Sáng 17.1, lãnh đạo nhiều bộ, ngành T.Ư, thân nhân những người lính đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa ngày 19.1.1974, những người từng công tác tại Hoàng Sa cùng đông đảo người dân trên khắp mọi miền đất nước đã đến dự lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.
Buổi lễ do Tổng liên đoàn Lao động VN phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, diễn ra trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động. Các quan khách và người dân dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã khai phá, xác lập chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa cũng như những người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, khẳng định lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc VN, biển đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Đó là xương máu, là ý chí và khát vọng của tổ tiên ta. Bằng công sức, mồ hôi và cả tính mạng bao đời, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Ngày 19.1.1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này.
“Cuộc hải chiến đẫm máu và không cân sức ở Hoàng Sa là minh chứng lòng yêu nước Việt của những con dân Việt. Họ là những người con đất Việt đã yên lặng vĩnh viễn trong sự thét gào mãi mãi của Biển Đông, những đêm giông tố, những ngày gió bão. Vị mặn của nước Biển Đông hơn 40 năm nay mặn đắng hơn, vì đó là vị mặn của muối, của máu và của nước mắt”, ông Tùng ngậm ngùi.
Theo ông Tùng, Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa với tượng đài chủ đề “Người mẹ thắp lửa” là một trong những công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước nhằm ghi danh, tưởng nhớ, tri ân những người con đất Việt đã bỏ mình bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
“Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì khu tưởng niệm sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối”, ông Tùng bày tỏ.
TS Nguyễn Nhã, nhà sử học chuyên nghiên cứu về Hoàng Sa, chia sẻ: “Nếu cần đến 1.000 năm, chúng ta vẫn kiên trì đòi lại Hoàng Sa”.