Sáng nay (15/8), Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II, nhiệm kỳ 2014-2019 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh. 205 đại biểu chính thức đại diện cho gần 50.000 đồng bào các dân tộc thiểu số chung sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Đại hội.
Đến dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Trần Thanh Bình - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Lê Trường Lưu - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Đại hội; Trần Phùng - UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh.
Báo cáo tại Đại hội cho thấy, 05 năm qua với việc thực hiện quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 1, tình hình kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển khá vững chắc. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân chung tăng trên 14%/năm, trong đó: huyện Nam Đông đạt 15-16%, huyện A Lưới đạt 13 - 14%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2009. Chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc thiếu số và miền núi được tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được mở rộng và nâng cao, cơ bản đạt chỉ tiêu Đại hội lần thứ I đề ra. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường ở các cấp học đều tăng; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiếu số và miền núi tiếp tục được quan tâm đúng mức; hoạt động văn hoá, thể thao vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh trong những năm qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực, duy trì đều đặn và nâng cao chất lượng...
Với sự lãnh đạo của cả hệ thống chính trị các cấp, sự vào cuộc của các cơ quan ban, ngành một cách đồng bộ, kịp thời, sâu sát và tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc miền núi; nhiều chính sách, chương trình, dự án như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; Chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư; Chính sách giải quyết nước sinh hoạt; Chính sách vay vốn cho hộ dân tộc thiếu số đặc biệt khó khăn... tiếp tục được đầu tư cho vùng dân tộc thiếu số và miền núi thể hiện sự quan tâm lớn, toàn diện của Đảng và Nhà nước. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư liên tục trong hàng chục năm qua đã tạo được nền tảng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc phát huy dân chủ cơ sở thường xuyên được coi trọng. Điều kiện phương tiện truyền thông thuận lợi, giúp cho người dân và cộng đồng dân cư nắm bắt kịp thời thông tin phục vụ tốt sản xuất và đời sống, từng bước đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của đồng bào...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng đạt được trong thời gian qua, vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Đó là: Kinh tế phát triển chậm và chưa thực sự bền vững; chất lượng giáo dục, y tế chưa đáp ứng theo yêu cầu của sự phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; tư duy, lề lối làm việc của một số bộ phận cán bộ, công chức còn chậm đổi mới, trì trệ. Lực lượng sinh viên, học sinh là đồng báo dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trường nghề chưa có việc làm còn cao. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước của một bộ phận cán bộ và đồng bào dân tộc thiếu số vẫn còn...
Đại hội đã thảo luận, đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong nhiệm kỳ tới như: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới. Xem việc thực hiện tốt chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các Cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhân dân. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới theo hướng nâng cao năng lực sản xuất thâm canh. Xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn về phát triển công nghiệp, kết hợp nông - công nghiệp, trước mắt tập trung một số sản phẩm có lợi thế như: Tuyển lọc cao lanh, chế biến cà phê; chế biến gỗ nguyên liệu và tăm, đũa tre xuất khẩu... Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhanh và mạnh theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; tiếp tục thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các dân tộc thiếu số, trọng tâm là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tập trung giải quyết dứt điểm những bức xúc về tình trạng, thiếu đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho người dân các vùng định canh định cư, vùng tái định cư, vùng biên giới và các vùng bị thiên tai, bão lũ do hậu quả của biến đổi khí hậu...
Phát biểu chỉ đạo Đại hội Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện nhiệt liệt biểu dương khen ngợi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt là đồng bào dân tộc anh em, biểu dương sự cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ đã từng công tác, sống, chiến đấu với đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, việc triển khai các chương trình, chính sách còn một số bất cập, trình độ hạn chế... nên tình hình KTXH còn nhiều khó khăn như tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao, kết cấu hạ tầng KTXH ở nhiều nơi còn chưa đáp ứng được, nhiều tiềm năng lợi thế của địa phương chưa được khai thác, hoạt động văn hóa thông tin tuyên truyền chưa cao...
Để khắc phục tình trạng nói trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu các ủy, chính quyền cần nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, tập trung phát triển đẩy mạnh vùng dân tộc miền núi, phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân trên15%/năm để đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi gắn với chiến lược phát triển của tỉnh; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH bảo đảm đến năm 2020 nông thôn vùng dân tộc miền núi có kết cấu hạ tầng kiên cố. Phấn đấu không còn xã đặc biệt khó khăn, trên 50% các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đẩy mạnh áp dụng KHCN vào sản xuất và đời sống. Phát triển cung cấp các dịch vụ kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp gắn với phát triển kinh tế hàng hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại... Xây dựng sửa đổi bổ sung các chính sách tăng cường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực đối với vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng trường dân tộc nội trú dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc. Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở...
Một số hình ảnh tại Đại hội