Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.112.212
Truy cập hiện tại 692
70 năm ngày truyền thống Ngành Văn hóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa
Ngày cập nhật 07/07/2015

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, nhà cách mạng kiệt xuất của giai cấp vô sản. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 24 tại Pháp đã tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu về văn hóa của toàn thế giới. Người là sự kết tinh giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, đạt đến tầm cao của tri thức và có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền văn hoá dân tộc cũng như văn hoá nhân loại.
Việc lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, là sự thể hiện rõ ràng nhất việc Người là một nhà văn hóa lớn. Người còn là một nhà sáng tạo văn hóa, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và có nhiều cống hiến lớn lao trong nhiều lĩnh vực như: Văn học, báo chí, kịch, hội họa, nhiếp ảnh, giáo dục… Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là chủ thể sáng tạo văn hóa với nhiều đóng góp có giá trị đặc biệt quan trọng không chỉ đối với dân tộc mà đối với toàn thế giới. Không chỉ vậy, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng cũng như sau này, khi đã ở cương vị cao nhất của một đất nước, Người vẫn không ngừng quan tâm đến các hoạt động văn hóa nói riêng và cả ngành văn hóa nói chung và luôn mong muốn sự nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển theo hướng đậm đà bản sắc dân tộc vốn có.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập nước, trong khi còn rất nhiều việc đang chờ Người xử lý, ngay 5 giờ chiều ngày 7.9.1945, Người đã đến làm việc với Ban Quản trị lâm thời đoàn Văn hóa Bắc Bộ đang họp tại nhà văn hóa (hội Khai trí Tiến đức cũ). Tại cuộc họp này, Người đã khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong việc giải phóng dân tộc và kiến thiết một nước Việt Nam mới. Người đã nói: “Dân tộc chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới tất nhiên phải có một chính thể mới và một văn hóa mới. Khi chúng ta còn bị nô lệ thì văn hóa của chúng ta cũng mang nặng những dấu tích nô lệ. Bây giờ độc lập, văn hóa cũng phải có những dấu tích độc lập. Phải độc lập trước đã rồi văn hóa mới phát triển được. Dân tộc còn bị áp chế, hàng triệu đồng bào chúng ta vẫn còn chết đói đầy đường thì các ngài có thể ngồi trong tháp ngà mà sáng tác được không?”.
Và Người căn dặn các thành viên của Ban Quản trị rằng: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: Củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn cho đất nước một văn hóa mới và phải làm thế nào cho văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền văn hóa thế giới. Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, tranh đấu cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại”1.
Đồng thời, Người rất mừng khi nghe Ban Quản trị dự kiến sẽ tổ chức Đại hội nghị văn hóa toàn quốc và hứa sẽ giúp trong quá trình tổ chức Đại hội. Nhờ có sự quan tâm của Người mà ngày 24.11.1946, dù đất nước đang trong thời kỳ khó khăn (thực dân Pháp đã nổ súng hòng xâm lược đất nước ta một lần nữa), Đại hội nghị văn hóa toàn quốc đã được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của các đại biểu từ Bắc chí Nam, thể hiện sự thống nhất trọn vẹn trong lĩnh vực văn hóa của giới trí thức toàn dân tộc.
Với ngành văn hóa, Người luôn có chủ trương: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Người chỉ rõ: “Văn hóa là một mặt trận, người hoạt động văn hóa là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng thời “Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Vì vậy, văn hóa đối với Người cũng là một chiến trường mà mỗi người hoạt động văn hóa là một chiến sĩ với ngòi bút là cây súng.
Đối với Người: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề chú ý đến; cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”2. Mà trong đó, vai trò của văn hóa có tác dụng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”3. Người nhấn mạnh đến việc cần xây dựng một nền văn hóa mới với nhiệm vụ xóa bỏ những lạc hậu và xây dựng nội dung mới của nền văn hóa cách mạng. Trong tác phẩm Đời sống mới 1947, Người vạch rõ con đường để mỗi người phấn đấu: “Nếu mỗi người đều tốt thì thành làng tốt nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”4. Người cũng chỉ rõ những biện pháp cần thực hiện để xây dựng một đời sống mới thực sự.
Trong các lĩnh vực của ngành văn hóa, Người đặc biệt quan tâm đến nền nghệ thuật dân tộc. Người luôn căn dặn các văn nghệ sĩ phải tôn trọng, giữ gìn và phải “phát triển cho hết cái hay, cái đẹp của dân tộc”. Mỗi lần tiếp đón các đoàn khách nước ngoài, hay đưa các đoàn văn nghệ sĩ ra nước ngoài biểu diễn, Người đều hết sức chú trọng đến văn hóa dân tộc. Người đã từng nói: “Âm nhạc dân tộc ta rất độc đáo, Bác đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác, phát triển nó lên”5.
Người còn có sự quan tâm đặc biệt đối với các di sản văn hóa nói chung. Ngày 23.11.l945, Người đã ký Sắc lệnh số 65 “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong toàn cõi Việt Nam. Các bài báo, bài viết của Người cũng thường xuyên nhấn mạnh đến việc phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Đối với ngành văn hóa, Người luôn nhắc nhở phải có sự chăm lo đến sự nghiệp phát triển của ngành. Mỗi cán bộ của Nhà nước nói chung, cũng như cán bộ ngành văn hóa nói riêng đều phải phấn đấu để trở thành những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, vừa giỏi về nghề, vừa có đức yêu nghề, cống hiến với nghề nghiệp của mình thì mới hoàn thành tốt công việc.
Người còn có những đóng góp quan trọng trong việc “thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”giữa các dân tộc, đặc biệt là hiểu biết về văn hóa. Việc này tạo môi trường quan trọng để có sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nền văn hóa trên thế giới, phù hợp với xu thế giao lưu, hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.
Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hoá mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, và đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của văn hoá thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1923, nhà thơ Xô viết Ôxíp Manđenxtam đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”.
Thực hiện lời dạy cũng như Tư tưởng của Người về vấn đề văn hóa, Đảng ta đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”. Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa để nền văn hóa Việt Nam thực sự là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

1. Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2006, tập 3, tr. 7
2. Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học. 1981, tr.34
3. Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, H.1997, tr.64
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 5, tr. 117
5. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, Nxb Tác phẩm mới, H.1985, tr.176

Theo Vanhoaonline - TS. Chu Đức Tính
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.