Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa như một thứ căn cước xác lập giá trị của mỗi dân tộc, khiến cho cả phần còn lại của thế giới phải thừa nhận rằng dân tộc ấy, đất nước ấy là một di sản quý giá của nhân loại cần được tôn vinh và bảo vệ. Đó là lý do khiến nhiều quốc gia trên thế giới luôn vận động để các di sản văn hóa đặc biệt của mình được UNESCO công nhận là di sản vật thể hoặc phi vật thể của thế giới.
Việt Nam là một đất nước có nhiều di sản lịch sử và văn hóa được thế giới công nhận bằng những tấm giấy được trao tặng rất trịnh trọng trong các buổi lễ rất hoành tráng. Nhưng như thế đã đủ để người Việt bước chân ra khỏi biên giới có thể ngẩng cao đầu chưa? Chắc chắn là chưa. Bởi vì trong khi không ai phủ nhận rằng Việt Nam là một dân tộc anh hùng trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, thì ngược lại, cũng đã không ít lần, chúng ta phải lên tiếng rằng người Việt trẻ đang “vong quốc” ngay trên chính quê hương mình. Những ứng xử thô lậu, chộp giật, thiếu nhân tính…, những hình ảnh người Việt phản cảm về cách ăn mặc, về lời ăn tiếng nói… ngày ngày tràn ngập trên mặt báo phản ánh một mặt trái của xã hội đương đại, khiến những người tử tế phải đau lòng trong bất lực.
Hiện trạng ấy là do đâu? Tại ai?
Sẽ có nhiều người trả lời ngay một cách dễ dàng, rằng đó là do văn hóa của người Việt đã “xuống cấp”! Nhưng cái gì làm nó trở nên như thế?
Kinh tế phát triển quá nóng khiến người ta không kịp ngoái lại xem chuẩn mực xã hội đã mai một chăng? Sự vội vã hòa nhập với thế giới đã khiến các giá trị đạo lý truyền thống trở nên bị hạ thấp chăng?
Nói vậy đúng, mà không đủ. Phải nói rằng ngọn cờ hướng đạo xã hội đã không còn được các lực lượng xung kích của giới văn hóa văn nghệ nước nhà giữ vững như sinh mạng của họ nữa. Mà thậm chí, người viết bài này cũng không chắc hiện còn tồn tại hay không cái gọi là “các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ” của nước nhà. Khi người gác cửa văn hóa đã tự bỏ vị trí, thì sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai không chọn lọc là tất yếu. Những hiện tượng ngoại lai trên truyền hình, trong văn học, báo chí… đã có nhiều chuyên gia phân tích, xin không nói ở đây nữa.
Nhìn riêng Điện ảnh, thì rõ ràng điện ảnh Việt đang thua đậm trên sân nhà. Từ số lượng phòng chiếu, suất chiếu… dành cho phim Việt đã ít, lại thêm chất lượng phim Việt ngày càng thấp kém khiến khán giả ngán ngẩm quay lưng. Thỉnh thoảng có một phim Việt thắng đậm ở phòng vé, thì lại là các phim hài chỉ để giải trí cho thấy một thị hiếu xuống cấp trầm trọng của cả người xem và người làm phim. Thỉnh thoảng lắm, có một phim tạm khiến công chúng chấp nhận một chút giá trị nhân văn nào đó, thì lại là những phim mà… gọi là của nước nào cũng được, nghĩa là cái căn cước văn hóa của phim ấy thật mơ hồ. Rốt cuộc, nếu có lúc nào phim Việt do Nhà nước tài trợ được dành một chút ưu ái ở các rạp chiếu, thì đó chỉ là những dịp lễ kỷ niệm trọng đại, rồi… thôi.
Có thể nói, thị trường văn hóa Việt trong đó điện ảnh là một lĩnh vực quan trọng… dường như đang bị coi nhẹ, thậm chí thả nổi, dẫn đến việc chúng ta phải tự kêu lên là đã và đang mất chuẩn đạo lý và văn hóa, mất niềm tin, v.v… là những nguyên nhân quan trọng góp phần dẫn đến những nhiễu loạn về đời sống, an ninh xã hội...
