Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.106.752
Truy cập hiện tại 95
Đối thoại sử học về “Hành trình Festival Huế”: Công tác xã hội hoá phải được đẩy lên “nấc thang” mới
Ngày cập nhật 29/11/2016
Festival Huế là bài học thành công về công tác xã hội hóa

Nhằm tiếp tục tìm ra những giải pháp mới cũng như rút ra những kinh nghiệm cho định hướng của các kỳ Festival tiếp theo, ngày 18.11 tại TP Huế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức Diễn đàn đối thoại sử học với chủ đề “Hành trình Festival Huế (2000-2016) và giải pháp phát triển”.

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo UBND tỉnh; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng nhiều nhà khoa học được mời tham gia phản biện và các nhà nghiên cứu, những người quan tâm.
Festival Huế là thương hiệu có sức thu hút và lan tỏa đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần quan trọng đánh thức tiềm năng văn hóa - du lịch Thừa Thiên Huế, quảng bá hình ảnh văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thông qua chín kỳ Festival Huế và sáu kỳ Festival nghề truyền thống Huế đã góp phần khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, là nguồn tài nguyên hết sức hấp dẫn, phong phú, có giá trị cao của Thừa Thiên Huế. Sau chín kỳ Festival Huế (2000-2016) và sáu kỳ Festival nghề truyền thống Huế (2005-2015), Huế ngày càng khẳng định vị trí thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Tại diễn đàn, đã có sáu tham luận chuyên đề về Festival do các cơ quan, đơn vị tham gia tổ chức Festival trình bày gồm: Festival Huế - Hành trình và phát triển của Trung tâm Festival Huế; Ưu thế văn hóa, yếu tố căn bản để tổ chức thành công các kỳ Festival Huế (TS Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH&TT); Đồng hành qua chín kỳ tổ chức Festival Huế (2000 - 2016), mấy ý kiến đề xuất (TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); Festival Huế với phát triển du lịch (Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch); Festival nghề truyền thống Huế - thành quả, hạn chế và bài học kinh nghiệm (UBND thành phố Huế); Báo chí - Truyền thông qua chín kỳ Festival Huế, đôi điều cần trao đổi (Dương Phước Thu, Hội Nhà báo tỉnh).
12 bài phản biện của chín nhà khoa học tham gia diễn đàn đối thoại đã làm rõ tên gọi, thời gian, cách thức tổ chức và đề xuất các giải pháp, ý tưởng để tổ chức có hiệu quả Festival Huế các kỳ sau. Nhìn chung, các đại biểu đều khẳng định, sau các kỳ cuộc, Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa hội nhập và du lịch văn hóa hàng đầu của đất nước, Festival Huế là thương hiệu danh giá có sức thu hút và lan tỏa đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Festival Huế thực sự là cơ hội để thể hiện và giao lưu văn hoá của Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc Cung đình, Ca Huế và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế, các loại hình độc đáo của nhiều vùng miền Việt Nam cùng các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của các đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia của năm châu lục. Festival Huế đã khẳng định tính chất lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế, đó là sự hội tụ điểm đến các di sản thế giới mà Thừa Thiên Huế đang sở hữu; đó là sự sáng tạo, sự phong phú của nhiều loại hình nghệ thuật; là tính đa dạng và sự tinh tế của ẩm thực, là sự tinh xảo của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; là sự an toàn thân thiện của đất nước yêu chuộng hòa bình...
Có được thành quả này là nhờ Huế mang trong mình nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc và nhân loại, là do nhận thức và đầu tư đúng đắn và đúng tầm ngay từ đầu của lãnh đạo địa phương, được sự hỗ trợ tích cực và có hiệu quả của Chính phủ và nhiều Bộ, ngành Trung ương cùng nhiều tổ chức quốc tế, là sự cống hiến, sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học trong tỉnh, trong nước và quốc tế, sự đồng hành của nhiều đơn vị, địa phương, các nhà tài trợ cùng sự tham gia tích cực của nhân dân và sự hưởng ứng của du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, Festival Huế cũng đang gặp một số thách thức nhất định, quan trọng là tổ chức Festival Huế đáp ứng thị hiếu của người xem, thu hút khách du lịch nhưng cũng phải giữ vững thương hiệu, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của Việt Nam, của Cố đô Huế một cách hiệu quả nhất”.
