|
|
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !
|
Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.111.856 Truy cập hiện tại 579
|
Chàng thanh niên giúp hàng nghìn người được dùng nước sạch Ngày cập nhật 31/08/2015 Mặc dù còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng Nguyễn Hữu Long (sinh viên Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Huế) đã xây dựng dự án “Mang SODIS đến vùng cao” để hỗ trợ người dân vùng biên giới huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên- Huế). Dự án đã và sẽ giúp hơn 1.000 người dân tiếp cận được với nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống… Những ngày cuối tháng 7.2015, nhiều bà con dân tộc Tà Ôi, Pa Cô ở xã biên giới Nhâm (của huyện vùng cao A Lưới) tỏ ra hào hứng bởi nhóm sinh viên tình nguyện có mặt tại đây để nghiên cứu nguồn nước và tiến hành tập huấn cho người dân về phương pháp xử lý nước uống đơn giản, hiệu quả.
Ông Hồ Viết Đà (40 tuổi) trú tại thôn Nhâm 2 cho biết: “Bà con ở đây vui lắm. Mấy bữa nay, đoàn thanh niên tình nguyện hè lên đây giúp người dân sửa nhà, làm đường đã mừng rồi; lại có thêm cả đoàn sinh viên đến lấy mẫu nước để hướng dẫn người dân ở đây cách tạo ra nước sạch để tránh bớt bệnh tật…”.
Từng có lần làm tình nguyện viên ở huyện vùng cao A Lưới nên Nguyễn Hữu Long đã chứng kiến nhiều khó khăn của đồng bào nơi đây, trong đó, nguồn nước sạch là điều rất bức thiết đối với người dân, đặc biệt là ở những xã biên giới giáp Lào. Nghĩ là làm, Long bắt tay vào thực hiện dự án “Mang SODIS đến vùng cao” và gửi tham gia cuộc thi “Mùa hè nước 2015” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.
Đề tài của Long đã vượt qua gần 470 đề tài khác và được chọn là một trong 6 dự án xuất sắc của cuộc thi. Dự án này được Ban tổ chức hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng để thực hiện ngay trong năm nay.
Nguyễn Hữu Long cho biết, SODIS là phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời được các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học công nghệ môi trường Thụy Sỹ (EAWAG) và Trung tâm Nghiên cứu nước và vệ sinh môi trường cho các nước đang phát triển ở Thụy Sỹ (SANDEC) nghiên cứu từ năm 1991. Cách thức thực hiện SODIS rất đơn giản, chỉ cần đổ nước trong vào các chai nhựa trong bằng vật liệu PET, sau đó, mang những chai nước này phơi dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian khoảng sáu giờ vào thời điểm nắng gắt nhất, khoảng từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Các gia đình phải đi làm sớm có thể phơi từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Cơ chế tiêu diệt vi sinh vật trong chai diễn ra nhờ tác động cộng hưởng của tia cực tím và tia hồng ngoại có trong ánh sáng mặt trời. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như đơn giản, ít tốn kém, giảm tối đa nguy cơ tái nhiễm khuẩn vì nước đã qua xử lý được đựng trong chai và sau đó rót ra cốc uống trực tiếp...
Ngoài kinh phí hỗ trợ từ cuộc thi, Long còn tự thân vận động thêm nhiều tổ chức cá nhân khác để có được mức kinh phí hơn 85 triệu đồng cho việc thực hiện dự án của mình. Đồng hành với Long còn có Liên chi đoàn Khoa Môi trường và nhiều sinh viên của các trường Đại học trên địa bàn đang hoạt động tình nguyện hè ở huyện A Lưới cũng tham gia dự án.
Trong ngày 18.7 và 24.7 vừa qua, Long cùng các bạn đồng hành đã tiến hành các đợt tập huấn cho gần 200 sinh viên tình nguyện và người dân ở xã Nhâm và xã Hồng Thái về phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời (SODIS). Qua đó, giúp người dân ở đây tiếp cận phương pháp SODIS, từ đó cải thiện được nguồn nước uống, ngăn ngừa và giảm thiểu tỉ lệ mắc bệnh thường gặp về đường tiêu hoá.
“Dự án sẽ giúp hơn 1.000 người dân một số xã khó khăn tại huyện A Lưới tiếp cận với phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời. Từ đó ngăn ngừa và giảm thiểu tỉ lệ mắc các bệnh tiêu hoá, da liễu ở trẻ em cũng như người dân, góp phần cải thiện nguồn nước, bảo vệ môi trường…”, Long chia sẻ.
Ông Hồ Viết Rưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhâm cho biết, việc triển khai dự án nói trên rất phù hợp với thực tế của địa phương. Hiện nay dân ở đây chủ yếu dùng nguồn nước từ giếng tự đào. Có dự án về, người dân trên địa bàn sẽ tiếp cận được nguồn nước sạch và cải thiện cuộc sống. Đặc biệt dự án sẽ giúp người dân ở các khu dân cư xa, khu tái định cư ở vùng biên giới giáp Lào có được nguồn nước sạch trong sinh hoạt. “Vừa qua, nhóm sinh viên thực hiện dự án đã tổ chức tập huấn và trao tặng 10 mô hình thí điểm cho các hộ khó khăn trên địa bàn. Từ các mô hình này, UBND xã Nhâm cũng triển khai nhân rộng để đông đảo các hộ dân tại 8 thôn cùng thực hiện”- ông Rưng nói. Sơn Thùy - Văn hóa Online Các tin khác
|
|
|