|
|
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !
|
Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.112.569 Truy cập hiện tại 832
|
70 năm ngày truyền thống Ngành Văn hóa: Phải coi những giá trị văn hóa đích thực cao hơn cương vị mình đang giữ Ngày cập nhật 23/06/2015 Ông Nguyễn Xuân Hoa (ảnh), nguyên là Giám đốc Sở VHTT (nay là Sở VHTTDL) tỉnh Thừa Thiên - Huế, người đã có 18 năm làm công tác quản lý trong ngành Văn hóa và đã để lại nhiều dấu ấn cho công tác bảo tồn di sản và phát triển văn hóa địa phương. Phóng viên Báo Văn Hóa đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Hoa xung quanh những câu chuyện về xây dựng và bảo tồn, bảo vệ các giá trị văn hóa tại Huế. P.V: Thưa ông, văn hóa Huế đã có những đóng góp gì cho sự phát triển của văn hóa đất nước?
- Ông Nguyễn Xuân Hoa: Cũng như mọi vùng văn hóa khác, văn hóa Huế là một bộ phận đóng góp cho việc hình thành bản sắc văn hoá Việt Nam. Trong đó, sự đóng góp của văn hóa Huế nổi bật lên ở hai điểm: Thứ nhất, Huế là nơi gìn giữ được khá nguyên vẹn di sản văn hóa vật chất cung đình Việt Nam một cách rất có hệ thống, từ các thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa…
Trong khi đó, do đặc thù lịch sử của Việt Nam nên các kinh đô như Thăng Long, Tràng An… đều bị tàn phá, hư hỏng nhiều trong thời chiến tranh. Và Huế còn lưu giữ nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật cung đình của Việt Nam. Muốn hiểu về múa cung đình Việt Nam, ẩm thực cung đình Việt Nam, lễ nhạc cung đình, trang phục cung đình, ứng xử giao tiếp trong cung đình Việt Nam… đều phải đến Huế để tìm hiểu. Ở Huế, có một đặc điểm khác so với các kinh đô của phương Đông, đó là văn hóa cung đình Huế hòa quyện với văn hóa dân gian, tạo nên một bản sắc văn hóa Huế.
Thứ hai, văn hóa Huế đó đã để lại một di sản rất đồ sộ về di sản Hán Nôm. Nhiều nhà nghiên cứu thư tịch cổ ở Việt Nam đã nhận định rằng di sản Hán Nôm xuất hiện thời Nguyễn được lưu giữ tại Huế và tồn tại đến hiện nay phải bằng gần 1/2 tổng số hệ thống di sản Hán Nôm của đất nước. Các tài liệu quan trọng như: Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí… được hình thành từ thời Nguyễn tại Huế.
Trải qua nhiều biến động nhưng phong cách sống và sinh hoạt của người Huế vẫn giữ được bản sắc riêng. Huế gìn giữ khá tốt yếu tố truyền thống trong văn hóa người Việt… Bất kỳ đất nước nào khi phát triển, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì vấn đề gìn giữ bản sắc truyền thống làm nền tảng, để từ đó hội nhập, tiếp thu và sáng tạo lại là vấn đề rất quan trọng.
Nhưng những đóng góp của văn hóa Huế vẫn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Ngay cả nền di sản văn hóa Hán Nôm, chúng ta chỉ mới phiên dịch một phần rất nhỏ; hay các di sản nghệ thuật cung đình đã được phục hồi, xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ du khách nhưng việc quảng bá vẫn chưa được đúng mức.
Tôi nhớ có lần được nhận nhiệm vụ tổ chức đoàn đón Thủ tướng Thái Lan Chuan LeekPai đến thăm Huế. Tôi đã sử dụng nghi thức lễ nhạc cung đình Huế để chào đón Thủ tướng Thái Lan và vị quan khách này đã tỏ ra rất thú vị và hài lòng. Sau đó, vị công chúa Thái Lan cũng muốn được đón bằng nghi thức lễ nhạc cung đình như thế khi đến thăm Huế. Họ thắc mắc tại sao loại hình lễ nhạc cung đình đặc sắc như thế lại không được Việt Nam sử dụng trong nghi lễ quốc gia khi tiếp đón quốc khách tại thủ đô Hà Nội.
Là người có thời gian làm quản lý ngành văn hóa khá lâu năm (từ 1989 đến 2007, với cương vị Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở VHTT), ông có thể chia sẻ về những kỷ niệm vui, buồn trong thời gian đó?