2. Từ rất lâu, chúng ta đã biết, Điện ảnh là một phương tiện phô diễn văn hóa bản địa vô cùng hữu hiệu với người trong nước cũng như với thế giới. Qua phim, người xem nước ngoài có thể thấy được đời sống xã hội của một quốc gia trong quá khứ và hiện tại, với những trầm tích khiến họ phải ngưỡng mộ. Qua phim, người bản địa có thể được đánh thức niềm tự hào về lịch sử dân tộc mình, và xuất hiện tâm lý tự điều chỉnh hành vi để xứng đáng với niềm tự hào ấy. Ở nhiều quốc gia, “chinh phục thế giới” bằng văn hóa là một trong những chiến lược quan trọng. Đi kèm với hàng hóa tiêu dùng, thậm chí đi trước nó, chính là những bộ phim mà các nhân vật và câu chuyện đã tạo nên những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ: giới trẻ các nước mà họ muốn chinh phục phát khóc vì thần tượng do họ tạo ra, từ đó bắt chước lối sống ấy, mặc trang phục giống nhân vật ấy, ăn món ăn giống nhân vật ấy, thậm chí yêu đương, tự tử cũng theo cách mà họ thấy trên các bộ phim mà đôi khi các nhà nhập khẩu được mua với giá rất rẻ. Rốt cục, với niềm ngưỡng mộ ngày càng tăng lên, người Việt trẻ coi việc tiêu dùng những hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia ấy là một niềm hứng thú, thậm chí chứng tỏ sự sành điệu của mình. Đó là cách mà Hàn Quốc đã làm. Những bộ phim của họ đã khiến cho tin tức về những vụ bạo hành cô dâu Việt không đủ sức làm giật mình, hay gây phẫn nộ cho bất cứ người trẻ nào. Đó là sức mạnh mềm của văn hóa, khiến cho cuộc chinh phục đem lại kết quả thật mỹ mãn cho… thị phần hàng hóa tiêu dùng của Hàn Quốc trên đất Việt Nam.
Trung Quốc cũng là một quốc gia sử dụng sức mạnh mềm ấy một cách hiệu quả, không phải chỉ với Việt Nam, mà với khá nhiều nước khác, đặc biệt với các nước châu Á. Với công nghệ sản xuất phim điện ảnh và truyền hình tiên tiến, với những trường quay phục vụ chuyên biệt, những bộ phim lịch sử của họ đã không chỉ gây hấp dẫn cho nhiều tầng lớp khán giả Việt Nam và nhiều nước khác bởi những lắt léo của câu chuyện, mà còn khiến cả thế giới phải nhìn nhận lại các danh nhân lịch sử của họ theo cách mà họ muốn. Những nhân vật từng khét tiếng tàn ác, dâm đãng… như Võ Tắc Thiên, như Ung Chính, Tần Thủy Hoàng… đều đã được “vẽ lại chân dung” khiến người xem phải phân vân về những định kiến đã tồn tại trước đó. Mặt khác, cũng qua những bộ phim ấy, Trung Quốc đã khiến cho cả thế giới cảm nhận về sức mạnh nền văn hóa mấy nghìn năm của họ. Và đó là cách họ “chinh phục thế giới” song hành với việc các thương gia của họ đẩy hàng hóa giá rẻ vào chiếm thị phần ở các thị trường béo bở.
Lịch sử Việt nam hấp dẫn hơn, đau thương hơn và giàu tính “tiểu thuyết” hơn thế gấp nhiều lần, do phải thường trực sự đề phòng bị xâm lược bờ cõi cương thổ, đồng thời với sự đồng hóa, tức sự xâm thực của nền văn hóa mạnh hơn mình. Nhưng chúng ta đã làm gì để quá khứ vừa đau thương, vừa kiên cường ấy của dân tộc trở thành một biểu tượng khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ? Ta đã làm gì để chính người Việt trẻ tự hào với nền văn minh hơn 4.000 năm của nước mình, để từ đó sống xứng đáng với lịch sử tuyệt đẹp ấy?
Trong quá khứ, điện ảnh Cách mạng Việt Nam từng được đem thi thố ở các liên hoan phim nước ngoài, và đem về những vinh quang đáng nể trọng, cũng như từng tạo nên những biểu tượng khiến cả xã hội phải ngưỡng mộ và noi theo, như chị Tư Hậu, chị Vân, chị Dịu, Cánh đồng hoang… hoặc khiến cả xã hội phải ngậm ngùi cho một quá khứ đau buồn khiến họ muốn nỗ lực để quá khứ ấy không còn lặp lại, như chị Dậu hoặc Làng Vũ Đại ngày ấy… Ở một giai đoạn lịch sử khá dài, xã hội đương đại Việt Nam đã có một sức mạnh mềm để tự tin hơn, mãnh liệt hơn, và thống nhất hơn một phần nhờ vào tác động của một nền điện ảnh chính thống. Nhưng dường như những giá trị ấy đã qua nhanh, khi đất nước mở cửa hội nhập. Những thông điệp văn hóa mà các bộ phim có nghĩa vụ chuyển tải ngày càng mờ nhạt. Những chuẩn mực đạo lý truyền thống từng khiến các bộ phim của chúng ta trong quá khứ ghi dấu trong lòng công chúng, thì nay đã bị bỏ qua. Cảm giác này thật rõ rệt khi trong liên hoan phim quốc gia gần nhất, chúng ta thấy một tỷ lệ phim thị trường (tức phim của hãng sản xuất tư nhân) chiếm đến 90%, trong đó các phim giải trí “dưới chuẩn” chiếm số lượng không nhỏ.
