Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.094.547
Truy cập hiện tại 33
Gia đình văn hóa là nền tảng phát triển của xã hội
Ngày cập nhật 19/06/2015

Xây dựng Gia đình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mặt trái của cơ chế thị trường cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài tràn vào tác động đến con người, việc xây dựng gia đình văn hóa bền vững, hạnh phúc càng trở nên cấp bách.

Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào ấy có lành mạnh thì xã hội mới phát triển tốt đẹp. Nhận thức rõ vai trò to lớn của gia đình trong việc xây dựng con người, xây dựng xã hội mới, Ðảng và Nhà nước đã khẳng định xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của thời đại. Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thực hiện Ðề án Phát triển gia đình Việt Nam bền vững, ban hành các luật, các chính sách đối với gia đình. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã có từ những năm 60 của thế kỷ 20, đến nay đã lan rộng khắp cả nước.

Ảnh minh họa

Từ thực tế phong trào cho thấy, chỉ có phát huy tốt những giá trị của gia đình truyền thống, phong trào mới đi vào chiều sâu có chất lượng, thật sự lôi cuốn nhiều gia đình tham gia. Từ đời này sang đời khác, ông cha ta đã tạo dựng một nền nếp gia phong như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh em đoàn kết thuận hòa... Ðó có thể xem là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Gia phong đã trở thành nội dung cốt lõi của việc xây dựng gia đình văn hóa, từ đó gia đình mới trở thành một tế bào xã hội khỏe khoắn, lành mạnh, thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường cùng với lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền, các sản phẩm văn hóa độc hại bên ngoài tràn vào cùng với các tệ nạn xã hội đang tiến công mạnh mẽ vào các gia đình. Từ đó, tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục, nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng. Nhiều giá trị đạo đức gia đình đang xuống cấp. Các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha và HIV/AIDS đang len lỏi thâm nhập vào các gia đình... Ðặc biệt, bạo lực gia đình đang là vấn đề nổi cộm. Như vậy, việc xây dựng Gia đình văn hóa đang đứng trước những thách thức lớn đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động với phương châm “xây” đi đôi với “chống” và lấy xây làm chính. Trước hết, mỗi người cần nhận thức sâu sắc vai trò ý nghĩa của việc xây dựng gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình phải phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, giữ vững gia phong, làm tốt việc giáo dục con cái, trong đó người lớn luôn luôn gương mẫu là tấm gương để gia đình phát triển sức mạnh nội sinh, trở thành thành lũy ngăn chặn tiêu cực từ bên ngoài ùa vào.

Tuy nhiên, gia đình luôn luôn bị ảnh hưởng của môi trường chung quanh. Có những đứa trẻ ở nhà chăm chỉ, ngoan ngoãn nhưng bố mẹ có ngờ đâu nó bị bạn bè lôi kéo đua xe trái phép, chơi trò chơi điện tử thiếu tiền trả nên đi gây án... Người ta bàn nhiều đến việc kết hợp ba môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội. Xây dựng gia đình không thể chỉ "đóng cửa bảo nhau" mà rất cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là trong tình hình hiện nay có nhiều vấn đề không thể giải quyết trong nội bộ gia đình mà phải dựa vào cộng đồng, chính quyền và pháp luật. Cho nên việc xây dựng gia đình rất cần sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể địa phương, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng khu dân cư vững mạnh. Trong lúc tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, cũng phải phòng, chống quyết liệt những hiện tượng tiêu cực xâm hại. Cần có những biện pháp loại trừ những sản phẩm độc hại trong các ấn phẩm văn hóa, nghệ thuật... Tất cả đều phải được làm thường xuyên và bài bản mang tính liên ngành và có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Trải qua các giai đoạn lịch sử, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị đạo đức, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc...

