Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.115.501
Truy cập hiện tại 36
Truyền thống yêu nước – giá trị văn hóa bất biến của dân tộc Việt Nam
Ngày cập nhật 14/08/2014
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (Ảnh: TH)

 Trao đổi với tạp chí Tuyên giáo, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh lịch sử dân tộc Việt Nam đã được định hình từ rất sớm, với những truyền thuyết nổi tiếng, gắn với những truyền thống, giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc. Trong đó, truyền thống yêu nước được hun đúc và trở thành một trong giá trị văn hóa bất biến của dân tộc.

 1. Ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, dân tộc Việt Nam đã phải chống các thế lực xâm lược như giặc An, ngoại bang xâm chiếm bờ cõi. Qua các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam đã được rèn đúc ý chí chống xâm lược. Trong quá trình chống xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước, đã định hình ra các nền văn hóa tiêu biểu. Đó là văn hóa Hùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun, văn hóa Đông Sơn. Đây là đỉnh cao để định hình nền văn minh sông Hồng với 4 yếu tố quan trọng: Phát triển lực lượng sản xuất thời đại đồ đồng; định hình ra nền nông nghiệp lúa nước; phát triển giá trị văn hóa, đặc biệt là cộng đồng làng xã, ứng xử văn hóa làng xã; định hình ra Nhà nước dân chủ sơ khai, cố kết các thành viên trong xã hội, trong cộng đồng. Thế giới đã công nhận nền văn minh sông Hồng là 1 trong 33 nền văn minh cổ đại của nhân loại. Dân tộc  Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào về những giá trị văn hóa như vậy.

2. Sau này, khi bị thế lực phong kiến phương Bắc xâm lược, nước Âu Lạc rơi vào tay phương Bắc, bị phương Bắc thống trị kéo dài tới 1117 năm. Sau năm 938, Ngô Quyền mới giành lại độc lập. Trong thời kỳ Bắc thuộc đen tối, vẫn sáng ngời lên giá trị văn hóa yêu nước. Đó là khởi nghĩa của các vị tướng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền… đã giành lại độc lập cho đất nước.
 
Bước vào thời kỳ phong kiến, bị Bắc thuộc kéo dài hơn 11 thế kỷ, vì sao dân tộc Việt Nam vẫn giành lại được độc lập chủ quyền? PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, ngoài lý giải về sức mạnh về quân sự, kinh tế, cần phải khẳng định về sức mạnh văn hóa, đã làm thất bại ý đồ đồng hóa về văn hóa của phương Bắc, giữa gìn nền văn hóa, văn minh của dân tộc. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để Việt Nam không bị đồng hóa bởi văn hóa phương Bắc.
 
Dưới thời chế độ phong kiến, khi nước ta giành được độc lập từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX, Việt Nam cũng phải chịu biết bao cuộc xâm lược, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia, nhưng chúng ta vẫn giữ vững chủ quyền độc lập. Tại thời điểm này, không thể phủ nhận sức mạnh của chế độ chính trị, của kinh tế, sức mạnh của những đội quân thao lược do những vị tướng tài ba huấn luyện lực lượng quân sự. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận thấy rõ sức mạnh của văn hóa, mà chúng ta vẫn gọi là văn hóa, văn minh Đại Việt. 
 
Ý chí bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đã thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, đó là bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà, nam đế cư”. Bài thơ đã thể hiện ý chí văn hóa bảo toàn nền độc lập của toàn dân tộc “Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư” (việc này đã định phận ở sách trời – đó là cơ sở pháp lý của thuyết chính danh định phận khi xưa). Tiếp đó, vua Quang Trung đã khẳng định: “Đánh cho sử chi Nam quốc anh hùng chi” (Đánh cho kẻ xâm lược biết nước Nam là nước đã có chủ). Những minh chứng trên đây đều thể hiện văn hóa yêu nước của dân tộc Việt Nam, mà đỉnh cao là độc lập chủ quyền, khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý và về mặt lịch sử. Quá trình đấu tranh giành độc lập thời phong kiến cũng đã nêu cao giá trị, sức mạnh văn hóa, văn hiến của dân tộc như Nguyễn Trãi  đã nói:
 
“Như nước Đại Việt ta từ trước
 
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”
 
Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, một nền văn hiến cần phải hội tụ 4 yếu tố: văn hoá, học thức, đạo đức, cái đẹp. Tất cả những giá trị văn hiến đó tạo ra sức mạnh, tạo niềm tự hào tự tôn dân tộc. Dân tộc Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về dân tộc mình, về một nền văn minh, văn hiến. Điều đó sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần mà không thế lực nào có thể thắng được việc tự hào, tự tôn dân tộc.
 
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cũng nhấn mạnh, trong chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta đã luôn ứng xử khoan hòa, khoan dung với các thế lực xâm lược.Việt Nam tuy đánh thắng nhưng bao giờ cũng ứng xử rất văn minh, khoan hòa, hiếu sinh, chứ không gây thù oán, vẫn giữ quan hệ bang giao tốt. Điều này cũng đã được kết tinh trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy trí nhân để thay cường bạo”. Hay “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.  Con người Việt Nam ăn ở với nhau có nhân nghĩa, tình nghĩa, hiếu  nghĩa, đối với bên ngoài là đại nghĩa.
 
