Năm 2015, hoạt động giao lưu văn hóa diễn ra sôi động trên mọi lĩnh vực, từ âm nhạc, văn học, điện ảnh đến điêu khắc, triển lãm, mỹ thuật… Vượt lên yếu tố giải trí đơn thuần, các hoạt động này đã thực sự đáp ứng mong muốn của đa số công chúng khi mang đến những thực đơn nghệ thuật công phu về hình thức, sâu sắc về nội dung và có sức lan tỏa bền vững. Làm nên thành công của những chương trình giao lưu nghệ thuật, cũng như tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế, theo ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL, “bản sắc văn hóa chính là yếu tố tiên quyết”. Không phải ngẫu nhiên mà trong hầu hết các chương trình giao lưu nghệ thuật, hình ảnh tà áo dài Việt Nam lại được liên tiếp lựa chọn, trình diễn và giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Trong nhiều năm gần đây, Thuận Việt là nhà thiết kế được xướng danh nhiều nhất trong những chương trình giao lưu thời trang- nghệ thuật quốc tế, bởi những đóng góp của anh đối với sự tôn vinh vẻ đẹp tà áo dài Việt Nam. Tháng 5/2015, Thuận Việt đã có buổi giới thiệu 2 bộ sưu tập áo dài Việt Nam là “Ngũ Hổ” và “Sắc Hoa” tại Mỹ đã gây ấn tượng sâu sắc đối với công chúng nước bạn. Đặc biêt, anh cũng chính là tác giả của những bộ áo dài được nhiều người đẹp lựa chọn trong những lần tham dự đấu trường sắc đẹp quốc tế. Hoa hậu Thùy Lâm với “Vũ khúc hạc”, Diễm Hương sang trọng và quyền uy với bộ áo dài thổ cẩm,Trương Thị May với bộ áo dài sen thanh thoát và Phạm Hương với bộ áo dài được lấy ý tưởng từ chim hạc, cây tre, lá trúc - vốn là những hình ảnh rất quen thuộc trong dân gian Việt Nam. Theo NTK Thuận Việt: “Việc thiết kế áo dài cách tân đã khó, việc lựa chọn trang phục áo dài cho các thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Ngoài việc giúp thí sinh nổi bật giữa hàng trăm nhan sắc thì chiếc áo dài còn đóng vai trò là "sứ giả văn hóa" đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng ý tưởng, tạo điểm nhấn cho bộ áo dài thì việc gìn giữ, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống là điều hết sức quan trọng.”
Đối với lĩnh vực điện ảnh. Năm 2015 cũng là năm điện ảnh Việt gặt hái được nhiều thành công và gây được ấn tượng mạnh trên đấu trường quốc tế. Tháng 3/2015, bộ phim "Đập cánh giữa không trung" của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được vinh danh trong liên hoan phim Fribourg, Thụy Sĩ; Cha và con và... lọt vào danh sách tranh giải Gấu Vàng của Liên hoan phim Berlin 2015; Tháng 5/2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được hãng phát hành phim nổi tiếng Fortissimo Films mua bản quyền quốc tế để phát hành trên thị trường thế giới; Tháng 9/2015, bộ phim đã giành giải Bộ phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Silk Road 2015. Trong bối cảnh hội nhập với nền điện ảnh khu vực và thế giới, theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, việc xây dựng thương hiệu và vị thế của phim Việt Nam trước hết phải bắt đầu từ chất lượng tác phẩm, trong đó yếu tố tiên quyết là phải kết tinh và thể hiện được bản sắc dân tộc, thông qua điện ảnh nhằm quảng bá thương hiệu quốc gia. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL “Các chương trình giao lưu quốc tế cần phải mang đến hình ảnh đất nước Việt Nam có nền văn hóa phong phú đa dạng, ẩm thực ngon, người dân thân thiện, hiền hòa, cảnh quan kỳ vĩ và nhiều di sản được thế giới công nhận. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật phải hướng tới việc trình diễn những loại hình di sản độc đáo, như ca trù, quan họ, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh… Bên cạnh đó, đàn bầu, những nhạc cụ tre nứa của các dân tộc thiểu số cũng là nhạc cụ độc đáo xuất hiện trong những chương trình giao lưu quốc tế được bạn bè tán thưởng.” Tuy nhiên, nhấn mạnh yếu tố bản sắc dân tộc không có nghĩa là bài ngoại, trái lại phải tiếp thu có chọn lọc tất cả những tinh hoa văn hóa thế giới, làm cho những giá trị đó hòa quyện với bản sắc dân tộc. Tà áo dài nếu chỉ đơn điệu và cũ kỹ, liệu có thể gây ấn tượng mạnh mẽ như thế trong lòng bạn bè quốc tế? Ngay cả những loại hình nghệ thuật truyền thống, nếu không có những yếu tố mới, “độc”, liệu có hấp dẫn được độc giả? Nghệ thuật Múa rối nước là ví dụ. Tháng 10/2015, Liên hoan Múa Rối quốc tế lần thứ tư đã thật sự là “bữa tiệc nghệ thuật” mang đậm bản sắc văn hóa của các nước, trong đó có Việt Nam. Không chỉ sử dụng những tích kinh điển của Việt Nam như Thạch Sanh, Tấm Cám, Thánh Gióng… lần đầu, Nhà hát Múa Rối Thăng Long táo bạo đưa cả màn đấu bò tót, đậm chất Tây Ban Nha và trích đoạn Hồ thiên nga trong vở ba-lê kinh điển của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Chai-cốp-xki lên sân khấu, đem lại nhiều ngạc nhiên cho công chúng. Việc tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của thế giới trên sân khấu ao làng của Việt Nam được coi là hướng đi sáng tạo để làm mới sân khấu rối nước truyền thống, vừa thể hiện nghệ thuật dân gian Việt Nam, vừa đáp ứng tinh thần hội nhập văn hóa.
Việc mở rộng cửa đón nhận các giá trị tốt đẹp của văn hóa thế giới trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau sẽ góp phần bổ khuyết những thiếu hụt trong hệ giá trị văn hóa của mình. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là tinh thần chung được quán triệt sâu sắc trong các cuộc họp của Bộ VHTTDL về vấn đề giao lưu văn hóa. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Bản chất tốt đẹp của giao lưu văn hóa là sự đối thoại bình đẳng và rộng mở. “Văn hóa nhân loại sẽ đa dạng, phong phú khi văn hóa của các dân tộc hòa quyện với bản sắc riêng của từng nền văn hóa mỗi quốc gia. Hay nói cách khác, cái chung của toàn nhân loại chỉ được thể hiện qua cái riêng của từng dân tộc. Đồng thời, chính sự đối thoại cởi mở và bình đẳng là nguồn lực tạo ra sự phong phú và tính độc đáo của mỗi nền văn hóa. Nhận thức sâu sắc và vận dụng một cách chủ động quy luật đặc thù này, Đảng và Nhà nước ta kiên trì nguyên tắc hợp tác bình đẳng, đối thoại cởi mở để vừa cho và vừa nhận văn hóa.” Bước sang năm 2016, đi đôi với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL Cục Hợp tác quốc tế, luôn quan tâm mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế thông qua nhiều phương thức hợp tác đa dạng, phong phú nhằm giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới và tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và các công trình, tác phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của nhân loại, góp phần hình thành những giá trị văn hóa hóa mới, để làm giàu đẹp và phong phú nền văn hóa dân tộc.