* Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát triển văn hóa – xã hội.
Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với chiều sâu về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô, nơi ẩn chứa những giá trị tinh hoa văn hóa qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều giá trị văn hóa đang được bảo tồn là nền tảng quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, hệ thống các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã và thành phố Huế đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình với nhiều hình thức phong phú, quy mô, chất lượng. Các địa phương, đơn vị đã nâng cao nhận thức, thay đổi về tư duy trong quản lý, tổ chức thực hiện, phát huy vai trò chủ thể trung tâm của người dân trong xây dựng môi trường văn hóa.
Lễ hội A Riêu Ping
Trong đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển” đã được UBND tỉnh phê duyệt với mục tiêu là xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc. Tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người. Chính vì vậy, cần phải xây dựng và phát triển toàn diện con người ngay từ mỗi cơ sở, từ mỗi cộng đồng và từ mỗi gia đình. Theo đó, các đơn vị đã tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển môi trường văn hóa có sức lan tỏa rộng khắp và bền vững cùng với các thiết chế văn hóa hiện có ngay tại địa phương, trong đó chú trọng môi trường văn hóa trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, kiên quyết gìn giữ gia phong, phong tục tập quán tốt đẹp song hành với chủ động ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội.
Quảng diễn Lân - Sư - Rồng thành phố Huế
Trong bức tranh tổng thể chung các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được quan tâm tổ chức hiệu quả, quy mô, chất lượng và có nhiều đổi mới sáng tạo như: Trung tâm VHTT&TT huyện Phú Vang tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Giai điệu tự hào”, chương trình nghệ thuật “Hương sắc đầm phá biển khơi” nhằm ca ngợi truyền thống văn hóa, tình yêu quê hương; Trung tâm VHTT&TT huyện Nam Đông tổ chức trại sáng tác điêu khắc truyền thống dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông lần thứ I, năm 2023, các hoạt động nghệ thuật, lễ hội trong khuôn khổ chợ phiên Nam Đông được tổ chức định kỳ đã thu hút đông đảo hàng ngàn lượt du khách tham gia. Huyện A Lưới với nhiều hoạt động thể thao, bắn nỏ truyền thống, triển lãm “Nét đẹp A Lưới qua nghệ thuật ký họa” phối hợp với Bảo tàng Mỹ Thuật Huế, các hoạt động quãng diễn, trình diễn tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Trung tâm VHTT&TT thành phố Huế sôi động, phong phú với nhiều hoạt động Đua Trãi truyền thống, giải chạy marathon, trưng bày, triển lãm tại Festival Nghề truyền thống, xây dựng các Câu lạc bộ đội, nhóm văn nghệ xung kích phục vụ nhiệm vụ chính trị văn hóa trên địa bàn thành phố … Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa mà còn là cơ hội phát hiện, phát huy, giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
Các hoạt động lễ hội đã được tổ chức an toàn, chu đáo, đảm bảo tính trang nghiêm, đầy đủ nghi lễ về mặt truyền thống như: Lễ hội Vật làng Sình, Lễ hội Đền Huyền Trân Công chúa, “Chợ quê ngày hội”, Lễ hội A Riêu ping, Lễ mừng lúa mới, đặc biệt là lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương, phường Thuận An, thành phố Huế có lịch sử hơn 500 năm, theo phong tục “tam niên đáo lệ”. Với hình thức tổ chức quy cũ, nề nếp, tôn trọng các giá trị truyền thống nhưng mang hơi thở của cuộc sống đương đại, kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội đem đến cho người dân không khí vui tươi, sôi động và hết sức lành mạnh, văn minh.
* Thay đổi để nâng cao chất lượng phong trào
Việc đẩy mạnh và hoàn thiện, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng môi trường văn hóa của UBND tỉnh đã nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa cơ sở từng bước được nâng lên. Ngành văn hóa và Thể thao đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản, các đề án, kế hoạch, các phong trào văn hóa nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Việc các địa phương, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động văn hóa ở cơ sở thông qua, thông tin, truyền thông, tuyên truyền, cổ động; câu lạc bộ; phát huy giá trị di sản văn hóa và giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng; văn nghệ quần chúng; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thể dục thể thao.... Các hoạt động văn hóa ở cơ sở được đổi mới tổ chức quản lý, hoạt động, đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng thụ hưởng. cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tại các địa phương. Nếu như trước đây ở huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền là “vùng lõm” về các hoạt động văn hóa, thì nay đã có sự đột phá từ quy mô, hình thức tổ chức cho đến chất lượng. Ngoài ra, một số địa phương đã chủ động trong việc tìm tòi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ nhu cầu và sự sáng tạo của người dân thông qua các Câu lạc bộ, nhà truyền thống, trung tâm văn hóa – thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng với nhiều hoạt động ý nghĩa: Hội bài chòi, chợ quê ngày hội, liên hoan ca Huế, lễ hội đua trãi, “Hương xưa làng cổ - Bước chân hạnh phúc”… nhằm làm phong phú, đa dang các hình thức tổ chức và thêm nhiều lựa chọn về sự thụ hưởng văn hóa cho người dân. Sự nỗ lực, cố gắng, làm mới các hoạt động văn hóa trên nền tảng các giá trị di sản tại địa phương phản ánh những giá trị văn hóa của đời sống văn hóa cộng đồng cần phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức, phương thức tổ chức tại cơ sở.
Đưa Thông tin về cơ sở của huyện A Lưới
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn hóa cơ sở cũng đối mặt với một số khó khăn như: Nguồn kinh phí eo hẹp, cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về chuyên môn, hoạt động còn bộc lộ nhiều hạn chế …Để nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở mỗi địa phương, thông qua việc ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác văn hóa, văn nghệ. Đồng thời thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác văn hóa. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các CLB, tổ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Hệ thống các TTVH, NVH các cấp, đặc biệt là cấp huyện tăng cường vai trò định hướng cụ thể, xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu của người dân và đặc thù tại mỗi địa phương.
Có thể khẳng định rằng, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người dân. Sự kết nối – lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại trong sự hòa hợp, đón nhận và hưởng ứng của người dân, làm nên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Qua đó, thúc đẩy các phong trào thi đua trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh góp phần thực hiện thành công về xây dựng Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.