Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.106.628
Truy cập hiện tại 88
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - Một địa danh văn hoá mang ý nghĩa lịch sử ở cố đô Huế
Ngày cập nhật 25/01/2017

Nằm cách thành phố Huế khoảng 7 km về phía Tây, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tọa lạc tại chân núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế. Là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch mỗi khi đến Huế.

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, từ lâu đã trở thành điểm du lịch văn hoá, tâm linh, mà còn là điểm du lịch lịch sử, đưa du khách trở về sự kiện lịch sử trong đại trong việc bảo vệ và mở mang bờ cõi của đất nước Việt Nam vào thời nhà Trần, thế kỷ XIII. Theo lịch sử ghi chép, công chúa Huyền Trân sinh năm Đinh Hợi (1287 - 1337), pháp danh Hương Tràng,  công chúa là trưởng nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng Hậu.
 
 
Đền thờ Huyền Trân Công chúa
 
Công chúa Huyền Trân được Phụ Hoàng nương chiều thương yêu, Thái Hậu ngày đêm chăm sóc chiều chuộng. Huyền Trân có sắc đẹp hơn người, nàng có đôi mắt đen huyền, hàng mi cong như lá liễu, tóc dài ngang lưng, khuôn mặt trái xoan, nước da mịn màng trắng hồng. Trông nàng như một cô tiên lạc bước xuống trần gian. Tuổi mười sáu trăng tròn, nhiều vương tôn công tử xứ Hà Thành (Đông đô) muốn làm phò mã, nhưng nàng chưa dám nghĩ tới vì còn phụ thuộc ở phụ hoàng và vương huynh.
Theo lịch sử ghi lại, năm Tân sửu (1301) Thượng hoàng đi sang Chiêm xem phong cảnh, có ước gả Huyền Trân Công chúa cho vua Chiêm. Vua Chiêm Thành Jaya Simhavarman III (Chế Mân) để cưới được Công chúa Huyền Trân đã đem hai châu Ô, châu Lý dâng lên vua Trần làm sính lễ. Vâng mệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hòa hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế cũng được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm.
Công chúa Huyền Trân về Chăm Pa để rồi từ đó người Việt bắt đầu di dân, định cư khai phá đất đai, lập làng trên mảnh đất mới Châu Thuận - Chuân Hóa trở thành phên dậu phía Nam của Đại Việt. Về Chiêm được 11 tháng Huyền Trân sinh được hoàng tử, nhưng thật bất hạnh cho nàng, cùng lúc ấy Chế Mân qua đời. Theo phong tục của Cham Pa, Hoàng Hậu phải lên giàn hỏa thiêu để cùng được sống với Hoàng đế nơi cõi khác. Trần Anh Tông đã sai quan Nhập nội hành khiển thượng thủ tạ bộc xạ Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn sang chiêm tìm cách cứu mẹ con Huyền Trân đưa về Đại Việt. Huyền Trân Công chúa sau khi về nước (1308) nàng đã xuất gia thờ Phật ở chùa Nộn Sơn trên núi Hổ thuộc xã Hổ Sơn, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam (nay là xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh  Nam Định). Trong thời gian tu hành, bà đã đi nhiều nơi giúp dân dựng làng lập ấp. Huyền Trân Công Chúa ngoài việc góp phần xóa bỏ hận thù, tăng cường bang giao, nhân dân sống yên bình, mà còn cho đất nước một vùng đất quan trọng và rộng lớn. Công lao ấy thật to lớn, trãi qua nhiều triều đại, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Đặc biệt là Nhà Nguyễn (1802 - 1945) ở làng Lịch Đợi, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy (nay là Phường Đúc, thành phố Huế) có miếu thờ Huyền Trân gọi là Lịch Đợi Đại Đế để thờ các vị khai quốc công thần. Qua thời gian, do chiến tranh tàn phá cùng với những biến thiên của lịch sử đến nay ngôi đền không còn nữa.
 
