1. Mối quan hệ giữa tổ chức và con người
Tổ chức được hình thành trong hoạt động thực tiễn của cộng đồng, là hình thức tập hợp, liên kết các thành viên trong cộng đồng, trong xã hội (cá nhân, tập thể), cùng nhau hành động vì lý tưởng, mục tiêu chung; hoặc nói chuẩn xác, rõ ràng và cụ thể hơn, đó là một đơn vị xã hội gồm một nhóm hoặc một cộng đồng người, được điều phối một cách có ý thức, có phạm vi hoạt động tương đối rõ ràng, trong đó đề ra được những yêu cầu, nhiệm vụ và phương hướng hành động, với chức năng, nhiệm vụ, hình thức, nội dung, phương thức hoạt động rõ ràng, cụ thể. Khi đã hình thành tổ chức thì phải có hoạt động quản lý, một hoạt động bắt nguồn tự sự phân công, hợp tác lao động, nằm đạt tới hiệu quả nhiều hơn, năng suất lao động cao hơn trong công việc. Hoạt động trên đòi hỏi phải có sự chỉ huy, phối hợp, điều hành, kiểm tra, chỉnh lý từng khâu công việc được nhịp nhàng, phù hợp với thực tiễn và phải có người đứng đầu.
Do vậy, tổ chức là một khâu quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong tổ chức, nhân tố quyết định nhất, năng động nhất là con người; cuộc sống, hoạt động của con người, của từng người là ở trong tổ chức, trong guồng máy hoạt động của tổ chức. Chỉ có ở trong tổ chức và thông qua tổ chức, qua mối quan hệ với những người khác, bộ phận khác và với sự vật, phương tiện làm việc, mỗi người mới biểu hiện rõ được vai trò chủ thể của mình và mới thấy rõ mình có thể làm được những gì cho cộng đồng, xã hội và đất nước. Tổ chức là một lĩnh vực đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đầu tư nghiên cứu công phu, xây dựng chương trình, kế hoạch và những giải pháp thực hiện thật tỉ mỉ, hữu hiệu. Người lãnh đạo, quản lý phải đặc biệt quan tâm việc nghiên cứu từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức tại đơn vị do mình quản lý, hình thành các giải pháp tổ chức thể hiện đầy đủ nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý”, theo quan điểm toàn diện, bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống của tổ chức, sớm khắc phục những khuyết điểm, yếu kém về tổ chức và trong công tác tổ chức.
2. Sử dụng đúng từ “cán bộ”
Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài… Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đổi mới, trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển” 1. Đại hội XI của Đảng còn chỉ rõ nhiệm vụ “xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới… Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý đất nước” 2.
Quốc hội khoá XII đã lần lượt ban hành Luật Cán bộ, công chức (13-11-2008), Luật Viên chức (13-11-2010) trong đó xác định rõ hàm nghĩa của các từ cán bộ, công chức, nhân viên, viên chức. Theo Luật Cán bộ, công chức, cán bộ là người “được bầu cử”, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở cấp tỉnh, cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương”. Ngay ở cấp xã, Luật cũng quy định: cán bộ xã, phường, thị trấn là người “được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực HĐND, UBND, bí thư, phó bí thư đảng uỷ, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội”. Luật Cán bộ, công chức đã quy định: công chức là người “được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện… trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
Theo các nội dung được pháp luật quy định trên đây, khái niệm của chức vụ, chức danh cán bộ bị thu hẹp lại và số người thuộc diện chức vụ, chức danh cán bộ giảm đi khá nhiều. Và giờ đây, đại bộ phận những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, cấp huyện được gọi là công chức, trong đó có công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; trong công chức lại chia ra chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên và cán sự, nhân viên.
Thông thường, khi nói đến tổ chức là trong đó đã bao hàm khái niệm “con người”. Hoặc muốn nói rõ cả hai vế tổ chức và con người thì nên dùng cụm từ “cơ quan tổ chức - nhân sự”, “công tác tổ chức - nhân sự” thay cho các cụm từ “cơ quan tổ chức - cán bộ”, “công tác tổ chức - cán bộ” mà chúng ta đã quen dùng lâu nay, vì hàm nghĩa của từ “cán bộ” đã được thu hẹp nhiều và đã được luật hoá. Ví dụ, trong hệ thống làm công tác tổ chức - nhân sự của Đảng từ Ban Tổ chức Trung ương đến ban tổ chức các cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện tuy không kèm theo từ cán bộ hoặc nhân sự, nhưng chức năng, nhiệm vụ của nó luôn bao hàm cả hai về tổ chức và nhân sự (cán bộ, đảng viên). Hoặc ở một số bộ, ban, ngành, đoàn thể cấp trung ương hiện hãy còn vụ, ban hoặc phòng “tổ chức - cán bộ”, thiết nghĩ nên thay bằng cụm từ vụ, ban hoặc phòng “tổ chức - nhân sự” là chuẩn xác hơn, phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức. Bởi lẽ, khái niệm “nhân sự” ở đây bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; hàm nghĩa các từ cán bộ đã bị thu hẹp.