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình Việt Nam phát triển, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác xây dựng gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Do đó xây dựng gia đình văn hóa là vấn đề ngày càng có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường những năm gần đây đã gây nên những biến động, thử thách đối với mỗi gia đình. Khi gia đình mất đi chức năng giáo dục con em là tạo tiền đề cho thanh, thiếu niên phạm pháp tăng lên, gây nên mối lo ngại cho toàn xã hội. Sự nhận thức sai lệch về chuẩn mực giá trị, chạy theo các nhu cầu vật chất, đề cao đồng tiền nên đã có một số người xem thường luân thường đạo lý, làm rạn nứt nền tảng, nền nếp gia phong và các truyền thống tốt đẹp vốn có của gia đình Việt Nam. Đã có những tệ nạn xã hội phát sinh ngay trong lòng các gia đình như: tranh chấp tài sản, đất đai giữa người thân với nhau, dẫn đến đâm chém nhau phải ra tòa…; nạn nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm, buôn lậu, mê tín dị đoan…có chiều hướng phát triển. Lối sống thực dụng nẩy sinh, ảnh hưởng của văn hóa xấu từ bên ngoài đã tạo nên những "hội chứng" xã hội đáng lo ngại như: tính ích kỷ, sự thờ ơ, vô cảm đối với nỗi bất hạnh của người khác. Những lời dạy quý giá ngàn vàng của ông bà đã truyền lại cho bao đời: "Tình làng nghĩa xóm", "Giúp nhau khi tối lửa tắt đèn", "Bán anh em xa mua láng giềng gần", "Uống nước nhớ nguồn"… có nơi, có lúc đã vơi nhạt đi. Thói xấu sử dụng bạo lực xuất hiện, lây lan và gia tăng trong một số gia đình. Do vậy, mục đích làm giàu, xây dựng đời sống kinh tế của mỗi gia đình hôm nay cần phát triển song song với việc củng cố nếp sống, lối sống có văn hóa Việc xây dựng gia đình văn hóa mới sẽ phát huy được vai trò tích cực của mỗi cá nhân trong xã hội, giữ gìn được truyền thống nhân ái, đạo đức, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Nội dung chủ yếu là xây dựng nếp sống cá nhân, nếp sống gia đình và nếp sống xã hội. Bác Hồ dạy: "Hạt nhân của xã hội là gia đình". Xây dựng gia đình văn hóa mới chính là xây dựng con người mới. Con người vừa là sản phẩm của xã hội, vừa là chủ thể có ý thức của xã hội. Nhưng con người không thể hình thành một cách tự phát mà phải trải qua quá trình xây dựng, giáo dục. Xây dựng gia đình văn hóa mới là một trong những công tác trọng tâm hiện nay. Nó còn là cuộc vận động cách mạng rộng lớn, toàn diện và triệt để nhằm "làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mỗi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển...".

Ảnh minh họa

Con người mới là nhân vật trung tâm của thời kỳ mới: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình văn hóa mới là xây dựng người Việt Nam mới, giàu lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa, có tình cảm cao đẹp, có đủ tri thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Gia đình văn hóa mà chúng ta đang xây dựng nằm trong bối cảnh kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng gánh vác những chức năng ấy. Điều đó có nghĩa là tính chất và nội dung không có gì thay đổi, nếu như không nói còn đòi hỏi cao hơn khi cần phải chống lại những hiện tượng tiêu cực xã hội (tất cả vì tiền mà chà đạp lên nhân phẩm, đạo đức và lương tâm). Có làm được như thế, quyền lợi của xã hội, của gia đình và của cá nhân mới được đảm bảo. Mỗi bước tiến lên trong cuộc xây dựng gia đình văn hóa mới làm cho xã hội càng văn minh, hạnh phúc hơn. Muốn xây dựng được gia đình văn hóa mới, trước hết cha mẹ phải là con người mới, gương mẫu chấp hành đúng đường lối chủ trương của Nhà nước, tổ chức cuộc sống gia đình có nề nếp đồng thời có mối liên hệ chặt chẽ với xã hội (nhà trường, khu phố, các đoàn thể...). Gia đình văn hóa mới sẽ tạo ra những con người mới trong một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.  

Nguồn: (Sưu tầm)

Ngô Văn Giáo
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.