Trên hành trình bôn ba khắp các đại dương, Người đã tận mắt chứng kiến nhiều nơi TNTN bị chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân khai thác cạn kiệt. Sau sự “vơ vét cho đầy túi tham” đó thì trả lại các nước thuộc địa một môi trường tan hoang mà không bao giờ quan tâm đến việc phục hồi. “Công cuộc khai hóa giết người” dần hiện nguyên hình dưới ngòi bút tố cáo của Hồ Chí Minh. Mục đích cuối cùng cho “công cuộc khai hoá văn minh” chính là khai thác, bóc lột nguồn TNTN của các dân tộc thuộc địa. Điều này càng thể hiện rõ ở các nước Đông Dương, nơi có “rừng vàng biển bạc”, có “đất đai rộng mênh mông, nguồn của cải không bao giờ cạn, địa hạt vô biên”. Chủ nghĩa thực dân được Người ví như kẻ cướp “chặt gỗ bán, nhét tiền vào túi, rồi về Pháp đàng hoàng nghỉ ngơi ở thôn quê, chẳng cần chú ý gây lại các rừng chúng đã tàn phá”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn coi “rừng là vàng”, rừng là lá phổi của Trái đất nên trước thực trạng đó, Người đã kết luận và lên án: “Họ chỉ vơ vét những cái gì dễ vơ vét, như một kẻ vội khoắng sạch những cái gì tiện tay để chuồn đi cho nhanh”. Thực dân Pháp giống như “bọn cá mập” với mánh lới chộp giật trắng trợn nguồn TNTN phong phú của các nước thuộc địa. Trên hành trình tìm đường cứu nước, nếu như nhận thức của người chiến sỹ cộng sản về vấn đề dân tộc thuộc địa ngày càng phát triển thì cùng với đó, Người đã ý thức rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ TNTN và môi trường sống. TNTN nhiên là tài sản vô giá nhưng không vô tận, cho nên sử dụng, khai thác phải có kế hoạch, phải gắn với bảo tồn, gìn giữ, phục hồi.
Sau này, trên cương vị cao nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, trong khi yêu cầu nhân dân thế giới đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc thì đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và gay gắt lên án những kẻ chế tạo và âm mưu sử dụng vũ khí giết người hàng loạt gây tác hại lớn đến môi trường sống của nhân loại. Người cho rằng việc thử bom hạt nhân ở khu vực Thái Bình Dương gây nên mưa phóng xạ sẽ tràn về phương Nam đến Inđônêxia, ấn Độ, Việt Nam, Châu Phi, Nam Mỹ... cho nên phải đòi triệt để cấm vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học hủy diệt môi trường, gây thảm họa cho nhân dân lao động thế giới. Rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam “hoàn toàn đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa” đòi triệt để cấm vũ khí hạt nhân. Qua Điện gửi đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình năm 1962, Người cho rằng: “Trong lúc bọn đế quốc thực dân đang ra sức chạy đua vũ trang, chuẩn bị một cuộc chiến tranh thế giới mới, một cuộc chiến tranh hạt nhân, đại hội họp để giải trừ quân bị và bảo vệ hoà bình là một trong những sự kiện quan trọng nhất của thời đại chúng ta”. Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức đầy đủ tầm ảnh hưởng nghiêm trọng của vũ khí hạt nhân, chiến tranh hạt nhân, hậu quả của nguyên tử Mỹ sẽ để lại cho môi trường hòa bình Trái đất như thế nào.
Nói đi đôi với làm, năm 1959, Bác Hồ phát động “Tết trồng cây”, nhân dân Việt Nam đều thuộc câu thơ của Bác: “Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Không dừng lại ở đó, với tầm nhìn xa trông rộng, với tình yêu bao la cho bạn bè, đồng chí, anh em trên khắp thế giới, Người không chỉ chú trọng trồng cây ở nước ta mà người còn mong muốn việc làm tốt đẹp đó được nhân rộng ở nước khác. Trong những lần đi thăm các nước bạn, Người đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng cây Đại ở ấn Độ, cây Sồi ở nước Nga và Người gọi đó là những “cây hữu nghị”, nhân dân ở các địa phương đó gọi là “cây Bác Hồ”. Các cây ấy lớn lên theo năm tháng, không chỉ biểu hiện tình hữu nghị tươi thắm giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới mà đằng sau đó còn thể hiện ý thức làm đẹp môi trường sống, là ý thức giữ gìn màu xanh cho nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một trong những biện pháp BVMT đã từng được Người đề cập đến đó là phải cải tiến kỹ thuật, phải coi trọng hội nhập quốc tế, học tập công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ TNMT của các nước anh em như Trung Quốc, Liên Xô trước đây. Theo dự báo đó, liên kết trong lĩnh vực bảo vệ TNMT sống ngày nay đang trở thành một xu hướng của cộng đồng thế giới để “chung sức ứng phó với BĐKH” toàn cầu. Mỗi quốc gia độc lập, hoà bình, tươi đẹp thì sẽ làm nên một thế giới xanh tươi và nồng ấm tình người. Đó cũng là một trong những mục tiêu chiến đấu suốt đời của người chiến sỹ cộng sản mang tên Hồ Chí Minh.
Bước vào Thế kỉ XXI, hành tinh của chúng ta như đang kêu cứu vì bị tàn phá dữ dội. Nhân loại dần nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, chống lại nguy cơ thừa cacbonic, chống lại thiên tai do biến đổi đột ngột về thời tiết, khí hậu, chống vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học, chạy đua vũ trang, khủng bố, chiến tranh lạnh... đang rình rập môi trường hoà bình cũng như môi trường tự nhiên của thế giới. Trước thực tế đó, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề BVMT nhân loại càng có giá trị nhân văn, khoa học to lớn.
Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh đối với vấn đề BVMT nhân loại, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách không chỉ quan tâm BVMT cho đất nước mà luôn sẵn sàng tham gia các bàn nghị sự quốc tế và khu vực để cùng nhân loại tiến bộ thống nhất tiếng nói cũng như hành động BVMT. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia hơn 20 công ước quốc tế về môi trường. Điển hình như: Công ước của Liên Hợp Quốc về sự biến đổi môi trường, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển; Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH... Đặc biệt, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công CNH - HĐH đất nước đã đưa ra quan điểm:“ Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế của nước ta”.
Gần đây, tiếp nối chủ trương đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII BCH Trung ương Đảng khoá XI về: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” sau khi được thông qua là khung chính sách cao nhất trong lĩnh vực BVMT, đây cũng là thể hiện tập trung nhất sự kế thừa, vận dụng di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về BVMT của Đảng, Nhà nước ta. BVMT là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta, là vấn đề sống còn của toàn nhân loại. Việt Nam không chỉ quan tâm bảo vệ, tìm các giải pháp ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT trong nước mà còn phải có những hành động thiết thực bảo vệ Trái đất - mái nhà chung của nhân loại. Điều này cho chúng ta thấy tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vấn đề BVMT vẫn còn nguyên sức sống.