Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.098.025 Truy cập hiện tại 152
|
Vai trò của tranh cổ động chính trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng Ngày cập nhật 11/09/2015 Trong dòng chảy của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam, tranh cổ động nói chung và tranh cổ động chính trị nói riêng có vị trí, vai trò to lớn và ảnh hưởng sâu sắc trong Đời sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần hăng hái thi đua giết giặc, lập công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày nay, tranh cổ động chính trị vẫn tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng. Trên thế giới, tranh cổ động đã có từ lâu, nhằm tuyên truyền cổ động, quảng cáo cho các hoạt động chính trị, văn hóa, thương mại... đặc biệt nó được coi trọng, phát triển và đạt được thành công rực rỡ ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba, Ba Lan...
Ở nước ta, tranh cổ động được gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngay từ khi mới ra đời tranh cổ động Việt Nam đã có vai trò to lớn, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đấu tranh cách mạng, vận động quần chúng gắn liền với cách mạng và trở thành thứ vũ khí tinh thần mạnh mẽ trong hành trình giành độc lập cho dân tộc.
Có lẽ không đâu như ở Việt Nam, tranh cổ động đã trở nên hết sức thân thuộc đối với mỗi người dân, đóng góp và có sức lan tỏa lớn trong xã hội. Nền tảng cho thành công đó có phần đóng góp quan trọng của lịch sử bởi đất nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ và khốc liệt, với những thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất. Trong điều kiện lịch sử đó, tranh cổ động đã phát huy hết giá trị của mình, là loại hình nghệ thuật vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa đóng vai trò của người chiến sĩ xung kích trong nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc, ca ngợi tinh thần anh dũng trong chiến đấu, lạc quan trong lao động sản xuất, nêu lên những tấm gương anh dũng hy sinh đồng thời chỉ ra phương hướng và hành động cách mạng. Khi đất nước hoà bình thống nhất, tranh cổ động lại góp phần thôi thúc toàn dân, toàn quân hăng say lao động, xây dựng và bảo vệ những thành quả cách mạng. Từ những thành quả đó, tranh cổ động đã vượt qua "nhiệm vụ chính trị" của mình để trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Không chỉ cổ động cho tiền tuyến anh hùng, hậu phương sản xuất cũng là mảnh đất màu mỡ à là niềm cảm hứng cho các họa sĩ sáng tác. Bên cạnh đó, những chủ đề ca ngợi lòng yêu nước, căm thù giặc, quyết chiến quyết thắng hay lao động quyên mình, tranh cổ động về Bác Hồ kính yêu cũng là đề tài được các hoạ sĩ yêu thích....
Đất nước thống nhất bước vào thời kỳ xây dựng kiến thiết, nhiều tranh cổ động được sáng tác kịp thời, cổ vũ mọi miền, mọi ngành đã có tác dụng mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, ca ngợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, khi hai cuộc chiến tranh đã đi qua khá lâu, tranh cổ động cũ của Việt Nam trở nên "quý hiếm" được nhiều khách du lịch đến Việt Nam tìm kiếm, nhiều nhà sưu tập trên thế giới sưu tầm, lưu giữ. Họ mê dòng tranh giản dị này, không chỉ xem như món quà làm kỷ niệm mà vì thông qua tranh cổ động, họ muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa của dân tộc ta như nhận xét: "Tranh cổ động Việt Nam có thể được coi là những tài liệu lịch sử và mang đậm tinh thần của người Việt. Chúng luôn mang nội dung ca ngợi xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước."
Ông Dominic Scriven - Giám đốc của quỹ đầu tư danh tiếng Dragon Capital, là một người Anh nhưng rất đam mê và sưu tầm tranh cổ động của Việt Nam, đã từng nói. "Nghệ thuật tranh cổ động của Việt Nam vô cùng độc đáo, bản thân nghệ thuật cổ động rất đặc biệt bởi nó chỉ tồn tại ở các nước Xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, tranh cổ động Việt Nam có phong cách hoàn toàn khác hẳn, những bức tranh cổ động Việt Nam đầy màu sắc và có sức thuyết phục mạnh mẽ nhưng lại không hề phô trương... Tranh cổ động Việt Nam thuộc về một thời kỳ cũ nhưng thông điệp của nó thì vượt lên trên thời gian. Như bức tranh Thế giới cần có hòa bình là sự tương phản giữa hình ảnh lưỡi lê giống cao, đôi tay cầu khẩn, ánh mặt trời chói lọi hay cánh chim hòa bình mang ý nghĩa thật giản dị. Nó nói về nỗi buồn vô tận của chiến tranh và niềm hi vọng vô bờ rằng chiến tranh sẽ chấm dứt?".
Nhà phê bình nghệ thuật người ltalia, Giáo sư - Tiến sỹ Vittirio Sgarbi trong cuộc họp báo triển lãm tranh cổ động Việt Nam tại Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật đương đại Praha-Veletrzni Palác (12/2010) cũng đã đưa ra nhận xét: "Qua cuộc triển lãm tranh cổ động Việt Nam lần này, nhũng ai có ý nghĩ xấu về Cộng sản và về Việt Nam sẽ được xóa đi, ngoài ý nghĩa về nghệ thuật thì qua những bức tranh cổ động này thấy những người Cộng sản Việt Nam là những người rất lãng mạn (Romantic), nhân văn và có lòng vị tha, hầu như họ không vẽ đả kích kẻ thù của mình; không thấy có tư tương kích động hận thù; các tấm áp phích đều mang tính thơ mộng một cách bất ngờ... ".
Nhìn lại thời kỳ "hoàng kim" của tranh cổ động đã qua, đã có nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật và thời sự nóng bỏng tạo dựng được sức sống lâu bền, mang đậm dấu ấn lịch sử, vượt qua thời gian làm giàu cho kho tàng thể loại tranh cổ động Việt Nam. Tuy nhiên có thể thấy, ngày nay tranh cổ động chính trị đã mất đi vị trí chủ đạo vốn có trong đời sống và nghệ thuật một thời, lọt thỏm giữa biển lớn của tranh cổ động hàng hóa. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong nền kinh tế thị trường, tranh cổ động hàng hóa đang ngày một lên ngôi, chiếm vị trí chủ yếu trên nhũng trục đường giao thông lớn, nơi công cộng.
Nhằm đưa tranh cổ động phục sinh, Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc phát động, các cuộc thi vẽ tranh cổ động theo chủ đề, tổ chức nhiều chuyên đề hội thảo nhằm đáp ứng đòi hòi của xã hội. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: lớp họa sỹ trẻ hiện nay chưa đủ kinh nghiệm và tâm huyết với tranh cổ động, sự dễ dãi trong ý tưởng, đôi khi lạm dụng các phần mềm đồ họa dùng cho việc "thiết kế, chỉnh sửa, in ấn"... dẫn đến số lượng tranh cổ động tuy ra đời không ít nhưng chưa để lại được nhiều tác phẩm có giá trị. Vì vậy, để cho tranh cổ động tiếp tục kế thừa và phát triển như truyền thống đã từng có, ngoài cái tâm, nhiệt huyết với nghề của người họa sĩ, chúng ta cần hơn nữa vai trò của nhà nước. Đó là sự quan tâm và đầu tư đúng mức, có định hướng phát triển rõ ràng, khuyến khích và đào tạo bài bản cho đội ngũ vẽ tranh cổ động, từ đó giúp cho loại hình đặc biệt này tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, luôn xứng đáng với sứ mệnh của nó, đó là sứ mệnh phục vụ nhân sinh, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
MinhHuy Các tin khác
|
|