Năm 2016 là năm kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 5 năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, cũng là năm đánh dấu chặng đường 30 năm đổi mới.
Năm năm qua, cuộc phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp; trong nước thuận lợi, thời cơ luôn đan xen với khó khăn, thách thức gay gắt, nhiều khi thách thức lấn át cả thời cơ. Nhưng năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, sự nghiệp của chúng ta đã đạt được những thành quả quan trọng.
Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên. Kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược bước đầu đạt kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được bảo đảm. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có chuyển biến tích cực.
Cùng với đó là những thành quả đáng ghi nhận trong giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Nhìn tổng thể 30 năm đổi mới, một lần nữa, Đảng ta khẳng định những thành tựu đạt được là to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bộ mặt của đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao.
Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Mặc dù vậy, Đảng ta vẫn thẳng thắn chỉ ra nhiều mặt hạn chế, yếu kém; nêu rõ nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trước hết là những khuyết điểm trong lãnh đạo và quản lý. Những mặt hạn chế, yếu kém đó là: 1- Kinh tế phát triển chưa bền vững; kinh tế vĩ mô thiếu ổn định; tốc độ tăng trưởng suy giảm; chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. 2- Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ. 3- Việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không đạt được mục tiêu đề ra. 4- Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra từ lâu (năm 1994) nay vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bức tranh toàn cảnh 30 năm đổi mới, trong đó có 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI đưa lại cho chúng ta niềm tự hào chính đáng về những gì đã làm được, đồng thời cũng đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đại hội XII của Đảng có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015); nhìn lại 30 năm đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (nhiệm kỳ 2016 - 2020).
Cả nước đang hướng về Đại hội XII của Đảng với niềm tin tưởng sâu sắc. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, có tầm chiến lược và ý nghĩa thực tiễn cao của Đại hội.
Với tiêu đề của Báo cáo chính trị, cũng là chủ đề của Đại hội XII, Đảng ta đã gửi đến toàn Đảng, toàn dân một bản thông điệp, cũng là lời cam kết đầy trách nhiệm của mình.
Chủ đề ấy được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể trong mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ tổng quát để phát triển đất nước trong 5 năm tới.
Mục tiêu tổng quát là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đó còn là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Nhiệm vụ tổng quát gồm 12 điểm và các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường cũng đã được đề ra. Theo đó, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 6,5% - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32% - 34%GDP, bội chi ngân sách nhà nước không quá 4%/năm. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25% - 30%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38% - 40%...
Mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ tổng quát và các chỉ tiêu quan trọng đề ra trên đây vừa thể hiện quyết tâm cao, vừa có tính hiện thực, chỉ có ra sức phấn đấu đạt được thì mới có thể đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, không phải vào năm 2020 như các chiến lược trước đây dự kiến, nhưng cũng phải sớm, không thể kéo dài.
Trong sự nghiệp của chúng ta, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi. Công tác xây dựng Đảng luôn có vai trò then chốt. Năm năm tới, cần tập trung những cố gắng cao nhất để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận, công tác kiểm tra, giám sát và công tác dân vận; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Đảng phải là một trong những khâu đột phá quan trọng nhất.
Đón chào năm mới 2016, xin nhiệt liệt chúc mừng và tin chắc rằng Đại hội XII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp. Đất nước ta, dân tộc ta nhất định sẽ vững bước đi lên!