Ngày 23/3/1975, Trung đoàn 3 được tăng cường Đại đội xe tăng T54 do đồng chí Bùi Quang Thận chỉ huy, có nhiệm vụ tấn công hai mục tiêu núi Bông - núi Nghệ 303, cắt đường số 1, thọc sâu giải phóng thành phố Huế. Nhiệm vụ khẩn trương, nặng nề, nhưng được tin giải phóng TP Huế, các đồng chí từ chỉ huy trung đoàn đến chiến sĩ vô cùng phấn khởi, hừng hực khí thế tấn công.
Nước mắt rơi trong ngày gặp lại đồng đội
Là một cụm chốt mạnh, hai bên ta và địch đều dùng pháo binh, xe tăng chi viện chiến đấu quyết liệt. Địch phòng ngự điểm cao, bị ta tấn công bật ra, chúng lại dùng pháo binh xe tăng phản kích chiếm lại. Cuộc chiến đấu giành giật vô cùng ác liệt từ 5 giờ sáng đến 10 giờ trưa, quân ta và địch mỗi bên chiếm một nửa trận địa.
Trung đoàn 3 tạm dừng tấn công, xốc lại lực lượng, củng cố đội hình, bổ sung vũ khí, đạn dược tổ chức chiến đấu theo quyết tâm mới. Được Tư lệnh Sư đoàn 324 phê duyệt quyết tâm, 12 giờ 23/3/1975 Trung đoàn tổ chức Tiểu đoàn 7 cùng Đại đội xe tăng theo Đường 14 đánh thọc sâu xuống lực lượng địch và sở chỉ huy của chúng phía đông núi Bông - núi Nghệ, dưới làn hỏa lực chi viện của pháo binh sư đoàn. Địch bị dội bão lửa vào các mục tiêu từ núi Bông - núi Nghệ đến căn cứ La Sơn. Tiểu đoàn 9 tập trung binh, hỏa lực tấn công chính diện càng dữ dội hơn. Địch bị đánh bất ngờ, cả phía trước, phía sau rối loạn đội hình, xe tăng ta từ trên dốc lao xuống, dẫn dắt bộ binh tấn công, nã pháo vào căn cứ La Sơn, các cụm địch phía đông sau núi Bông - núi Nghệ, đánh trúng Sở Chỉ huy, bắn cháy 3 xe tăng, chúng hoảng loạn bỏ chạy và bị tiêu diệt, quân ta làm chủ trận địa. Thừa thắng Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 có xe tăng chi viện phát triển tấn công xuống ngã ba La Sơn, cắt đường số 1 trong đêm 23/3/1975 (đoạn La Sơn - Cầu Truồi). Phát hiện xe tăng bộ binh ta tấn công, địch trong căn cứ La Sơn bỏ chạy. Cả ngày 24/3 căn cứ Phú Bài đốt kho tàng, bỏ chạy về Huế. Trận địa pháo làng Nông mới triển khai cũng bỏ chạy, một cuộc tháo chạy hỗn loạn, xe kéo pháo, xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải ùn lại, bỏ trên Đường số 1 từ Huế đến cầu Phú Bài hàng trăm chiếc, chúng hoảng hốt cực độ, đến mức đã bố trí một khối bộc phá gần 100kg trên mặt cầu Nong mà không kịp điểm hỏa. Trung đoàn cho công binh tháo gỡ và kiểm tra cầu, thông đường từ La Sơn đến nam cầu Phú Bài. Cầu gỗ Phú Bài địch đổ xăng đốt cháy từ chiều 24/3, lửa khói còn bốc cao rần rật.