Một yếu tố quan trọng, tạo ra sự thành công trong việc chống giặc xâm lược dưới thời đại phong kiến chính là văn hóa đồng thuận trong xã hội, đoàn kết, ứng xử tốt trong xã hội, tạo ra sự đồng lòng nhất trí, cùng hướng về mục tiêu  nhất định như Trần Hưng Đạo đã khẳng định: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức. Đấy chính là thượng sách về giữ nước”. Và các bậc ông cha đi trước đã đúc kết thành 4 chữ tạo nên xã hội: “khoan – giản – an – lạc”, là khoan dung, giản dị, hòa đồng; làm cho đời sống của người dân tốt đẹp sung sướng, tạo ra sức mạnh của xã hội. Với sức mạnh ấy, dân tộc Việt Nam đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
 
3. Thời đại Hồ Chí Minh, Đảng và Bác Hồ đã kế thừa và nêu cao tinh thần dân tộc, văn hóa yêu nước đã được kết tụ lại hàng nghìn năm qua.
 
Năm 1945- 1946, thực dân Pháp quay lại xâm lược Nam bộ. Ngoài Bắc, 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch kéo vào với các chính sách diệt cộng, cầm hồ, tiêu diệt và bắt giam các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Lúc đó Bác đã rất chủ động, áp dụng chính sách khoan hòa, hòa hoãn. Bác đã tuyên bố chính sách “Hoa - Việt thân thiện” để tạm hòa với quân Tưởng, tập trung đánh giặc Pháp ở miền Nam. Sau đó, Bác lại chủ trương hòa với Pháp để gạt quân Tưởng về nước, tranh thủ tối đa khả năng hòa bình. Đó là những minh chứng khẳng định khát vọng hòa bình của dân tộc, thể hiện văn hóa ứng xử khoan hòa của nước vừa giành được độc lập chính nghĩa, nhưng rất chủ động để ổn định hòa bình. Trong đường lối, trong quan điểm, trong ứng xử, dân tộc ta lúc nào hết sức nhũn nhặn để giữ hòa bình.
 
Trong thư gửi cho đồng bào Nam bộ năm 1945, Bác Hồ đã nói: “Chúng ta là quang minh chính đại, chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do của chúng ta thôi chứ không gây tư thù, tư oán gì cả. Chúng ta phải tỏ rõ cho thế giới biết rằng dân tộc chúng ta là dân tộc văn minh, văn minh hơn những kẻ đi xâm lược”. Đây chính là những ý tưởng rất quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước thế giới.
 
Khi viết thư cho Mỹ, Bác cũng nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là giữ vững độc lập, nhưng hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Có thể nói đó là những chính sách  hết sức cởi mở. Năm 1946, Bác đã tuyên bố những luận điểm rõ ràng: Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và hợp tác toàn diện với bên ngoài. Những từ ngữ “Chính sách” và “mở cửa” được Bác dùng từ năm 1946 trong thư gửi cho Liên Hợp quốc.
 
Năm 1947, Bác đã tuyên bố Việt Nam làm bạn với các nước dân chủ, không gây thù oán với ai. Đó là chính sách ngoại giao, vừa thể hiện sự kiên quyết giành độc lập, vừa thực hiện đúng lời kết của Bản tuyên ngôn độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập”. Bên cạnh sự kiên quyết đó, chúng ta còn rất ôn hòa khoan dung trong quan hệ ngoại giao.
 
Trong chuyến đi thăm nước Pháp 2-7-1946, tại lễ chiêu đãi của Chủ tịch hội đồng nội các Pháp, Bác đã có bài phát biểu và nhấn mạnh một ý rất quan trọng: “Trong quan hệ ngoại giao với nhau phải trung thực, nếu trung thực sẽ gạt được hết mọi trở ngại”. Bác cũng nhắc câu triết lý: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mà mình không muốn đừng áp đặt cho người khác). Dân tộc nào, quốc gia nào cũng muốn được tự do và độc lập, cớ gì lại đi xâm phạm độc lập của nước khác? Mỗi dân tộc tôn trọng tự do, độc lập, lợi ích của dân tộc mình thì cũng phải biết tôn trọng tự do, độc lập, lợi ích của dân tộc khác. Đó là triết lý sơ đẳng của một xã hội văn minh mà các nước đều nên tuân thủ và làm theo. Có thể thấy, trong quan hệ ngoại giao với các nước khác trên thế giới, tư tưởng hòa bình vẫn là tư tưởng chủ đạo của Bác Hồ kính yêu.
 
Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ cũng đã nhấn mạnh: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Càng nhân nhượng, giặc Pháp càng lấn tới, buộc chúng ta phải đứng lên kháng chiến. Kháng chiến ấy cũng vì mục tiêu hòa bình, nhân nghĩa, sẵn sàng đối xử rất tốt với các tù binh. Đấy chính là nhân đạo, nhân văn cao cả của văn hóa Việt Nam. Những điều đó cần phát huy, từ thời kỳ lịch sử xa xưa cho đến thời đại ngày nay
 
Hiện nay, trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, dân tộc Việt Nam cần nêu cao tinh thần chính nghĩa, nêu cao vai trò của một nước có nền văn hiến, có nền văn hóa lâu đời, chống hành vi xâm phạm trái phép đến độc lập chủ quyền của dân tộc. Đó là nguyên tắc bất biến. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến của chúng ta hiện nay chính là độc lập, chủ quyền của dân tộc mình. Là của mình thì một tấc đất trên bộ, một con sóng ngoài biển chúng ta cũng phải giữ. “Ứng vạn biến” là chúng ta phải linh hoạt mềm dẻo, theo tinh thần “đoàn kết, đồng thuận trong xã hội, tỏ cho thế giới biết rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển”. Đó là tư tưởng xuyên suốt từ thời đại dựng nước, giữ nước của ông cha ta từ trước, đến thời đại ngày nay – thời đại Hồ Chí Minh. của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những bài học lịch trong truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẫn còn nguyên giá trị cho tình hình mới hiện nay.
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.