Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.115.426 Truy cập hiện tại 38
|
Thăm và làm việc tại Bộ VHTTDL, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Bối cảnh mới đang đặt ra nhiều thách thức trong phát triển văn hóa” Ngày cập nhật 23/10/2014 Ngày 18.10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm và làm việc với Ban Cán sự Đảng, cán bộ chủ chốt Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện các Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết của TƯ trên các lĩnh vực Bộ quản lý trong thời gian qua. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan TƯ.
Về phía Bộ VHTTDL có Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các đơn vị thuộc Bộ...
Ngăn chặn tình trạng xuống cấp về văn hóa, suy thoái về đạo đức
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện quan trọng đối với ngành VHTTDL. Đây là dấu mốc quan trọng, động lực mở ra bước phát triển mới của ngành. Báo cáo Tổng Bí thư về công tác VHTTDL giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng nhấn mạnh, toàn ngành đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, góp phần ngăn chặn những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống; chủ động, tích cực giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc...
Bộ đã chỉ đạo, tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; phối hợp tham mưu trình Bộ Chính trị, TƯ Đảng ban hành Nghị quyết 33-NQ/TƯ “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; triển khai các hoạt động thực hiện Nghị quyết TƯ 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”...
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đón Tổng Bí thư và đoàn công tác
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Tr. Huấn
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 33 -NQ/TƯ, ngành đã phổ biến, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết đến các cấp ủy Đảng và đảng viên; Bộ chủ trì nhiều cuộc tọa đàm, mở Diễn đàn trên Báo Văn Hóa nhằm tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý văn hóa... nhằm làm rõ những vấn đề lý luận then chốt của Nghị quyết, phương thức triển khai thành hành động thực tiễn. Bộ đang chủ trì xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ và sau đó ban hành Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết.
Trong diện mạo chung của nền văn hóa, có nhiều điểm sáng nổi bật: Các hoạt động VHNT ngày càng được nâng cao về chất lượng cũng như năng lực tổ chức; kết hợp với quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại và kêu gọi đầu tư, phục vụ đắc lực cho sự phát triển KT-XH của các địa phương và cả nước. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phong trào TDĐKXDĐSVH chuyển biến tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát huy...
“Bộ VHTTDL đã nỗ lực phối hợp với nhiều Ban, Bộ, ngành trong việc xây dựng con người VN phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, trong đó chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống. Việc xây dựng nền tảng tư tưởng, đấu tranh ngăn chặn tình trạng xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống từng bước trở thành nhận thức và mối quan tâm của toàn xã hội, bước đầu chuyển hóa thành các phong trào xã hội mang đậm tính nhân văn, dân chủ, cởi mở. Bên cạnh đó, sở trường, năng lực cá nhân được khuyến khích. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được tôn vinh; nhiều chuẩn mực văn hóa mới, tốt đẹp dần được khẳng định. Đạo lý, tình thương, lẽ phải là những giá trị cốt lõi thể hiện sâu sắc tính nhân văn của con người VN...”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.
Những điểm sáng còn được thể hiện qua các kết quả trên các lĩnh vực TDTT, du lịch, gia đình. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng đã thẳng thắn nêu những hạn chế, khó khăn trên các lĩnh vực quản lý của ngành. Đáng chú ý là: một số chế độ, chính sách đã bất cập nhưng chậm được sửa đổi; việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở một số lĩnh vực chưa theo kịp thực tiễn. Việc tổ chức thực hiện một số Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án đã được ban hành còn chậm. Đầu tư ngân sách nhà nước chưa đáp ứng với yêu cầu; việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực còn hạn chế so với tiềm năng, thiếu nguồn lực...
Một số giải pháp và kiến nghị, đề xuất cũng đã được nêu. Trong đó, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các Ban, Bộ, ngành TƯ, các địa phương quán triệt, cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết 33 -NQ/TƯ thành các nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, để “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” và thực sự trở thành mục tiêu, động lực của sự phát triển; tăng tỉ trọng đầu tư cho văn hóa...
Thay mặt cán bộ, nhân viên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh tặng hoa chào mừng Tổng Bí thư
Nhìn thấy thách thức để có hướng đi hiệu quả
Các ý kiến đều thống nhất với nội dung báo cáo của Bộ VHTTDL. Một số lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ VHTTDL cần tiếp tục chú trọng, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện lệch chuẩn trong phạm vi các lĩnh vực quản lý; đặc biệt là chống suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống; tránh phô trương lãng phí trong mọi hoạt động, phong trào; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa...
Phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định, kết quả nổi bật của ngành VHTTDL trong thời gian qua là đã tổng kết cặn kẽ 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII, từ đó tham mưu Bộ Chính trị, TƯ Đảng ban hành Nghị quyết 33-NQ/TƯ. “Thực trạng hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Nhiều biểu hiện của đời sống văn hóa đang diễn ra từng ngày, từng giờ, nếu chỉ thoáng qua thì thấy bình thường, nhưng thực tế lại rất nhạy cảm, đòi hỏi phải quản lý thật tốt.
ghị quyết 33-NQ/TƯ đã nêu luận điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, bên cạnh sự đầu tư dành cho văn hóa thì cũng đặt ra một vấn đề về hiệu quả đầu tư, sử dụng các nguồn lực một cách thiết thực nhất...”, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
Cũng theo đồng chí Đinh Thế Huynh, ngành văn hóa cần quan tâm đặc biệt đến xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa... Tuy nhiên, cần lưu ý, xã hội hóa không có nghĩa là “bỏ rơi”, làm nghiệp dư hóa, đến mức khiến các ngành vốn là “mũi nhọn”, từng làm nên những giá trị văn hóa tiêu biểu lại trở nên tiêu điều.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh báo cáo với Tổng Bí thư và đoàn công tác về công tác VHTTDL giai đoạn 2011-2015
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 33-NQ/TƯ: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” chính là động lực lớn đối với sự phát triển của văn hóa VN trong thời gian tới. Nhận thức, tư tưởng đã rõ ràng, vấn đề quan trọng là triển khai thành hành động.
Văn hóa là lĩnh vực rất rộng lớn, dài hơi, tuy nhiên những vấn đề mới nảy sinh lại đòi hỏi phải xử lý tức thì, nếu không sẽ để lại hậu quả khó khắc phục. Bối cảnh hiện nay cũng đang đặt vấn đề phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; đồng thời sáng tạo ra những giá trị mới tiếp tục bồi đắp vào kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc.
Phó Thủ tướng đề nghị cần có một hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ như: thể chế hóa các cơ chế, chính sách cho các hoạt động; khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất; đào tạo, nghiên cứu chiều sâu các lĩnh vực hoạt động văn hóa... Về vấn đề đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhu cầu đầu tư không chỉ là vấn đề riêng ở lĩnh vực văn hóa, tuy nhiên, dường như những bức xúc về các công trình hạ tầng kinh tế lại thường dễ “thuyết phục” hơn so với các công trình văn hóa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những kết quả mà ngành VHTTDL đã đạt được trong thời gian qua. Cùng với kinh tế xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng..., văn hóa đã có những bước tiến lớn. Sự phát triển nhanh, mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng trên các lĩnh vực hoạt động đã mang đến một sinh khí, diện mạo trước đây chưa từng có. Trong đó, Bộ VHTTDL đóng một vai trò nòng cốt.
Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phong phú, đa dạng, thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, đến từng người, từng gia đình... Tổng Bí thư lưu ý, những đặc trưng này cũng là khó khăn, phức tạp đối với công tác quản lý. Tác động của kinh tế thị trường định hướng XHCN, quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế... đang đặt ra thách thức ghê gớm đối với sự phát triển của văn hóa. Sự đảo lộn nếp sống, nếp nghĩ... khiến công tác quản lý đôi khi không theo kịp nhịp độ phát triển... Tổng Bí thư cho rằng, bên cạnh những thành tựu, lĩnh vực văn hóa còn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu, chưa đáp ứng được mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân; còn khiêm tốn so với một số lĩnh vực. Vấn đề đặt ra là, dường như khi đời sống kinh tế phát triển, điều kiện vật chất được cải thiện thì đời sống văn hóa tinh thần lại nảy sinh nhiều bất cập? Đáng chú ý là sự suy thoái về đạo đức, lối sống; sự chi phối của đồng tiền khiến nhiều tiêu cực len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, ở cảthành thị lẫn nông thôn; vấn đề lai căng văn hóa, nguy cơ “hòa tan” nếu thiếu bản lĩnh trong quá trình hội nhập...
Tổng Bí thư yêu cầu đội ngũ làm công tác VHTTDL cần nghiêm túc lý giải nhằm tìm được biện pháp khắc phục. Phải chăng do nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc? Do chưa quan tâm đúng mức đến thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng? Do bố trí cán bộ chưa đúng? Do thiếu các nguồn lực? Thiếu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên? Thiếu sự phối hợp liên ngành một cách hợp lý...? Hay do sự cộng hưởng của tất cả các yếu tố này?
Về phương hướng, nhiệm vụthời gian tới, Tổng Bí thư chỉ rõ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết trên các lĩnh vực VHTTDL và gia đình, vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện như thế nào. Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về văn hóa, nhất là nội dung Nghị quyết 33-NQ/TƯ với trọng tâm của phát triển văn hóa là xây dựng con người và môi trường văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Đặc biệt lưu ý đến vai trò vừa là trụ cột, vừa là nền tảng của văn hóa trong cách nhìn nhận “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt coi trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng thành cơ chế chính sách, thành chương trình và kế hoạch hành động, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống; đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ; xây dựng đội ngũ đủ tâm, đủ tầm, có nhân cách, đạo đức và lối sống tiêu biểu. Tăng cường, quyết liệt trong công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng; đẩy mạnh hoạt động văn hóa đối ngoại, bằng nhiều hình thức để quảng bá rộng rãi về hình ảnh đất nước, con người VN.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, then chốt của mọi vấn đề là các cơ quan trong ngành cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan trong sạch vững mạnh, nội bộ đoàn kết, nhất trí, thực sự là những tấm gương mẫu mực về văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng; Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
Thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức và người lao động ngành VHTTDL sẽ cố gắng, tận tụy, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao; đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, đồng tâm, hiệp lực để tiếp tục đưa công tác VHTTDL có những bước phát triển mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân...”.
Theo Văn hóa Online Các tin khác
|
|