Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.114.318
Truy cập hiện tại 1.580
Bảo vệ đường lối của Đảng trong thực tiễn
Ngày cập nhật 20/03/2015

 Bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng thì cùng với việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đấu tranh với những luận điệu sai trái, trước tiên phải là thực hiện đúng Cương lĩnh, đường lối của Đảng, phải kiên quyết chống các nguy cơ “sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên” như Cương lĩnh đã ghi. 

 Chúng ta đều hiểu bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng là nội dung quan trọng hàng đầu trong nhiệm vụ bảo vệ Đảng.

 
Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng đã có những nội dung phát triển mới trên một số lĩnh vực so với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII. Trong đó có những nội dung quan trọng, về những bài học kinh nghiệm của cách mạng và của Đảng, về phương thức lãnh đạo của Đảng, về nội dung chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng...
 
Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng trong Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011 - dưới đây gọi tắt là Cương lĩnh 2011) có 8 đặc trưng so với 6 đặc trưng của Cương lĩnh trước. Cương lĩnh 2011 bổ sung nội dung về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không đưa các nội dung “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” và “con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, làm theo năng lực hưởng theo lao động” đã ghi trong Cương lĩnh trước. Cương lĩnh đã xác định những nội dung cơ bản về xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhưng khi triển khai Nghị quyết Đại hội XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương cần làm rõ chủ nghĩa xã hội là gì, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là gì,...? Như vậy, nội dung chủ nghĩa xã hội mà ta xác định trong Cương lĩnh 2011 tuy đã rõ hơn, sát thực tiễn hơn nhưng vẫn chưa rõ hẳn. Tuy chưa rõ hẳn, cần tiếp tục tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để bổ sung nhưng nội dung chủ nghĩa xã hội mà ta xây dựng nêu trong Cương lĩnh đã khác với những gì chúng ta hiểu trước đây và về cơ bản là phù hợp với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực tế đó bác bỏ luận điệu vu cáo cho là Đảng ta vẫn tiếp tục áp dụng “mô hình Xôviết” đã bị phá sản,... Tuy nhiên, trong lúc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cần kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng vì chính đó là “linh hồn” của Đảng.
 
Các thế lực thù địch và những người cực đoan bằng các hình thức hợp pháp và chủ yếu là không hợp pháp đang tung ra những luận điệu vu cáo, tấn công vào những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh và đường lối của Đảng. Trong bài viết này, tôi chỉ nêu những ý kiến tranh luận với những luận điệu vu cáo cho là Đảng đang thực hiện “Đảng trị”, xây dựng “xã hội toàn trị” triệt tiêu dân chủ như một số trang mạng xã hội đã nêu. Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, nhưng trong Cương lĩnh cũng như Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ phương thức lãnh đạo của Đảng, nhấn mạnh tính thuyết phục, nêu gương và khẳng định: Đảng, các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình và yêu cầu nhân dân, báo chí giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên. Đảng ta hoạt động theo nội dung trong Cương lĩnh, đường lối đã ghi thì không thể gọi là “Đảng trị” như họ vu cáo.
 
Tôi hiểu, dân chủ với các phương thức, hình thức khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nước ta là một nước dân chủ, mọi lợi ích và quyền hành đều ở nơi dân. Dân chủ là mục tiêu và động lực của xã hội xã hội chủ nghĩa. Nội dung chủ nghĩa xã hội mà ta xây dựng ghi trong Cương lĩnh đã có nội dung quan trọng: “nhân dân làm chủ”. Quan sát hơn 100 nước trên thế giới thực hiện đa đảng, chúng ta sẽ thấy rõ không phải cứ đa đảng thì sẽ có dân chủ, ổn định và sẽ chống được tham nhũng như họ tưởng.
 
