Ngày hội có sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc 10 tỉnh (Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh và Thanh Hóa) và sự phối hợp của các tổ chức cơ quan, Ban, ngành Trung ương, các địa phương.
Trong buổi họp báo ngày 26/10/2018, tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết: Ngày hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ mới của đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc sẽ diễn vào tối 2/11 tại nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Tại Lễ khai mạc, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ trao tặng bằng ghi danh Nghi lễ trò chơi Kéo co được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong khuôn khổ của Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn, giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc trưng của các dân tộc; trưng bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc. Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra các hoạt động thể thao: bóng đá, kéo co, tung còn, bắn nỏ, đẩy gậy, vật dân tộc; các hoạt động du lịch: giới thiệu điểm đến của các địa phương tham gia Ngày hội tại gian trưng bày triển lãm; giới thiệu và tổ chức một số điểm tham quan tại tỉnh Vĩnh Phúc.