Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành TƯ và địa phương; đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT; các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa tỉnh, thành trong cả nước.
Nhân rộng những mô hình điểm
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, sau hai năm thực hiện Đề án, nhiều địa phương đã nỗ lực phát huy các nguồn lực nhằm triển khai các hoạt động phục vụ việc học tập và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động giáo dục, học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, qua đó góp phần đẩy mạnh việc học tập suốt đời của mọi người dân.
Thứ trưởng lưu ý, trong quá trình triển khai, đề án còn gặp nhiều khó khăn như: việc đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa chưa thực sự được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí và nguồn lực chưa đảm bảo… Đây là những khó khăn cần sớm tìm giải pháp trong thời gian tới.
Nhiều kinh nghiệm thực tế đã được chia sẻ tại Hội nghị. Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, nhiều mô hình điểm trong từng lĩnh vực đã được xây dựng. Với vai trò chủ trì, Bộ VHTTDL đã cùng phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiều hoạt động, chương trình có hiệu quả thiết thực.
Điển hình như chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện giai đoạn 2016- 2020; lãnh đạo Bộ VHTTDL đã phê duyệt kế hoạch biên soạn tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, nhà văn hóa; Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT phối hợp xây dựng bộ tài liệu “Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông”…
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả công tác luân chuyển sách báo xuống cơ sở, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã xây dựng dự án Trang bị xe ô tô thư viện cho các thư viện tỉnh bằng nguồn xã hội hóa. Vừa qua, Bộ đã tổ chức lễ trao tặng 5 xe ô tô thư viện cho các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai và An Giang.
Đánh giá từ Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cũng cho biết, thời gian qua đã có nhiều trường học áp dụng các mô hình thư viện hiệu quả như “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”, “Thư viện luân phiên sách trong các lớp học”, “Tủ sách phụ huynh”, phong trào “Góp một quyển sách để được đọc nhiều quyển sách” ... Các thư viện điện tử, thư viện của mô hình “Trường học mới Việt Nam” cũng đã được triển khai tích cực.
Huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) là minh chứng điển hình về hoạt động sáng tạo; là đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng Tủ sách phụ huynh. Từ năm 2011, cùng với sự hỗ trợ của Chương trình Sách hóa nông thôn, cha mẹ học sinh và các nhà trường trên địa bàn đã cùng xây dựng được 905 tủ sách, trong đó đóng góp của cha mẹ học sinh và địa phương chiếm hơn 80% tổng kinh phí. Hiệu quả từ mô hình này đã được nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình học tập. Sở GD&ĐT Thái Bình cũng đã quyết định nhân rộng mô hình Tủ sách phụ huynh ra toàn tỉnh từ tháng 1.2014.
Chia sẻ về một mô hình hoạt động hiệu quả khác, theo Giám đốc Thư viện TP. Cần Thơ Phan Thị Thùy Giang, năm 2016, Thư viện đã phối hợp thực hiện thí điểm mô hình “Tiết học Thư viện” dành cho học sinh THCS với các nội dung như: tham quan thư viện, hướng dẫn tìm kiếm tài liệu và sử dụng thư viện, trải nghiệm làm thủ thư… Qua đó, giúp các em học sinh gần gũi, thân thiết hơn với thư viện; tạo tiền đề để các em chủ động hơn trong học tập.
Nhiều tỉnh trong cả nước cũng đã đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, thúc đẩy phong trào xây dựng tủ sách phụ huynh như Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai… Đây là những mô hình đặc biệt hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn trước thực tế văn hóa đọc đang bị mai một, xuống cấp hiện nay.
Đẩy mạnh truyền thông, tạo sức lan tỏa
Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, việc triển khai đề án qua hai năm cũng vấp phải không ít khó khăn. Ngoài cái khó về cơ sở vật chất, cơ chế tài chính thì rào cản lớn còn là nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời còn hạn chế; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… “Công tác tuyên truyền thực hiện Đề án cũng thường xuyên phải lồng ghép với các hoạt động chuyên môn khác của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chất lượng hoạt động chưa đồng đều giữa các vùng miền…”, bà Ngà chia sẻ.
Kiến nghị của Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng vào các nhà văn hóa, câu lạc bộ; xây dựng các tủ sách, phòng đọc sách ở các thôn, làng, khu phố phục vụ cộng đồng dân cư, phòng đọc sách phục vụ công nhân khu công nghiệp, cụm kinh tế - kỹ thuật theo hình thức xã hội hóa…
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, việc xây dựng những mô hình tốt sẽ nhân lên nhiều ý nghĩa khi những mô hình đó được tuyên truyền, giới thiệu, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Để đề án có thể “về đích” đảm bảo tiến độ và mục tiêu đặt ra, Bộ VHTTDL đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ cần quan tâm hơn nữa đến việc chỉ đạo thực hiện đề án. Nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc Bộ cũng được Thứ trưởng giao cụ thể. Theo đó nhấn mạnh: Vụ Thư viện, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa sớm xuất bản và phân phối tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; sớm hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động học tập suốt đời; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án tại địa phương. Báo Văn Hóa và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về Đề án.