Trong thực tế quá trình đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, thể chế dân chủ đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực. Đã mở rộng quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế trong nền kinh tế nhiều thành phần. Trong sinh hoạt dân chủ, người dân đã tham gia thảo luận nhiều vấn đề, góp ý vào nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật quan trọng trước khi quyết định. Vấn đề phản biện và giám sát quyền lực được trao trách nhiệm cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và báo chí. Việc thảo luận, đối thoại, chất vấn tại Quốc hội ngày càng thực chất, giải đáp trực tiếp các vấn đề bức bách của cuộc sống. Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là một bước tiến trong việc mở rộng dân chủ, giám sát quyền lực... Trong thực tế, vấn đề dân chủ trong Đảng và trong xã hội tuy còn nhiều mặt chưa đạt yêu cầu nhưng là những vấn đề lớn đòi hỏi phải làm tốt hơn và không thể phủ nhận những việc làm được, càng không thể vu cáo cho ta đang thực hiện chế độ độc tài như một số người rắp tâm vu cáo, hòng chống đối lại Đảng và Nhà nước ta.
 
Nói về hệ tư tưởng, coi việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động là nội dung độc quyền về tư tưởng, là một biểu hiện của “xã hội toàn trị” lại càng không đúng.
 
Khi nêu nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, văn kiện của Đảng đã khẳng định, đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá thế giới, chứ không chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong quá trình hội nhập quốc tế và với việc nối mạng toàn cầu, nhiều lý thuyết về tự do dân chủ, pháp quyền... theo quan điểm phương Tây lan truyền rộng rãi ngay cả trên xuất bản phẩm công khai. Và trong một hội thảo tại Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi đã nói, chính chủ nghĩa thực dụng và những hành vi mê tín dị đoan (như xem ngày tháng, xem giờ ngay cả những chuyến đi công tác, lập bàn thờ ở cơ quan,...) đang chi phối đời sống tinh thần xã hội thì làm sao có thể nói là độc quyền tư tưởng được! Còn việc ngăn ngừa và trừng phạt một số hoạt động xuyên tạc, vu cáo, xúc phạm danh dự tổ chức và công dân, lan truyền những tin đồn có khả năng gây bất ổn xã hội, mưu toan lật đổ chính quyền là hành động phạm pháp thì chính quyền nước nào cũng phải làm vì sự ổn định của xã hội và quyền được bảo vệ chính đáng của công dân, quyền tự do của đông đảo nhân dân.
 
Một số ý kiến trên đây là bày tỏ thái độ không đồng tình với một số nội dung mà thế lực thù địch và những người cực đoan vu cáo, xuyên tạc và tấn công vào Cương lĩnh, đường lối dựa trên mục tiêu, phương hướng, giải pháp nêu ra trong các văn kiện của Đảng. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tiễn thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng có những việc làm được, có việc chưa làm được, còn thiếu sót và cũng thẳng thắn nói rằng, có không ít việc làm sai, làm trái Cương lĩnh và đường lối của Đảng cần phải được nhìn nhận một cách khách quan, khoa học và trung thực hơn.
 
Về phát triển kinh tế, Cương lĩnh và văn kiện các Đại hội Đảng đều nêu rõ, cùng với yêu cầu phát triển nhanh để tránh tụt hậu xa hơn so với các nước xung quanh, đều nhấn mạnh tăng năng suất lao động phát triển bền vững, nêu rõ những trụ cột cho sự phát triển bền vững. Nhưng trong thực tế, theo tôi hiểu thì căn bệnh thành tích của một số người lãnh đạo, quản lý muốn có “những con số đẹp” trong nhiệm kỳ của mình, muốn làm vừa lòng cấp trên đã chạy theo số lượng bề ngoài, không phản ánh đúng chất lượng, hiệu quả thật trong công tác, trở thành những vấn đề bức xúc trong xã hội, từng địa phương và từng đơn vị. Điều đó, còn dẫn đến nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước xung quanh. Mà thực tế thì năng suất lao động của ta vào loại thấp nhất trong khu vực. Phải chăng thế là làm trái Cương lĩnh và đường lối của Đảng?
 
