Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.116.102 Truy cập hiện tại 75
|
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - con đường đi đến tự do, hạnh phúc Ngày cập nhật 18/05/2014 | Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm đường 20 Quyết thắng |
Trên dãy Trường Sơn hùng vỹ, năm 1959 đánh dấu bước ngoặt quan trọng, có vị trí chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được biết đến như một con đường huyền thoại, một “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” nối liền và chuyển vận toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn từ hậu phương ra tiền tuyến. Băng qua bao núi cao, sông sâu, vượt qua bao sự đánh phá ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù, suốt 16 năm, kể từ ngày mở lối cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến trường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh trọng đại của mình, tạc vào lịch sử hiện đại Việt Nam như một biểu tượng ngời sáng về ý chí độc lập, tự do và thống nhất non sông của toàn dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu với việc ký kết hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền Nam Bắc, miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam bước vào một cuộc kháng chiến chống thực dân mới đó là đế quốc Mỹ. Miền Nam được sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực thi các đạo luật dã man như luật 10/59, luật số 12, lê máy chém đi khắp miền Nam tàn sát nhân dân vô tội. Trước tình hình đó, Đại hội III của Đảng (năm 1960) đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ cách mạng của mỗi miền và xác định: nhiệm vụ cách mạng của nhân dân ta trong giai đoạn này là tăng cường sự đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc; đồng thời, đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe XHCN và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.
Độc lập, tự do, thống nhất đất nước, từ ngàn xưa đã là ý chí, khát vọng mãnh liệt và cháy bỏng trong các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Trong cuộc đối đầu lịch sử này, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với kẻ thù lớn mạnh là đế quốc Mỹ - một cường quốc hàng đầu của thế kỷ XX, có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự hơn ta gấp nhiều lần. Để đánh thắng một kẻ thù như thế, nhất thiết dân tộc ta phải có một nội lực mạnh mẽ, một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo. Điều có ý nghĩa quyết định hàng đầu là Đảng ta phải đã đề ra được đường lối chính trị-quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ.
Với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo được đặt ra cho mỗi miền đã đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước, nên có sức hiệu triệu mạnh mẽ tinh thần và lực lượng toàn dân tộc để hoàn thành sứ mệnh cao cả, thiêng liêng đấu tranh giải phóng thống nhất non sông. Về phương diện đó, có thể nói rằng, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là một biểu tượng ngời sáng của ý chí và quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối của toàn dân tộc Việt Nam.
Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có nhiệm vụ nối liền miền Bắc với miền Nam; chuyển vận toàn bộ ý chí, sức mạnh tiềm tàng và to lớn của hậu phương miền Bắc ra tiền tuyến. Trải qua 16 năm, kể từ ngày đầu soi đường, mở lối, cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được xem là một công trường lao động vĩ đại, một chiến trường tổng hợp đánh bại cuộc chiến tranh dài ngày ác liệt nhất với vũ khí hiện đại nhất. Hoàn thành 3 nhiệm vụ chiến lược, đã phải đương đầu với sự ngăn chặn khốc liệt, tàn bạo, bằng nhiều lực lượng, nhiều thủ đoạn, nhiều loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ của kẻ thù. Nơi đây, suốt 16 năm đã diễn ra cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn giữa cỗ máy quân sự khổng lồ của đế quốc Mỹ với quân và dân ta. Nhiều tác giả Mỹ và phương Tây, ngay từ ngày đó và cho đến sau này, có những nhận xét khá xác đáng về nguyên nhân thất bại của Mỹ ở Việt Nam, ở đường mòn Hồ Chí Minh. Ấy là, họ đều thừa nhận: “Mỹ bại trận vì không cắt đứt được con đường Trường Sơn; và Mỹ không thể nào cắt đứt được con đường vì “con đường mòn này không phải chỉ là một con đường được vạch ra mà nó là cả một luồng tư tưởng”…Toàn bộ con đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói đến hôm nay, là tổng kết của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, cho nên con đường ấy có sức sống mãnh liệt, vì nó là tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc chứ không phải vì những đoạn đường cụ thể, vì những dốc đèo thẳng đứng hay vì rừng núi rậm rạp hoặc những vùng đồng bằng mà nó đã băng qua”.
Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đã in dấu chân biết bao người ra trận
Qua 16 năm, từ lối mòn giao liên bí mật len lỏi dưới các triền rừng, vách núi; với phương thức vận tải thô sơ, gùi thồ là chủ yếu, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành mạng lưới đường chiến lược-chiến dịch, với hệ thống trục dọc và trục ngang, ngày càng vươn xa tới các chiến trường, vươn sâu vào các mặt trận, các hướng chiến dịch của chiến trường miền Nam, chiến trường Trung –Hạ Lào, Đông Bắc Căm- pu-chia. Đến trước ngày mở chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyến vận tải chiến lược đã có chiều dài lên tới gần 20.000km, gồm các hệ thống trục dọc: 6.180km, 13 hệ trục ngang: 4.920km, 5 hệ thống đường vượt khẩu: 700 km, 1 hệ thống đường vòng tránh các trọng điểm: 4.700km, 1 hệ thống đường ống dẫn xăng dầu: 1.400km và tuyến vận tải đường sông vào tới Stung Treng. Trên mọi nẻo đường, hơn 120.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến và các văn nghệ sĩ suốt một thời tuổi trẻ đã gắn bó máu xương với núi rừng Trường Sơn; trong số đó, 20.000 người đã anh dũng hy sinh, hơn 30.000 người bị thương và biết bao người bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin.
Trong cuốn sách Ho Chi Minh Lapiste (đường mòn Hồ Chí Minh), tác giả Vangeirt có viết: "Với mục đích kể lại lịch sử con đường này, tôi đã phải kể lại lịch sử Việt Nam. Bởi vì không thể có con đường mòn Hồ Chí Minh nếu không có lịch sử Việt Nam, nhưng lịch sử của con đường mòn này cũng làm sáng tỏ thêm lịch sử Việt Nam. Đối với đường mòn Hồ Chí Minh, muốn chiếm được nó, phải chiếm đóng mỗi milimet vuông của Lào, Campuchia và cả miền Bắc cũng như miền Nam Việt Nam. Tất cả quân đội của thế giới này may ra mới đủ. Một quả bom, ngoài việc phá hoại môi trường, vẫn không đụng được đến bản chất của người Việt Nam".
Cũng trong 16 năm đó, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển một khối lượng lớn vật chất từ hậu phương miền Bắc, giao cho các chiến trường: 1.500.000 tấn hàng hóa, vũ khí, 5.500.000 mét khối xăng, dầu; đưa đón, vận chuyển, đảm bảo hành quân trên 2 triệu lượt người. Những năm quân và dân miền Nam mở các cuộc tiến công chiến lược, miền Bắc tăng sức chi viện cho chiến trường, tuyến vận tải chiến lược đảm bảo chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến một khối lượng vật chất và quân số gấp 4 đến 5 lần những năm trước đó. Do vậy, sự thông suốt và năng lực đảm bảo hành quân, vận tải chi viện của đường Trường Sơn đóng vai trò to lớn trong việc tập kết lực lượng và vật chất, tạo nguồn dự trữ chiến lược, cùng quân và dân cả nước nói chung, quân và dân miền Nam nói riêng, thực hành thắng lợi các đòn chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến trường, đưa đến đại thắng mùa Xuân 1975.
Cũng từ đại thắng mùa Xuân năm 1975, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trọng đại của mình trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Con đường được xây nên bởi trí tuệ, tinh thần quả cảm và sự hy sinh của cả một lớp người. Với một con đường vĩ đại như thế, với những người lính anh hùng như thế, với một bề dày lịch sử như thế, người Việt Nam đã chiến thắng người Mỹ trong một cuộc chiến kỳ diệu, làm nên một Trường Sơn huyền thoại và bất tử trong chiến tranh.
Ngày nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tập trung mọi nỗ lực để xây dựng thành công đường Hồ Chí Minh phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh giữa thời điểm nhân dân cả nước đang hướng về Hoàng Sa - Trường Sa nơi đang có những diễn biến phức tạp trên biển Đông đe dọa đến chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Phát huy tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là dịp, giúp cho các tầng lớp nhân dân tiếp nối truyền thống của cha ông, kết nối hàng triệu triệu trái tim Việt Nam cùng chung một nhịp đập, nhịp đập của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm và ý chí bất khuất, nhịp đập nối liền quá khứ, hiện tại và tương tai. Đó là lời khẳng định quyết tâm của Việt Nam đối với thế giới kiên quyết bảo vệ độc lập tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Lớp lớp cha ông đã đổ biết bao xương máu hy sinh để giữ gìn từng tất đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng, những cột mốc khẳng định chủ quyền, những chiến sĩ ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển hay những ngư dân đang ngày đêm bám biển trước muôn trùng sóng dữ ... tất cả hun đúc nên sức mạnh quật cường của cả dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu hòa bình nhưng không khuất phục trước bất cứ thế lực nào, lịch sử mấy nghìn năm đã chứng minh điều đó.
Hằng Nguyễn Các tin khác
|
|