Từ 4 giờ sáng 25/3/1975 Trung đoàn 3 triển khai đội hình hai Tiểu đoàn 7 và 9 cùng Đại đội xe tăng từ ngã ba La Sơn đến nam cầu Phú Bài, pháo 130 của Quân đoàn 2 cũng kịp đến đặt ngay trên Đường số 1 bắn chặn tàu địch rút chạy ngoài cảng Thuận An. Cầu Phú Bài bị đốt cháy, Đại đội 9 và Đại đội xe tăng đi vòng phía tây tấn công vào Hương Thủy. Đội hình trung đoàn đi đầu là Đại đội 11 và các đơn vị cối 82, ĐKZ và súng 12,7 ly men theo cầu đường sắt vượt sang phía bắc cầu Phú Bài, ta thu được một xe tăng M48, 3 xe vận tải GMC đầy dầu mỡ còn nổ máy chở quân tấn công ra Hương Thủy, hợp điểm cùng xe tăng và Đại đội 9. Trung đoàn tạm dừng thu gọn đội hình. Nhân dân Hương Thủy đổ ra đường đón tiếp Bộ đội Giảỉ phóng, hân hoan vui mừng khôn tả. Đến 9h30 ngày 25/3, trung đoàn thu hết quân về Hương Thủy, dàn đội hình hàng dọc, đi đầu là 8 xe tăng (có 7 xe T54 + 1 xe M48) 3 xe GMC, tiếp đến là xe đò, xe lam, xe khách lớn có đăng ký “Miền Trung”, mỗi xe một đại đội rầm rập tấn công vào Huế. Trên đường tiến quân, chúng tôi gọi một lính ngụy đang chạy, anh cho biết cả ngày và đêm 24/3, quân lính các nơi chạy về Huế cướp bóc, đánh nhau loạn xạ, chạy dồn ra cảng Thuận An. Chúng tôi tăng tốc độ tấn công, đến 11 giờ, đội hình bộ binh và xe tăng vượt qua cầu Trường Tiền, đến đầu chợ Đông Ba, trung đoàn bắt liên lạc với cán bộ cơ sở phát động Nhân dân nổi dậy làm chủ TP Huế. “Trung đoàn chiếm Mang Cá lớn Sở chỉ huy Quân đoàn 1, Sư đoàn 1 ngụy, chiếm nhà thương Nguyễn Tri Phương, cứu sống 14 đồng chí thương binh của ta bị địch cưa cụt chân, cụt tay đang hấp hối, giải phóng nhà lao Thừa Phủ, đưa nhân dân và cán bộ bị địch cầm tù, trang bị vũ khí quản lý tù binh, chiếm Đại Nội, cột cờ, ngân hàng, kho gạo 800 tấn ở sân bay Tây Lộc, kho xăng dầu, khu tam giác nam sông Hương, khách sạn Thuận Hóa, khách sạn Hương Giang cùng Nhân dân làm chủ TP Huế, cờ Giảỉ phóng rợp trời Nhân dân Huế chào mừng ngày giải phóng.”.
Đến 13h cùng ngày, được tin cơ sở cho biết, lính ngụy chạy dồn xuống cảng Thuận An, Trung đoàn tổ chức bộ binh và xe tăng vượt qua Đập Đá xuống Phú Vang, ra giải phóng cảng Thuận An. Trên đường hành tiến ra cảng, Nhân dân TP Huế đứng đông đúc hai bên đường vẫy chào xe tăng, bộ binh quân Giảỉ phóng, họ vỗ tay, hò reo”. Địch dồn lại co cụm hàng ngàn tên, xe tăng và bộ binh ta triển khai đội hình tấn công, pháo tăng bắn vượt tầm chặn tàu địch trên biển, một số ngoan cố chống lại bị ta tiêu diệt; binh lính ngụy diệt những tên ngoan cố ác ôn; lấy khăn áo làm cờ xin hàng quân Giảỉ phóng... Toàn bộ địch được đưa về nhà lao Thừa Phủ, đã có cán bộ ta sẵn sàng tiếp nhận quản lý. Từ chiều 25/3 đến sáng 26/3/1975, 3.000 tên địch trên cảng Thuận An bị tóm gọn. Cảng Thuận An còn lại xe pháo, phương tiện chiến tranh, hàng chục ngàn súng bộ binh và mũ sắt, một cảnh tượng thảm bại trên bến cảng.
Cùng với Trung đoàn 3, Trung đoàn 1 vượt đường số 1 đêm 22/3 bịt chặt cửa Tư Hiền, chiến đấu tiêu diệt địch dọc bờ biển, đánh tan bọn thủy quân lục chiến co cụm trong làng Cự Lại, vu hồi bao vây địch hướng đông nam cảng Thuận An. Trung đoàn 2 vượt đường số 1 đêm 23/3 về làng Bàn Môn, Phú Môn tấn công ra Phú Thứ, bao vây diệt địch phía nam cảng Thuận An. Toàn Sư đoàn 324/Quân đoàn 2 hiệp đồng cùng Quân khu Trị- Thiên tiêu diệt và bắt gọn Sư đoàn 1, Sư đoàn thủy quân lục chiến và toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền 15.000 tên.
Trung đoàn 3 được lệnh bàn giao địa bàn cho Quân khu Trị Thiên, tổ chức hành quân đi Nam Đông trên hướng chủ yếu của Quân đoàn 2 giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3. Chúng tôi tiến về phía nam với khí thế tấn công thần tốc và một niềm tin ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến rất gần…
Đại tá Hồ Hữu Lạn (Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324).
Nguồn: Thừa Thiên Huế online.