* Kết tinh và lan tỏa những giá trị của văn hóa Huế - con người Huế
Là vùng đất chứa đựng trầm tích lịch sử văn hóa đồ sộ trong suốt chặng đường di dân mở cõi cho đến nay, trong những năm qua, Ngành Văn hóa luôn ý thức sâu sắc trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, thấm nhuần tinh thần “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững”. Trên cơ sở các đề án, chương trình, nghị quyết của Tỉnh, Ngành Văn hóa đã nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa giàu bản sắc truyền thống bằng nhiều hình thức, phương pháp, giải pháp, trong đó, phương thức tổ chức thực hiện qua các kỳ liên hoan, ngày hội đã được minh chứng hiệu quả trong công tác bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống từ thực tiễn mang lại. Theo định kỳ, 03 năm một lần, ngành Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hoan “Đưa Thông tin về cơ sở”, Liên hoan Làng, thôn, bản tổ dân phố văn hóa; 02 năm một lần tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hoan Ca Huế, liên hoan các Câu lạc bộ nghệ thuât toàn tỉnh… Đối với các hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với quy mô khu vực và toàn quốc, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng chương trình nghệ thuật tham gia như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng Ca khúc Cách mạng, Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền Trung, Hội diễn “Câu hò nối những dòng sông”, Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen” toàn quốc .... Các Liên hoan, hội diễn được tổ chức sôi nổi, chất lượng tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương và phong trào tham gia Liên hoan trở thành ngày hội của các địa phương tham dự.
Thông qua những nghệ sĩ, nghệ nhân, thông qua những lời ca, tiếng hát truyền đi thông điệp về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống văn hóa giàu bản sắc, giáo dục cho thế hệ trẻ trách nhiệm trong việc học tập, ý thức bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa mà cho ông đã để lại. Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ bị thất truyền đã được bảo tồn qua các kỳ liên hoan, hội diễn, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đã được làm mới trên nền tảng di sản nhưng mang hơi thở của cuộc sống đương đại, góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Đồng thời, đây cũng là phương thức hữu hiệu để kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đất cố đô gắn với phát triển du lịch. Hoạt động trong các liên hoan, ngày hội đã truyền tải thông điệp và lan tỏa giá trị con người Huế - văn hóa Huế với đặc trưng phát triển hài hòa trong ẩm thực, trang phục, phong cách ứng xử và trong từng nếp sống của người dân. Sự khác biệt và thể hiện bản sắc riêng trong các chương trình nghệ thuật tham gia ở khu vực và toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương đăng cai thực hiện, thì chương trình của đơn vị Thừa Thiên Huế luôn nằm trong lễ khai mạc và bế mạc nhằm tạo dấu ấn, đặc sắc, phong phú cho chương trình, đồng thời đại diện cho một vùng văn hóa – văn hóa Huế, điều đó góp phần khẳng định vị trí về văn hóa – du lịch của tỉnh, nâng cao vị thế văn hóa Huế, con người Huế.
* Tiếp tục đổi mới hình thức, xây dựng chiến lược lâu dài.
Trên nền tảng kho tàng văn hóa đồ sộ, Thừa Thiên Huế đang dần định hình của một đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh. Vị thế của trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam, của khu vực đang dần được khẳng định. Theo thống kê 85% du lịch Huế là du lịch di sản, điều đó cho thấy, các giá trị văn hóa truyền thống Huế có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Điều đó cho thấy, di sản văn hóa phải được gắn với con người, cộng đồng cư dân địa phương (với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu tài sản văn hóa) và coi việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của đông đảo công chúng trong xã hội là mục tiêu hoạt động. Như vậy, việc nhận thức đúng đắn của chính quyền và người dân về vị trí, vai trò to lớn của giá trị văn hóa đối với sự phát triển xã hội có một ý nghĩa thực tiễn trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở địa phương.
Với vai trò là cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu cho Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các liên hoan, hội diễn, ngày hội quy mô cấp tỉnh và xây dựng chương trình tham gia khu vực, toàn quốc, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh đã không ngừng tập trung nghiên cứu, đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đồng thời mang lại hiệu quả, ý nghĩa về mặt xã hội. Các liên hoan, hội diễn thường được lồng ghép tổ chức chuỗi hoạt động ngoài thi diễn nghệ thuật quần chúng ở vị trí trung tâm, các hoạt động bổ trợ như: tọa đàm, trưng bày triển lãm, hội thi ẩm thực, trình diễn trang phục truyền thống, hoạt động thi đấu thể thao, lễ hội, phát thanh lưu động ...trên cơ sở mục đích, yêu cầu của mỗi liên hoan nhằm bổ trợ cho nhau, tránh sự đơn điệu, trùng lặp, tạo sức hút cho nhân dân tham gia và cùng đồng hành.
Bên cạnh đó, để làm tốt công tác kế thừa và thực hành các giá trị văn hóa, các đơn vị chuyên môn của Ngành đã thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, các lớp truyền dạy bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng như: Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, Trường TCVHNT, Nhà hát NTCK Huế, phòng VHTT huyện A Lưới, Nam Đông và huyện Quảng Điền ... để xây dựng mạng lưới văn hóa, các hạt nhân văn hóa để từ đó quay trở lại phục vụ cộng đồng. Để các liên hoan, hội diễn trở thành công cụ, phương tiện trong việc giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa, các đơn vị chuyên môn cần chủ động thay đổi, mở rộng tư duy, mạnh dạn hành động, thử nghiệm và áp dụng những hình thức mới, trong đó tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại để tổ chức các liên hoan, ngày hội đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật, thúc đẩy quá trình hội nhập các loại hình nghệ thuật truyền thống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng. Tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa trong toàn hệ thống, xây dựng cơ chế khuyến khích nhân tài, chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa cơ sở.
Thông qua việc tổ chức các kỳ Liên hoan, Hội diễn là dịp để người dân, các diễn viên nghệ nhân, các nhà quản lý học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp vùng, miền, dân tộc. Qua đó, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao giữa các địa phương, giữ gìn, phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ thể hiện ý thức về đời sống tinh thần lành mạnh văn minh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa là một trong những yếu tố nội sinh quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Điều này càng được khẳng định khi mỗi người dân trong cộng đồng hiểu rõ sức mạnh của văn hóa dân tộc mình, tự hào về văn hóa dân tộc mình họ sẽ trở thành sứ giả chung sức khôi phục, gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước hiện tại và tương lại.