VỀ VAI TRÒ, VỊ TRÍ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG CỦA VĂN HÓA
Trước khi bàn về vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương xác định phạm vi, nội hàm của văn hóa, bao gồm ba thành tố cơ bản là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Đến nay, cả ba thành tố mà Đề cương nêu ra đều là những yếu tố mang tính hạt nhân, có mối quan hệ, gắn bó, chi phối, bổ sung và thẩm thấu lẫn nhau, cấu thành nền văn hóa dân tộc.
Trong ba yếu tố đó, yếu tố tư tưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến thế giới quan, đến nhận thức, tình cảm, thái độ, cách ứng xử của con người trước những vấn đề của tự nhiên, xã hội. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tiếp tục khẳng định: “Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hoá”(1). Về nội hàm của vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống, Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh, đó là: Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và phát triển sáng tạo, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng, bảo đảm cho đời sống tinh thần xã hội phát triển đúng hướng. Đó là ý thức phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần trách nhiệm và năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ, đảng viên; là những giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức tốt đẹp; tính năng động và tính tích cực công dân; là tinh thần, ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ; là tâm thức hướng về cội nguồn, về cách mạng và kháng chiến, quý trọng các danh nhân văn hoá, đền ơn đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ những người hoạn nạn…
Cùng với “tư tưởng”, “học thuật” là yếu tố nền tảng, quyết định đến chất lượng, nội dung của nền văn hóa. Học thuật liên quan trực tiếp đến trình độ học vấn, đến tri thức khoa học, sự hiểu biết và ý thức làm chủ của con người, là điều kiện cần để con người mở những cánh cửa vào tương lai, thể hiện khát vọng, tinh thần không ngừng học tập, nâng cao tri thức, trình độ và năng lực chuyên môn, từ đó có nhiều sáng tạo, phát minh mới, làm phong phú nền văn hóa dân tộc.
Nếu “học thuật” liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục, đào tạo, đến việc trao truyền thi thức, bồi dưỡng thế hệ trẻ, nâng cao dân trí, thì “nghệ thuật” là một biểu hiện sinh động, phong phú của đời sống văn hóa, thể hiện những khát vọng của con người về chân, thiện, mỹNhững sáng tạo về nghệ thuật rất phong phú, thể hiện ở nhiều loại hình. Trải qua thời gian và những sáng tạo không ngừng nghỉ của các thế hệ người dân Việt Nam đã kết tinh thành những giá trị độc đáo, tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc. Sức mạnh của những tác phẩm nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người.
Đề cập đến vai trò của văn học, nghệ thuật, Văn kiện của Đảng nhấn mạnh: “Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”(2). Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” tiếp tục khẳng định quan điểm: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người”(3).
Nhấn mạnh vào vai trò, vị trí của văn hóa trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(4).
Luận điểm Văn hóa là một mặt trận là một tư tưởng mang tính thời đại, khẳng định vai trò to lớn của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với các mặt trận kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh quốc phòng thì mặt trận văn hóa cũng có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng, kháng chiến. Đây là mặt trận không tiếng súng nhưng bằng ngòi bút, trang giấy và sức sáng tạo dồi dào của văn nghệ sĩ, trí thức đã góp phần đánh bại âm mưu, dã tâm xâm lược của kẻ thù, cổ vũ ngợi ca tinh thần kháng kiến, kiến quốc của nhân dân.
Luận điểm này còn góp phần khắc phục những biểu hiện dao động, hoài nghi, những băn khoăn, trăn trở của một số văn nghệ sĩ, trí thức trong quá trình “tìm đường” đến với cách mạng, gắn bó mật thiết với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Văn học, nghệ thuật phải phụng sự Tổ quốc, ngợi ca nhân dân, bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, sự công bằng, đồng thời lên án, tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc. Trong nhiều bức thư gửi anh em văn nghệ sĩ, trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến tính chiến đấu, tinh thần “thép” trong những sáng tạo nghệ thuật. Trong thư Gửi anh em vǎn hoá và trí thức Nam Bộ (ngày 25/5/1947), Người khẳng định: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em vǎn hoá và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”(5). Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”(6). Văn hóa là một mặt trận không phải là hạ thấp vai trò, tính sáng tạo của văn hóa mà đó là sứ mệnh, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của người cầm bút trước những vấn đề lớn lao của Tổ quốc, dân tộc. Trong bài báo Tổ chức của Đảng và văn học Đảng viết năm 1905, V.I.Lênin từng khẳng định: “Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải thành một cái bánh xe nhỏ và một cái định ốc trong một bộ máy dân chủ - xã hội vĩ đại, thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận khăng khít của công tác có tổ chức, có kế hoạch, thống nhất, của Đảng dân chủ - xã hội”(7).