Trong đó, những vấn đề được đông đảo các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tập trung thảo luận, đối thoại là về chủ đề của Festival Huế; tên gọi Fetival Huế có cần thay đổi hay không? Thời lượng và thời điểm của mỗi kỳ Festival; Chu kỳ tổ chức nên kéo dài ra cho thuận tiện đối với BTC hay giữ như thời gian qua là hai năm/lần; cách thức và việc sử dụng kinh phí tổ chức; việc tuyên truyền, quảng bá cho Festival...
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng, thời gian diễn ra Festival không nên dồn hết vào chín ngày như cách đang làm mà có thể phân thành hai đợt, hoặc ba đợt trong năm tổ chức Festival, mỗi đợt kéo dài 3-4 ngày, gắn với một chủ đề nhỏ, cụ thể như: Lễ hội, ẩm thực, mưa Huế, nhạc Huế, hội họa Huế, văn hóa Huế… để cho Festival được diễn ra ở nhiều thời điểm trong năm. Tiêu biểu cho ý kiến này là TS Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng). Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế) không đồng tình với việc rút ngắn thời lượng mỗi kỳ Festival Huế từ 12 ngày xuống còn chín ngày và hiện nay là sáu ngày. Theo lý giải của ông Hoa, chương trình Festival Huế được xây dựng theo khung 3 ngày/tour theo công nghệ festival mà nước Pháp đã chuyển giao. Với công thức 3 ngày/tour có thể làm bao nhiêu tour cũng được mà không phải đầu tư thêm kinh phí, nhưng lại tăng thêm doanh thu do bán được nhiều vé xem và hàng hóa, dịch vụ cho du khách. Festival Avignon của Pháp còn kéo dài đến 30 ngày (với 10 tour).
Bên cạnh đó, là ý kiến đề nghị cần tiến hành điều tra nghiên cứu đánh giá chuyên sâu về chất lượng các chương trình, đồng thời nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của du khách và dân cư địa phương để xây dựng chương trình phù hợp cả về nội dung, địa điểm biễu diễn và thời gian biễu diễn… Ngoài ra, cần chú ý làm cho hệ thống các Festival nghề năm lẻ, các lễ hội dân gian, các lễ hội truyền thống hằng năm gắn kết với Festival Huế thành một chuỗi sản phẩm liên tục phù hợp với yêu cầu của một thành phố Festival. Ngoài ra cũng cần tập trung chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế trước Festival một cách sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cũng cho rằng cần mở chuyên mục về tiếp nhận ý kiến đóng góp trên trang web của Trung tâm Festival Huế và trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế để tạo thuận lợi các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm tham gia góp ý về Festival Huế.
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm là công tác xã hội hoá Festival. Thành công của các kỳ Festival mà đặc biệt Festival 2016 đã tạo cú hích lớn để Ban tổ chức Festival Huế 2016 tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, cả về kinh phí lẫn các chương trình nghệ thuật. Được biết, tổng mức tài trợ cho Festival Huế 2016 mà BTC vận động được là gần 30 tỉ đồng; trong đó hơn 21 tỉ đồng là hiện kim. Ông Chế Công Chung, Giám đốc Trung tâm Festival Huế từng nói: “Chưa bao giờ công tác xã hội hóa trong Festival Huế lại được đẩy mạnh như năm 2016. Nội dung không dàn trải, thời gian ngắn gọn nhưng “nguồn tiền” xã hội hóa lại nhiều ra”. Huy động kinh phí từ các nguồn lực xã hội để tổ chức là một trong những mục tiêu quan trọng mà BTC các kỳ Festival Huế hướng tới. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, công tác xã hội hoá nên mạnh dạn đẩy lên thêm một “nấc thang” mới. Festival Huế là của các doanh nghiệp, hãy để cho họ đầu tư và thu lợi từ hoạt động này, nếu Nhà nước đầu tư thì người dân vẫn còn đứng ngoài cuộc. PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, quản lý Festival Huế vẫn nặng tính hành chính hơn là tính kinh tế. “Du khách muốn mua một kỷ vật lưu niệm hay quà tặng mang dấu ấn Festival Huế thì mua cái gì? Câu trả lời là chưa có”, ông Bài nói.
Phát biểu tại diễn đàn, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho rằng, diễn đàn sẽ giúp cho chính quyền, các ban ngành của tỉnh mà trực tiếp là Trung tâm Festival Huế nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan về Festival Huế, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các quyết sách, chiến lược liên quan đến việc tổ chức Festival Huế, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tài nguyên văn hóa phong phú và độc đáo của Cố đô Huế, giúp Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam.
 
Theo Văn hóa Online (HN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.