 
Điện Thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông
 
Với tấm lòng biết ơn sâu sắc, tri ân công đức của công chúa Huyền Trân, năm 2006, nhân kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (1306-2006), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép Công ty du lịch Hương Giang đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân công chúa tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, TP Huế, trên một không gian rộng 28 ha nằm dưới chân núi Ngũ Phong. Đây là khu vực có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp. Không gian thâm nghiêm, kỳ vĩ, phù hợp với những công trình văn hóa mang tính tâm linh, về nguồn. Từ ngoài dẫn vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có nghê đá phục chầu, tiếp đến là ba bậc sân rộng lát gạch Bát Tràng, có hồ nước và cầu bắc qua tương tự như cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa của Đại Nội Huế; tiếp nữa là tam quan, rồi đến đền thờ Huyền Trân, trong cùng là đền thờ đức vua Trần Nhân Tông. Trước ngôi đền uy nghi là đôi rồng chầu đạt kỷ lục dài nhất Việt Nam. Tất cả nằm trên một trục thẳng. Bên trong đền thờ có pho tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng, tượng cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, TP Huế cẩn tác. Hậu điện thiết án thờ Đoàn Nhữ Hài (1280 - 1335) nhà hoạt động chính trị đời Trần, người tương truyền đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Nhân Tông; ông còn là vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ và yên dân 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này về với Đại Việt. Phía trên tiền đường có 3 bức phù điêu Huế, Lạng Sơn, Cà Mau tượng trưng cho ba miền Bắc Trung Nam như cây một cội, như con một nhà.
Trong đền thờ đức vua Trần Nhân Tông - vị vua có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, có pho tượng nhà vua rất lớn. Tượng được làm bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần tại Nam Định.           
Cũng tại Trung tâm văn hoá Huyền Trân trên đỉnh núi Ngũ Phong ở độ cao 108 mét có tháp chuông Hoà Bình và treo một quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét, chi vi 3m1, đường kính 1m26, chung quanh chuông trang trí tám chữ  “Thế giới Hoà bình - Nhân loại Hạnh phúc” và bốn thắng cảnh của đất nước: Chùa Thiên Mụ (Huế), Chùa Giác Lâm (Tp Hồ Chí Minh), chùa Yên tử (Quảng Ninh) và chùa Thiên Hựu (Thủ đô Hà Nội). 
Bên cạnh đó, để tưởng nhớ vị tổ sư sáng lập Thiền phái trúc lâm - Đức Vua Trần Nhân Tông, Trung tâm văn hoá Huyền Trân đang từng bước xây dựng hoàn chỉnh để trở thành một khu Văn hoá Du lịch Tâm linh, một địa chỉ du lịch Thiền của quốc gia. Ngoài ra, nơi đây còn có thêm một số hạng mục như: Thiền đường; Nhà thư pháp; Nhà phong lan, Thư viện, Miếu Sơn Thần, Miếu Thủy thần ... để lưu giữ và nghiên cứu chủ yếu các tài liệu về vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Công chúa Huyền Trân... cùng các nhân vật anh hùng khác dưới thời đại nhà Trần; về Thiền phái Trúc Lâm qua các Triều đại, văn hoá Huế và lịch sử văn hoá kiến trúc Chămpa và một số dịch vụ bổ sung khác để làm nơi sáng tác văn nghệ, tập dưỡng sinh, yoga.
 
 
Tượng Phật Di Lặc
 
Ngoại cảnh và nội thất Đền thờ Huyền Trân khang trang thoáng mát, với màu xanh của rừng, màu vàng của các loại hoa. Với hình thức trang trí thanh nhã, kiến trúc Phú Xuân: Long, Lân, Quy, Phụng, dơi ngậm kim tiền, lá phật, Phước Lộc Thọ ... được các nghệ nhân khéo tay cách điệu hóa thành những hình ảnh nổi bật, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trải qua hơn 10 năm đi vào hoạt động, Trung tâm văn hoá Huyền Trân đã trở thành một điểm du lịch văn hoá lịch sử, tâm linh thu hút mỗi ngày hơn 1.000 lượt khách đến vãn cảnh và thắp hương tưởng niệm vị công chúa đã có công mở mang bờ cõi nước Việt. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, ngoài công tác hướng dẫn du khách đến tham quan, chiêm bái, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, được sự cho phép của Lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các ngành chức năng trong tỉnh đã tổ chức nhiều lễ hội văn hóa, lễ Cầu an, đặc biệt là Lễ hội văn hóa gắn với Lễ khánh thành Đền thờ và kỷ niệm 750 năm Ngày sinh Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân vào ngày 07/12/2008 và Lễ hội Đền Huyền Trân theo định kỳ (nhằm ngày 9 tháng Giêng). Đó là những lễ hội đặc sắc và có quy mô lớn, đã giới thiệu, quảng bá Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đến với nhân dân cả nước, góp phần quảng bá cho văn hóa và du lịch Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, hàng năm Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đã tổ chức các hoạt động văn hóa và nghi lễ theo truyền thống và định kỳ như Lễ Kỵ bà Huyền Trân (ngày 09 tháng Giêng), Lễ Cầu Quốc thái dân an (ngày 10 tháng Giêng), Tết Nguyên tiêu, Lễ Cầu an vào dịp Phật đản (14 tháng tư âm lịch), Lễ Cầu siêu vào dịp 27 tháng 7 và 15 tháng 7 (âm lịch), Lễ kỵ ngài Trần Nhân Tông (ngày 03 tháng 11 âm lịch), các ngày Tết cổ truyền và ngày rằm, mồng một âm lịch...
 
 
Tháp chuông Hòa Bình
 
Trung tâm Văn hoá Huyền Trân được xây dựng là để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, ý thức tôn trọng của thế hệ hôm nay với thế hệ cha ông, gìn giữ một dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc. Trung tâm là một điểm nằm trong tour du lịch “Về nguồn - Khu du lịch văn hóa lịch sử sinh thái Thủy An”, góp phần làm phong phú thêm danh sách các địa danh du lịch hấp dẫn ở  Huế, thành phố Festival với quần thể kiến trúc di tích cố đô Huế cùng với nhã nhạc cung đình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại./.
Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.