Cần phải nói ngay rằng, làm phim nhắm đến mục đích thương mại là quyền của các nhà đầu tư. Họ có “nghĩa vụ tự nhiên” là phải thu hồi vốn, và kiếm lời để sinh nhai, để có vốn tái sản xuất, mặc dù các nhà lãnh đạo ngành mong muốn nhiều hơn ở họ. Ví dụ như tinh thần hiệp sĩ hay lòng tự tôn dân tộc trong việc tạo ra các sản phẩm văn hóa chẳng hạn. Nhưng không thể yêu cầu nếu ta không trả tiền. Đó là sự phát triển tự nhiên theo quy luật thị trường, mà các sản phẩm văn hóa nói chung, và điện ảnh nói riêng không thể là một ngoại lệ. Nhưng quốc gia nào cũng có nhu cầu khẳng định giá trị văn hóa bản địa, hay đạo lý truyền thống làm nền tảng cho sự phát triển cân bằng của xã hội. Và cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu đó là Nhà nước phải có nghĩa vụ tạo nên một dòng chảy văn hóa chính thống, với ý nghĩa là dòng chủ lưu trong đời sống văn hóa của xã hội, mà phim (điện ảnh và truyền hình) chính là một phương tiện tốt nhất, giống như vũ khí hạng nặng trên chiến trường.
Vậy làm thế nào để tạo nên dòng chủ lưu ấy mà không phải “ném tiền qua cửa sổ”?
Phải thừa nhận rằng đã có quá nhiều các “phim chính thống” được tạo ra mà không mang lại hiệu quả văn hóa cũng như kinh tế nào. Hiện thực đó dẫn đến hệ quả là các nhà lãnh đạo có trách nhiệm xem xét, tiếp nhận chiến lược văn hóa phân vân, nên đầu tư nữa hay thôi cho những phim chính thống, hay còn gọi là “phim tuyên truyền” hay “phim cúng cụ” cũng được?
Nhưng có lẽ đã có một sự“hiểu nhầm” khi đồng nhất các phim trong dòng chủ lưu của điện ảnh nước nhà với một phạm vi hẹp là các phim làm trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Người viết bài này cho rằng, như mọi quốc gia khác, làm phim về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc là không thể không làm. Ngoài truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, thì việc làm phim kỷ niệm còn là dịp để các nghệ sĩ điện ảnh được thi triển tài năng trong các dự án lớn, đặng hòa nhập với công nghệ điện ảnh thế giới. Tất nhiên, trước hết phải có tài năng đã. Và việc ấy đã được nhắc đến rất nhiều trong các hội thảo chuyên ngành, rằng khác với giọng hát trong âm nhạc hay nét vẽ trong hội họa đôi khi được thăng hoa nhờ chính bản năng nghệ sĩ, tài năng điện ảnh không thể phát lộ nếu không được đào tạo cơ bản. Vàviệc ấy cần có đầu tư một cách bài bản, có chiến lược hẳn hoi.
Nhưng cũng còn có một giải pháp khác khiến cho dòng chảy văn hóa trong các tác phẩm điện ảnh được chú trọng và thăng hoa, đó là sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các tác phẩm điện ảnh đã đạt được mục tiêu tôn vinh văn hóa Việt. Những phim này không nhất thiết phải lớn, cũng không nhất thiết phải là các dự án được xét duyệt để Nhà nước tài trợ. Thông qua việc thẩm định phim, hoặc các kỳ liên hoan, xét giải… hằng năm, ngành điện ảnh có thể chọn ra các bộ phim đạt được mục tiêu này, tặng một giải thưởng văn hóa để tôn vinh các tác giả của bộ phim, hoặc trao cho họ một khoản kinh phí để họ có cơ hội tái đầu tư, như một cách khuyến khích, thúc giục các nghệ sĩ hãy đi tiếp con đường mà họ đã chọn: tôn vinh văn hóa dân tộc.
Thật ra những điều đã nói ở trên không phải chưa từng nói. Nhưng dường như mọi ý kiến kiểu này đều không được xét đến, không được lưu tâm, cũng chẳng gây giật mình đến ai. Ngành điện ảnh đã nỗ lực hết mình cho một nền điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng muốn làm việc ấy không thể chỉ hô khẩu hiệu. Điện ảnh là vũ khí hạng nặng trên mặt trận văn hóa. Nó đòi hỏi kinh phí, mà lại không thể hứa hẹn rằng sẽ lập tức trả lại vốn (vật chất) cho Nhà nước. Giá trị mà nó mang lại cho xã hội sâu xa hơn nhiều. Đó là tạo nên những thần tượng mang tính định hướng cho sự phát triển con người. Nhưng đã kéo dài nhiều năm cái hiện thực là việc vận động kinh phí cho từng dự án, và luôn chỉ nhận được khi “nước đã lên đến mũi” khiến toàn ngành điện ảnh từ lãnh đạo đến các nghệ sĩ gần như kiệt sức. Và vì luôn phải “vượt cạn” trong tình thế như vậy nên các sản phẩm điện ảnh do Nhà nước tài trợ rốt cục đã không đủ sức tạo nên dòng chủ lưu như mong muốn. Dẫn ra như vậy để thấy phải tư duy lại về cách ứng xử với điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung. Chiến lược xây dựng văn hóa nói chung và văn hoá trong điện ảnh, bằng điện ảnh nói riêng sẽ trở nên vô vọng nếu không thấy giá trị của nó.