- Có lẽ trong thời gian đó, tôi cảm thấy mình vẫn chưa làm được nhiều điều như mong muốn. Nhưng những kỷ niệm và tôi thấy hào hứng nhất đó là mình cùng với nhiều người đã làm việc cật lực để bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống của Huế. Từ việc đóng góp để làm sống lại di sản kiến trúc cung đình Huế; từ việc khôi phục Nhã nhạc để làm tiền đề sau đó đưa Nhã nhạc trở thành di sản thế giới… là điều mà tôi thấy thỏa mãn nhất. Ngay cả Nhã nhạc Huế lúc đó đã bị phai nhạt nhiều.
Chúng tôi đã phải nhờ đến các nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống của phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu của Việt Nam để lôi kéo họ đến Huế nghiên cứu, đối sánh Nhã nhạc cung đình Huế với âm nhạc cung đình Nhật, Hàn Quốc để tìm ra được nét riêng và phục dựng. Sau đó tiếp tục phục dựng múa cung đình, tuồng cung đình, lễ hội truyền thống…
Cùng với đó là việc tiếp nhập Festival - một hình thái sinh hoạt văn hóa hiện đại của Tây phương lần đầu tiên được du nhập vào Việt Nam. Lần đầu tiên Festival tổ chức tại Huế từ năm 1992, sau đó từ năm 2000 đã phát triển định kỳ hai năm một lần.
Cùng với việc tiếp nhận hình thái Festival, chúng tôi cùng với một số chuyên gia đề xuất ý tưởng xây dựng Huế thành “Thành phố Festival của Việt Nam”. Để làm được điều này, chúng tôi đã đi tìm hiểu cách làm Festival của Pháp, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Scotland… để tìm ra “công nghệ” Festival phù hợp cho Huế và Việt Nam.
Khi làm Festival, chúng tôi không chỉ giới thiệu các di sản văn hóa của Huế mà còn giới thiệu văn hóa nghệ thuật của Việt Nam đến công chúng; đồng thời thu hút, kéo các tổ chức nghệ thuật của thế giới đến Huế. Từ đó, có sự giao lưu giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước trên thế giới. Tôi cũng rất mừng là Festival sau đó đã được duy trì và phát triển khá tốt 2 năm/kỳ. Điều đáng tiếc là hiện nay, Huế đang “say sưa” với mỗi kỳ Festival mà quên nỗ lực xây dựng “Thành phố Festival” như quyết định của Chính phủ.
Có lẽ trong thời kỳ tôi làm lãnh đạo ngành Văn hóa, cái thường xuyên phải đối phó là việc vi phạm các di tích. Có thể là lúc đó do quy định của luật pháp chưa chặt chẽ, và do cả sự nhìn nhận, đánh giá của cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao chưa sâu sắc. Những lúc như thế, tôi xem những giá trị văn hóa đích thực cao hơn cương vị mình đang giữ, nên phải quyết bảo vệ giá trị đó. Sự kiện tôi muốn nhắc đến ở đây là việc phản đối xây dựng khu khách sạn ở đồi Vọng Cảnh (Báo Văn Hóa đã có loạt bài về đồi Vọng Cảnh và đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia). Tôi và một số anh em lúc đó đã phải “đấu tranh” chứ không chỉ là "lên tiếng" để bảo vệ cho được không gian của khu danh thắng đồi Vọng Cảnh. Tôi rất mừng là sau đó lãnh đạo địa phương cũng thấy ra vấn đề và dừng lại việc xây dựng khu khách sạn ở đây; nếu không Huế đã mất đi một danh thắng.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi quản lý ngành Văn hóa?
- Tôi vẫn hay tâm sự với các anh em trong ngành rằng: Thứ nhất, không nên nghĩ rằng chỉ có những người trong ngành Văn hóa mới hiểu văn hóa. Khi tôi làm công tác quản lý, có rất nhiều việc chúng tôi làm tốt chính là nhờ sự đóng góp trí tuệ của các lực lượng trí thức mặc dù họ không phải là người trong ngành. Thứ hai, nhưng cũng đừng nghĩ rằng ai cũng hiểu văn hóa như những người làm văn hóa. Chính vì thế, mình vừa phải cương quyết thực hiện nhiệm vụ của ngành văn hóa; vừa phải đấu tranh, thuyết phục, lôi kéo những người khác hiểu để bảo vệ các giá trị văn hóa.
Muốn làm tốt công tác văn hóa, phải huy động trí tuệ của những người yêu thích văn hóa, đó có thể là những nghệ nhân, nghệ sĩ… thậm chí là những người rất bình thường nhưng lại đang giữ những “báu vật” của văn hóa.
Xin cảm ơn ông! Pv - Vanhoaonline Các tin khác
|
|
|