Trân sử dụng tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản thông qua cơ chế quản lý và điều hành trực tiếp của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để Trung tâm Văn hóa Huyền Trân ngày càng phát huy hơn nữa giá trị hiện có, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh xác đinh nhân tố con người là “lực đẩy” quan trọng, tiên quyết để xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân ngày càng phát triển, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ du lịch, nơi đến yêu thích của du khách mỗi khi đến Huế. Trung tâm Văn hóa Thông tin đã bố trí, sắp xếp nhân lực theo hướng chuyên môn hóa “một người biết nhiều việc, phối hợp thực hiện nhiều công việc, nhưng phải chịu trách nhiệm đến cùng về một việc mà mình được phân công chuyên trách”. Kiện toàn Ban lãnh đạo, quản lý, trong đó, đồng chí Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh sẽ kiêm nhiệm thêm chức danh Giám đốc Trung tâm Văn hóa Huyền Trân nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, quản lý. Biệt phái, điều chuyển một số cán bộ từ Trung tâm Văn hóa Thông tinh tỉnh, chuẩn hóa bộ phận trực thuộc hành chính, nghiệp vụ, các vị trí việc làm chủ yếu, tinh giản các bộ phận, kiêm nhiệm thêm công việc, hợp đồng một số cán bộ có kinh nghiệm ở các vị trí chủ chốt, tạo điều kiện để bộ máy vận hành gọn nhẹ, nhưng mang lại hiệu quả cao.
Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh sẽ tăng cường tổ chức, đẩy mạnh hoàn thiện về tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân . Xây dựng và hoàn thiện các nội quy, quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế về quản lý tài chính tài sản, quy chế về tổ chức nghi lễ, lễ hội ... tạo hành lang pháp lý, để căn cứ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, công tác tài chính thu - chi cũng được Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh nghiên cứu lập dự toán chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc, đúng với quy định của pháp luật. Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh phấn đấu thực hiện cơ chế gắn thu bù chi, đảm bảo duy trì có hiệu quả mọi hoạt động của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Đồng thời Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh sẽ đầu tư, nâng cấp và bổ sung thêm một số phương tiện, thiết bị hiện đại như hệ thống chiếu sáng, lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí, camera, bộ đàm, máy bơm áp lực, hệ thống PCCC, hệ thống nước máy ... để phục vụ du khách và quản lý tốt hơn về cơ sở vật chất.
Trong thời gian tới, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh sẽ tăng cường, tập trung vào công tác tuyên truyền quảng bá, hoạt động nghiệp vụ nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và sự hài lòng của du khách khi đến với Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. trong đó, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Nghiên cứu, tham mưu tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân.
Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quảng bá về du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, chiêm bái.
Phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành, các đơn vị liên quan, xây dựng các tuor, tuyến cố định đến tham quan Trung tâm Văn hóa huyền Trân của khách du lịch khi đến Thừa Thiên Huế.
Phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các trường học trong tỉnh tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, giáo dục truyền thống dân tộc tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân cho phụ nữ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên ...
Xây dựng các chuyên đề, các trang thông tin giới thiệu về Trung tâm Văn hóa Huyền Trân trên hệ thống thông tin đại chúng quảng bá rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, cả nước và khách quốc tế.
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là một thiết chế văn hóa và du lịch, vừa mang tính lịch sử, vừa mang yếu tố tâm linh, có ý nghĩa tri ân, ghi nhận và tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân đã có công với nước trong việc mở rộng bờ cõi, giang sơn, gấm vóc của dân tộc, là biểu hiện sinh động cho sự kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, góp phần quảng bá những giá trị đặc trưng của văn hóa Huế đến với du khách trong và ngoài nước. Với những giải pháp hết sức quyết liệt về công tác quản lý, điều hành, bố trí về nhân sự, về tài chính, tài sản, đè án tổ chức hoạt động cùng với sự phân công điều hành khoa học và hợp lý, chúng ta tin tưởng rằng, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với công lao của Công chúa đối với lịch sử dân tộc và tình cảm của nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.