Tại điểm cầu TP Huế có Thượng tướng Bùi Văn Nam, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và các ông: Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các vị trong Ban TVTU, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; các bậc lão thành Cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị nguyên là lãnh đạo Trung ương, các tướng lĩnh Quân đội đã về hưu, cùng các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Đây là một trong những sự kiện đặc biệt nhằm ôn lại một chặng đường lịch sử của 3 miền Bắc - Trung - Nam, tấm lòng thủy chung, son sắt của hậu phương lớn miền Bắc "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", tình nghĩa keo sơn, gắn bó thủy chung giữa 3 thành phố kết nghĩa Hà Nội-Huế-TP.HCM đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.
Để có ngày thống nhất, đã có biết bao hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ khắp 3 miền Bắc -Trung- Nam. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là sự hội tụ sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh của đại đoàn kết của toàn dân tộc, trong đó có sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".
Trong suốt hai giờ, một mảng lịch sử kéo dài hơn nửa thế kỷ của dân tộc đã được tái hiện qua những thước phim tư liệu, những kỷ vật từ các bảo tàng, lời kể của những chứng nhân lịch sử đầy sống động trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Đó là cụ bà Nguyễn Thị Mười, người được gọi là "Kiện tướng bèo hoa dâu", chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp (1967 - 1970) khi những sáng kiến của bà về thả bèo diệt cỏ, giữ cho đất ẩm, tơi xốp giúp tăng năng suất lúa từ 3 – 5 tấn/1ha lên 7, 916 tấn/1ha.
Cùng với phụ nữ ở miền Bắc lao động hăng say để làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn và các nữ du kích Củ Chi hằng ngày đối mặt với bom đạn điên cuồng của địch thì tại Huế, khán giả còn được gặp lại 3 trong số 11 cô gái sông Hương đã trở thành biểu tượng: "Trung hậu, đảm đang, trung dũng, kiên cường" của phụ nữ miền Trung. Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968 những cô gái trẻ ngày ấy tuổi chỉ mới đôi mươi đã anh dũng chiến đấu và 4 cô đã hy sinh trong khi đẩy lui 1 tiểu đoàn tinh nhuệ của địch, buộc chúng phải rút khỏi thành phố Huế. Với những công hiến của mình, ngày 9/2/2009, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
3 cô gái Sông Hương giao lưu với khán giả tại điểm cầu Huế. Ảnh: TTH
Xen giữa các phần giao lưu là các phần biểu diễn nghệ thuật trên nền các thước phim tư liệu về một thời đấu tranh gian khổ nhưng hừng hực khí thế, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù của nhân dân ba miền Bắc – Trung – Nam đã làm sống lại những khoảnh khắc, những dấu ấn đáng nhớ trong cuộc trường kỳ kháng chiến của toàn dân tộc đi đến ngày thắng lợi vẻ vang mùa Xuân năm 1975.
Suốt 40 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, năng động, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn,thử thách đưa đất nước phát triển, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Đây là thông điệp kết mà chương trình “Hà Nội – Huế - TP Hồ Chí Minh – “Nghĩa tình sắt son” muốn chuyển đến cùng nhân dân trên mọi miền đất nước.
Một số hình ảnh chương trình nghệ thuật tại điểm cầu Huế: