Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.115.277
Truy cập hiện tại 24
Về nghệ thuật múa cung đình Huế
Ngày cập nhật 24/10/2014

 

Nghệ thuật Múa Cung đình Huế mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông.

Trong múa cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt, điển hình là các điệu: Lục cúng hoa đăng, trình tường tập khánh, phụng vũ, tứ linh, vũ phiến... Trải qua thời gian, chính hơi thở của đời sống văn hóa nghệ thuật đã từng ngày thổi vào loại hình này những sắc thái mới của cuộc sống để đưa nó trở thành một loại hình nghệ thuật hoàn thiện nơi chốn cung vua, phủ chúa.

Nghệ thuật cung đình nói chung và các vũ khúc cung đình Huế nói riêng là những sản phẩm mang tính kế thừa của chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm và kết tinh dưới thời nhà Nguyễn. 

Múa cung đình có từ thời tiền Lê. Đến thời Lý, sự kiện Lý Thánh Tông trong cuộc Nam chinh đã bắt hàng trăm cung nữ giỏi múa hát khúc Tây Thiên mang về Thăng Long (1044), tạo nên một phong cách mới cho múa của người Việt.

Đời nhà Trần, ca múa cung đình rất được ưa chuộng. Vua quan và dân chúng không phân biệt trên dưới, tất cả cùng tham gia múa hát và cùng thưởng thức. Đến đời nhà Lê, năm 1437, vua Lê Thái Tông ra lệnh cấm các trò sân khấu và dân ca vào diễn trong cung đình. Dân ca gọi là dâm nhạc, triều đình Lê sơ cho rằng: “kịch hát và dân ca là những trò du hí của kẻ tiểu nhân, không phù hợp với cuộc sống của người quân tử”. Những quy định nghiệt ngã ấy không những cấm ở triều đình mà còn hạn chế tối đa các ngành nghệ thuật hoạt động ngoài xã hội. Lúc này, người diễn viên bị xếp ngang hàng với kẻ trộm cướp, đã là diễn viên dù có học giỏi cũng không được đi thi, cha mẹ làm nghề hát xướng thì con cái cũng không được tham dự các khoa thi cử, quan chức lấy con nhà hát xướng là thê thiếp bị phạt đòn 70 trượng và biếm ba tri. Con trai của quan chức lấy vợ con nhà hát xướng thì bị đánh 60 trượng và bị buộc phải ly hôn. Tuy vậy, bộ môn nghệ thuật này vẫn duy trì ở trong dân gian. Lúc này, múa cung đình và múa dân gian bắt đầu có sự phân biệt nhưng vẫn chưa hoàn toàn tách rời.

Đến nhà Hồ, vào thời Khai Đại (1403 - 1407) đã bắt đầu cho đào tạo múa cung đình. Hồ Hán Thương lấy con các quan văn làm Kinh vĩ lang, con các quan võ làm Chỉnh đốn lang để tập múa hát trong cung. Chúng ta có thể hình dung sự phát triển văn hóa xã hội, trong đó có vai trò của âm nhạc vào thời Hồ qua bài thơ “Trả lời câu hỏi về phong tục An Nam” của Hồ Quý Ly như sau: 

“ Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan  Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần”

Dịch thơ:

‘Muốn hỏi chuyện An Nam
An Nam phong tục tốt
Điển chế - Đường chế độ
Lễ nhạc - Hán rường cột”

Múa “Tam tinh chúc thọ”

Ở đây đã chỉ rõ một sự khẳng định về phát triển các điển chương điển chế của triều đại, mà trong đó nghệ thuật là một điển hình.

Tuy vậy, thời gian này có tổ chức đào tạo múa cung đình, song vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng, tính lâu dài và chuyên nghiệp còn thấp. Đến năm Hồng Đức, vua Thành Tông (1470 - 1497) đặt ra Bộ đồng văn và Bộ Nhã nhạc để dạy ca, vũ và nhạc. Có thể nói đây là cơ sở đào tạo múa cung đình đầu tiên có tổ chức, có tên gọi và các bộ phận chuyên trách theo từng loại hình.

Giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa lập ra Triều Nguyễn, lúc này múa cung đình đã có nhiều thay đổi và múa cung đình Huế cũng bắt nguồn từ đó. Tuy nhiên, những vũ khúc cung đình cổ đã bị thất truyền rất nhiều, đến đời Nguyễn chỉ còn lại 11 vũ khúc với lời hát hoàn toàn bằng chữ Hán như: Bát dật, Lục cúng hoa đăng, Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Song quang (Đấu chiến thắng Phật), Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, vũ phiến (múa quạt), Tam quốc - Tây du, Lục triệt hoa mã đăng. Các vũ khúc này được trình diễn vào những ngày lễ Thánh thọ (Sinh nhật Hoàng thái hậu), Tiên thọ (sinh nhật Hoàng thái phi), Vạn thọ (sinh nhật vua), Thiên xuân (sinh nhật Hoàng thái tử), Thiên thu (sinh nhật Hoàng hậu). Ngoài những lễ kể trên, múa cung đình còn được biểu diễn vào các ngày lễ như: Hưng quốc khánh niệm, tết nguyên đán, lễ kết hôn của Hoàng tử hoặc công chúa và các dịp tiếp đãi sứ thần ngoại quốc.

Múa “Vũ phiến”

Có thể nói, múa cung đình Huế là một bước chuyển tiếp của múa cung đình các triều đại trước đó để đi tới sự hoàn mỹ. Và bắt đầu bằng sự kiện dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), Đào Duy Từ vì xuất thân con nhà xướng hát không được đi thi nên đã phẩn chí quyết vào Nam phò giúp chúa Nguyễn. Chính Đào Duy Từ là người đầu tiên tạo tiền đề cho múa hát cung đình Huế. Ông đã lập ra Hòa Thanh Thự, luyện tập một ban vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Đào Duy Từ là người có công sửa lại các điệu múa cung đình cổ trước đó và sáng tác ra một số điệu múa khác. Tác giả Đại nam liệt truyện tiền biên và Việt cầm sử thoại viết “Duy Từ có công ngoài đánh chúa Trịnh, trong mở đất Chiêm Thành, làm cho dân giàu nước thịnh. Về nghệ thuật, ông sửa lại các lối hát và các điệu múa cổ; đặt ra điệu múa Song quang, điệu múa Nữ tướng xuất quân, điệu múa Tam quốc - Tây du dùng khi quốc gia đại lễ. Trong nhà ông lúc nào cũng nuôi một bọn ca vũ để múa hát”. Múa cung đình Huế là những sáng tác của nghệ sĩ cung đình, trong đó có các điệu múa được dựa theo các trích truyện như: Tam quốc - Tây du, Song quang... Ngoài ra, ta có thể thấy những sáng tác của múa cung đình đều mang tính nghi lễ. Trong múa cung đình ngoài vẽ đẹp nghệ thuật thì bố cục được xắp xếp một cách tinh tế hòa quyện với không gian và môi trường diễn xướng. Chính những yếu tố này đã làm nên một nét riêng biệt trong chốn Hoàng cung. Đây có thể coi là sự sáng tạo nghệ thuật mà ta có thể thấy khi xem những vũ khúc cung đình vẫn đang tồn tại.

Huế từng là nơi hội tụ những tinh hoa nghệ thuật của cả nước. Múa cung đình Huế cũng là một trong những di sản đặc sắc của văn hóa cố đô. Từ khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO cộng nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” (nay là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Đại diện của nhân loại) múa cung đình cũng từ đó “lên ngôi”. Có thể nói, đây là một điều rất hiển nhiên bởi theo NSƯT La Cẩm Vân – người đã có nhiều năm nghiên cứu và dàn dựng các tiết mục cung đình Huế đình, thì có nhiều hệ thống Nhã nhạc làm nền cho múa cung đình và những tác phẩm múa cung đình thường được các nghệ sĩ ngày xưa xây dựng chủ yếu dựa trên những giai điệu tiết tấu của Nhã nhạc. Tuy nhiên, từ khi nhà Nguyễn cáo chung, những giá trị nghệ thuật của loại hình này cũng không còn nguyên vẹn, do đó những nghệ nhân, nghệ sỹ và những người làm công tác nghiên cứu đang cố gắng từng bước đi tìm những cứ liệu lịch sử từ các nghệ nhân là nhân chứng sống, cũng như các tư liệu thành văn đang thất lạc ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước. Từ đó, lập hồ sơ khoa học để làm chứng cứ cho việc khôi phục lại những vũ khúc cung đình đã bị thất truyền, nhằm đưa vào biểu diễn phục vụ du khách và đây cũng là một cách để bảo tồn, gìn giữ một di sản văn hóa trong kho tàng nghệ thuật của Việt Nam.

Theo Trọng Bình (TRT)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.