Những đứa trẻ lang thang bơ vơ giữa cuộc đời, không hy vọng, không chỗ dựa, không tình thương, chúng phải nếm trải những lo toan nhọc nhằn của cuộc sống. Gia đình không hoàn thiện chính là nguyên nhân đẩy những số phận trẻ thơ vào đời sống lang thang ly tán, và rất nhiều trong số đó lớn lên trở thành những tội phạm của xã hội. Trong khi ấy, những đứa trẻ cùng trang lứa khác được học hành, vui chơi và trưởng thành trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.
.
Ảnh minh họa
Gia đình Việt Nam có truyền thống đạo lý từ mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay. Tên tuổi các vị anh hùng, các danh nhân, các bậc kỳ tài, các nhà cách mạng lỗi lạc đều xuất phát từ những gia đình có tính chất đặc biệt, tiềm ẩn trong những gia đình đó là sự giáo dục, chăm sóc của những người cha, người mẹ đã tảo tần nuôi con ăn học thành tài để ra giúp dân giúp nước. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử, đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg ngày 04 tháng 5 năm 2001 chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Hằng loạt các văn bản của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương được ban hành nhằm tạo điều kiện mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Ngày nay, việc thiết lập các mối quan hệ trong văn hoá gia đình cùng với các chức năng: sinh sản; nuôi dưỡng giáo dục con cái; thoả mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình và kinh tế đồng thời quan tâm giáo dục văn hoá trong các hoạt động sống của gia đình: văn hoá ẩm thực; giao tiếp ứng xử, văn hoá trang phục,sắp xếp nhà ở, các tiện nghi gia đình, thưởng thức văn hoá nghệ thuật, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng được lồng ghép trong cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”sẽ góp phần duy trì và phát triển văn hoá các nhóm cộng đồng xã hội dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp.