Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.114.256
Truy cập hiện tại 1.553
Những người vẽ tranh cổ động
Ngày cập nhật 30/03/2015

Những ngày đầu xuân, trên những tuyến đường chính ở thị xã Hương Thủy, có một người họa sĩ vẫn miệt mài với chiếc cọ, vẽ những bức tranh cổ động để chuẩn bị đón chào thị xã tròn 5 tuổi. Đó là họa sĩ Ngô Văn Hà, cán bộ Trung tâm VHTT&TT thị xã Hương Thủy.
 

Một tác phẩm nghệ thuật thực sự

Đã hơn 20 năm nay, cứ đến các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, những bức tranh cổ động với các khẩu hiệu ngắn gọn do họa sĩ thực hiện đã được đặt ở các vị trí trung tâm của thị xã. “Do đặc thù của tranh tuyên truyền cổ động thường là khổ lớn nên để hoàn thành một cụm tranh cổ động rất tốn thời gian. Từ công đoạn sơn lót, vẽ phác họa đến khi hoàn thành một tác phẩm hoàn chỉnh ít nhất cũng 10 ngày. Vì đam mê và muốn giữ lại một chút gì đó của lịch sử, của văn hóa dân tộc nên tôi vẫn duy trì vẽ tranh cổ động”, họa sĩ Hà tâm sự.

Họa sĩ Ngô Văn Hà đang hoàn thiện một cụm tranh cổ động

Là một trong những người chuyên vẽ tranh cổ động tại Thừa Thiên Huế từ sau ngày giải phóng, với kinh nghiệm 40 năm của mình, họa sĩ Phan Công Dương, Tổ trưởng Tổ Họa, Trung tâm Văn hóa TP Huế chia sẻ: “Mỗi bức tranh cổ động là một nội dung cụ thể, tùy từng sự kiện và nội dung mà cách trang trí hình ảnh, bố cục khác nhau. Nhưng có một đặc điểm chung là khi người xem nhìn vào những bức tranh này sẽ thấy nó toát lên được niềm tin quyết thắng, sự tươi vui, khí thế mới của thời đại… Chẳng hạn như khi vẽ cổ động cho thanh niên lên đường nhập ngũ thì cánh tay sẽ giơ cao, khuôn mặt phải cương trực, ánh mắt tràn đầy niềm tin sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hay như khi vẽ cổ động về nông nghiệp nông thôn thì hình ảnh những hạt lúa căng tròn, vàng ươm, hình ảnh về bà con nông dân tươi vui, đầy phấn khởi thể hiện một vụ mùa bội thu…”.
Không như tranh in, tranh cổ động được vẽ bằng tay nên đó là một tác phẩm nghệ thuật thực sự thể hiện được cái nhìn tỉ mỉ đến từng chi tiết của người họa sĩ, sự thanh thoát và phóng khoáng trong cấu trúc của hình và nét. Nét dày, nét thưa được tập hợp trong các không gian dày đặc mà không bị rối, có chiều sâu và chắt lọc được hình ảnh tiêu biểu của sự vật, vì tiêu chí của tranh cổ động là phải thể hiện được tính thời sự rõ nét và mang ngôn ngữ nghệ thuật súc tích, dễ hiểu. Họa sĩ Ngô Văn Hà chia sẻ: “Tranh cổ động thuộc loại hình nghệ thuật đồ họa mang tính khái quát cao với những yêu cầu như tính thời sự, tính điển hình hoá,... phục vụ nhu cầu phản ánh tuyên truyền một cách kịp thời, biểu đạt rõ ràng, thuyết phục nhằm đưa ra một thông điệp chính trị xã hội cho người xem”.
 
Vũ khí sắc bén
Những năm trở lại đây, với sự phát triển của xã hội, nhiều trang thiết bị hiện đại ra đời, dần chuyển từ tranh cổ động vẽ bằng tay sang những tấm pa nô, áp-phích in bằng máy chất liệu bạt (hay còn gọi là chất liệu nhựa (PVC)). Ngoài ra, với sự tích hợp của một số phần mềm, đồ họa chuyên dụng giúp các họa sĩ, kỹ sư có thể thực hiện những đường vẽ phức tạp, độc đáo ngay trên máy tính với tất cả yêu cầu về nội dung. Họa sĩ Phan Công Dương nhận định: “Việc thay đổi từ tranh cổ động vẽ bằng tay sang bằng tranh in cũng là điều dễ hiểu và thể hiện đúng quy luật phát triển của xã hội. Theo tôi, dù thay thế sang các pa nô, áp-phích thì giá trị tuyên truyền, tính thời sự và trực quan vẫn được đảm bảo”. 
Trong những ngày toàn tỉnh khẩn trương kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương và hướng đến 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên những tuyến đường của TP Huế, các huyện và thị xã đi đâu cũng bắt gặp những bức tranh cổ động, pa nô, áp-phích với nội dung tuyên truyền về những ngày lễ trọng đại này.
Ông Hoàng Trọng Vui, một cán bộ lão thành cách mạng đang sinh sống tại phường Thuận Thành, TP Huế, tươi cười: “Tôi hết sức vui mừng khi mới đây có dịp qua ngã ba đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn và cầu Phú Xuân, thấy có tấm pa nô tuyên truyền về 40 năm giải phóng Thừa Thiên Huế. Ngày ấy, chiến đấu gian khổ là vậy, ngày nay truyền thống tốt đẹp của dân tộc vẫn đang được giữ gìn, được thế hệ hôm nay trân trọng và phát huy là thế hệ như chúng tôi cảm thấy vui mừng và sung sướng lắm”.
Tranh cổ động và pa nô, áp-phích đã trở thành một trong những vũ khí sắc bén trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng một thời chia sẻ và động viên con người kiên gan bền chí trong khói lửa chiến tranh. Đất nước hòa bình, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, tranh cổ động, pa nô, áp-phích còn là kênh thông tin phản ánh những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo Thừa Thiên Huế online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.