Văn hóa là lĩnh vực cực kỳ quan trọng, là nhân tố hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng, đạo đức, lối sống là lĩnh vực then chốt của văn hoá, là quan điểm quan trọng trong đường lối của Đảng. Để đạo đức, lối sống sa sút, xuống cấp như hiện nay, tệ tham nhũng, lãng phí lan tràn không chỉ là nguy cơ như gần ba mươi năm trước đây đã cảnh báo, mà đang và đã trở thành hiểm họa đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Phải chăng đó là sự “chệch hướng” lớn trong quá trình thực hiện Cương lĩnh, đường lối trong xây dựng Đảng và xây dựng con người, coi con người là trung tâm? Tình trạng suy thoái đạo đức xã hội, đặc biệt là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức như đánh giá khá chính xác của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI là nỗi lo lớn của Đảng và xã hội, phải chăng là điều rõ nhất chứng tỏ việc thực hiện không thành công Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa và chiến lược cán bộ được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII?... Chỉ một vụ sai phạm của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, nơi có trách nhiệm chủ yếu ngăn ngừa tham nhũng, và các hoạt động vi phạm luật pháp của bộ máy công quyền đã thấy rõ sự yếu kém của ít nhất từ chi bộ đảng, đảng ủy cơ quan và ban cán sự đảng, lãnh đạo của cơ quan Thanh tra Chính phủ lúc đó đến cơ quan chức năng cấp đất sai nguyên tắc, trong việc giám sát người đứng đầu như Đảng yêu cầu. Việc đó và còn các việc khác nữa làm cho ta thấy cần có những đánh giá trung thực và chính xác hơn về công tác xây dựng Đảng theo Cương lĩnh và đường lối của Đảng...
 
Còn có thể kể nhiều chuyện không thực hiện đến nơi, đến chốn, thậm chí làm trái Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Chính những việc đó làm cho một số người nghi ngờ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, nghi ngờ con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn, nghi ngờ sự lãnh đạo của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và bộ máy công quyền, là kẽ hở để các thế lực cực đoan tấn công Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
 
Đến đây tôi lại nhớ tới phát biểu của V.I. Lênin: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta nếu chúng ta không mắc sai lầm, tự đánh đổ mình”. Không để xảy ra sai lầm đường lối, chính sách không hợp quy luật, không sát thực tế, không hợp lòng dân; không để mắc vào lợi ích nhóm và phe phái, họ tộc mà chọn lựa nhầm người tài đức trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước; cũng như có cơ chế giám sát quyền lực có hiệu quả, ngăn ngừa những sai phạm dẫn tới suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên (đang là nguyên nhân quan trọng hàng đầu), làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, tức là làm suy giảm tài sản quý báu nhất và cũng là nguồn lực có ý nghĩa quyết định làm nên sức mạnh của Đảng... Theo tôi nghĩ, đó là những việc quan trọng hàng đầu bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
 
Bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng thì cùng với việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đấu tranh với những luận điệu sai trái, trước tiên phải là thực hiện đúng Cương lĩnh, đường lối của Đảng, phải kiên quyết chống các nguy cơ “sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên” như Cương lĩnh đã ghi. Nhìn lại các vụ gọi là “cách mạng sắc mầu” để lật đổ các chính quyền hợp pháp, ta thấy các thế lực thù địch thường khoét sâu các khuyết điểm của đảng cầm quyền, vin cớ chống tham nhũng, chống đặc quyền, độc tài gia đình trị, để lôi kéo quần chúng làm các cuộc đảo chính lật đổ chính quyền. Đó là những bài học cần rút ra trong quá trình giữ vững sự lãnh đạo của Đảng để ổn định và phát triển đất nước nhanh và bền vững.
 
Một mùa xuân mới lại đến, Đảng ta thêm một tuổi, cần phải thể hiện sự trải nghiệm chín chắn, bằng cách luôn luôn tự làm trong sạch Đảng, gương mẫu tận tâm, tận lực, toàn trí với nhân dân, với dân tộc. Nhân dân chỉ có thể tin vào thực tiễn chứ không chỉ tin vào những lời nói tốt đẹp ghi trong các văn bản./.
 
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.