Nhằm góp phần lý giải về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, Đề cương khẳng định: “Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội”(8), tức là hạ tầng cơ sở quyết định kiến trúc thượng tầng. Văn hóa bao gồm cả những giá trị vật chất và tinh thần, tuy nhiên khi nói đến văn hóa người ta thường nhấn mạnh đến khía cạnh tinh thần. Vì thế, văn hóa là một hình thái ý thức xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng và luôn chịu sự chi phối, tác động của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế, chính trị quyết định. Tuy nhiên văn hóa cũng có quy luật vận động, có đời sống riêng mà các loại hình ý thức xã hội khác không có được. Văn hóa không thể thoát ly, đứng ngoài cuộc sống. “Vǎn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(9).
Nhận thức rõ về vị trí của văn hóa, Đề cương xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ. Đảng cần phải làm tốt công tác văn hóa, bên cạnh nhiệm vụ làm cách mạng chính trị còn phải làm cách mạng văn hóa, loại bỏ những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, phản giá trị, phản tiến bộ để xây đời sống mới, văn hóa mới. Đồng thời, Đảng phải lãnh đạo được phong trào văn hóa nhằm gây tầm ảnh hưởng; đưa chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng thâm nhập vào đời sống của nhân dân.
Đảng lãnh đạo phong trào văn hóa, văn nghệ là vấn đề mang tính tất yếu chính trị nhằm đảm bảo tính định hướng trong sáng tác, tập hợp lực lượng, huy động sức sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện mục tiêu, sứ mệnh cao cả là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng lãnh đạo văn hóa là vấn đề mang tính nguyên tắc, nhằm đảm bảo tốt quyền lợi, trách nhiệm cũng như mang lại những cảm hứng dồi dào để người nghệ sĩ viết lên những tác phẩm lớn, có ý nghĩa và mang tầm thời đại.
Thực tiễn cách mạng và những thành tựu trong công cuộc đổi mới đã minh chứng sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định đến đường hướng phát triển của cách mạng kháng chiến, đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Về cơ chế trong xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, các nghị quyết của Đảng đều nhất quán khẳng định quan điểm: “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”(10).
VỀ TÍNH CHẤT, NGUYÊN TẮC VẬN ĐỘNG CỦA NỀN VĂN HÓA MỚI VIỆT NAM
Sau các phần “Đặt vấn đề”, giới thiệu khái quát về “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”, những “nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát - xít Nhật, Pháp”, Đề cương dành phần IV để bàn về vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam, đó là “một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”(11). Đề cương cũng nêu lên Ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam, đó là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta nhận thấy vai trò to lớn của mặt trận văn hóa. Ảnh sưu tầm Internet
Dân tộc hóa là làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.
Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động. Nó gạt ra khỏi đầu óc con người những loại thành kiến, hủ bại, mê tín, dị đoan.
Đại chúng hóa là văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra.
Ba nguyên tắc ngắn gọn, súc tích, vừa đề cập đến hiện trạng nền văn hóa dân tộc, vừa chỉ ra đường hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa mới. Đó là nền văn hóa được xây dựng từ sức sáng tạo bền bỉ của nhân dân; đó là nền văn hóa thuộc về nhân dân, do nhân dân là chủ thể sáng tạo, trao truyền và gìn giữ, phát huy. Nền văn hóa đó phải bám rễ vào cội nguồn lịch sử; không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng phong phú, giàu đẹp.
“Dân tộc, khoa học, đại chúng” – những thuật ngữ đã trở thành khẩu hiệu, mệnh lệnh trong suy nghĩ, hành động của mỗi người dân Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dân tộc, khoa học, đại chúng đã trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam – một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng vươn đến cái đẹp, cái ích, cái tiến bộ, văn minh.
Kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm của Đề cương về tính chất, nguyên tắc vận động của nền văn hóa mới, các nghị quyết của Đảng đều khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Ra đời cách đây gần một thế kỷ nhưng những quan điểm, nguyên tắc, chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng về văn hóa, văn nghệ đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tinh thần thời đại sâu sắc, thể hiện tư duy, tầm nhìn và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, cống hiến để vun đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc./.
TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh