Theo thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo…Lễ hội dù được tổ chức ở bất cứ đâu với quy mô lớn hay nhỏ cũng vẫn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là nơi để con người trở về với cội nguồn dân tộc. Với thanh niên, lễ hội còn là nơi để tìm hiểu lịch sử dân tộc, tưởng nhớ công ơn tổ tiên và rộng hơn là mở ra không gian để giao lưu, gìn giữ bản sắc văn hóa. Thực tế, tại một số lễ hội vẫn bộc lộ bất cập như thái độ ứng xử lệch chuẩn, vệ sinh môi trường, mê tín dị đoan…làm méo mó hình ảnh và giá trị của lễ hội.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập, lễ hội giờ đây không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn đóng vai trò lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến thương mại, thu hút du lịch Việc nâng cao ý thức, cách ứng xử văn minh trong lễ hội là một vấn đề quan trọng mà thanh niên cần trở thành lực lượng xung kích đi đầu nhằm gìn giữ vẻ đẹp, giá trị của lễ hội nói riêng và khẳng định vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam nói chung”.
Nhà báo Hồng Trang (Báo Nhân Dân) đưa ra kiến giải khắc phục tình trạng “loạn chuẩn” trong ứng xử của thanh niên với lễ hội. Theo đó, văn hóa ứng xử trong lễ hội của thanh niên không nằm ở đâu xa mà thể hiện trước hết ở việc biết lựa chọn những lễ hội nào để tham gia sao cho vừa phù hợp với điều kiện thời gian, tài chính, sức khỏe, vừa phù hợp với nhu cầu được đáp ứng về mặt tinh thần của bản thân. Việc chủ động tìm hiểu về mục đích tổ chức, ý nghĩa, giá trị của từng lễ hội trước khi tham gia là cách mỗi thanh niên tự biến mình trở thành chủ thể của lễ hội. Và đương nhiên, khi đã tìm hiểu và trân trọng lễ hội, tức khắc thanh niên cũng sẽ hình thành cho mình cách ứng xử phù hợp. Đặc biệt, với tư cách là thế hệ kiến tạo tương lai của đất nước, cần thẳng thắn nhìn vào thực trạng lễ hội hiện nay, thẳng thắn chỉ ra những điều thanh niên nên làm và không nên làm, góp phần thay đổi diện mạo và tìm lại giá trị đích thực của lễ hội.
Đoàn viên Lê Thị Phượng,Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN chỉ ra việc cần thiết của thanh niên trong bảo tồn và phát huy lễ hội dân gian trước bối cảnh hội nhập. Thanh niên đóng vai trò bảo lưu, gìn giữ và tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống qua việc tham gia vào các hoạt động của lễ hội. Và để thanh niên có thể phát huy tốt vai trò của mình thì công tác giáo dục, định hướng từ phía gia đình, dòng họ rất quan trọng. Ngoài ra, việc tổ chức lễ hội sao cho thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, truyền thông, giáo dục, tăng cường nhận thức của họ về lễ hội ngay cả khi không trực tiếp tham gia.
Để có được nếp sống văn minh nơi công cộng nói chung và trong lễ hội nói riêng, đoàn viên Nguyễn Thị Hữu, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN cho rằng, trước hết, người trẻ cần hiểu lễ hội là gì? xác định được tham gia lễ hội để làm gì? Từ đó, tự ý thức, trách nhiệm về gìn giữ, bảo vệ những giá trị (cả về vật chất và tinh thần) của di tích và lễ hội. Khi tham gia lễ hội sẽ không xâm hại đến di tích, các hiện vật tại điểm di tích đó. Đồng thời, cần chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương, dân tộc mình, bài trừ các hủ tục lạc lậu. Bên cạnh đó, thanh niên cũng góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khi tham gia lễ hội, chấp hành nội quy của lễ hội, không tham gia các hoạt động đánh bạc, cá cược trá hình, tôn trọng người xung quanh khi tham gia các hoạt động tập thể, trò chơi dân gian trong lễ hội…
Hướng tới việc bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội trong lễ hội, đoàn viên Thúy Hương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng cần nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức cho thanh niên để vạch trần tính chất lừa dối cùng những tác hại, hậu quả của mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội trong lễ hội. Trong quá trình tham gia lễ hội hay trong cuộc sống hằng ngày, khi bắt gặp các hoạt động mê tín dị đoan, mỗi đoàn viên thanh niên cần có trách nhiệm tố giác với chính quyền, cơ quan quản lý để loại trừ các hoạt động đó. Đặc biệt, thanh niên ngành văn hóa cần phải gương mẫu đi đầu trong việc phát hiện và bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội trong lễ hội.
Theo Văn hóa Oline