NHỮNG GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, triển khai, thụ hưởng các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Gia đình là thiết chế quan trọng đảm bảo quy mô và chất lượng dân số thông qua chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục thể lực, trí lực, đạo đức, phẩm chất của nguồn nhân lực cũng như là thiết chế quan trọng đầu tư phát triển nguồn lực con người.
Văn kiện Đại hội XIII đặt ra nhiều mục tiêu cần quan tâm trong xây dựng gia đình và quan tâm tới các thành viên gia đình. Văn kiện nêu rõ việc thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi. Văn kiện nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại, qua đó xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư là văn bản chỉ đạo rất quan trọng về công tác gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị xác định gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Vì thế, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và gia đình, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam là rất quan trọng.
Ngày 21/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 15- BTGTW về triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, trong đó, xác định rõ hoạt động của gia đình là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong tổ chức thực hiện, Hướng dẫn 15 đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị có chức năng nghiên cứu, xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình. Phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Có thể khẳng định, Chỉ thị 06 ra đời đúng thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát triển con người toàn viện, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, tầm nhìn đến năm 2030 được Liên hiệp quốc thông qua ngày 25/9/2015, cũng đã nêu rõ cần đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm đầy đủ, hiệu quả, bền vững cho tất cả mọi người. Trong giai đoạn 2021-2030, phát triển xã hội bền vững về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm đầy đủ, đảm bảo công bằng, giảm bất bình đẳng xã hội, đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn… là những mục tiêu quan trọng Việt Nam xây dựng trong Kế hoạch thực hiện cụ thể để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững theo Quyết định số 622 của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5/2017. Hầu hết các mục tiêu đó đều đặt trọng tâm vào phát triển con người, trong đó, vai trò của xây dựng và vun đắp giá trị gia đình trong quá trình gia đình thụ hưởng, thực hiện và tác động đến các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, để đảm bảo công bằng và không ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển, các nhóm xã hội, nhóm gia đinh đặc thù cũng cần được quan tâm trong quá trình phát triển.
Các kết quả nghiên cứu gần đây về giá trị gia đình Việt Nam cho thấy, gia đình Việt Nam có xu hướng bảo lưu giá trị truyền thống như coi trọng hôn nhân, gia đình, coi trọng giá trị con cái, đề cao giá trị đạo đức, tình cảm gắn kết gia đình, gắn kết cộng đồng, phụ nữ đảm nhiệm chính việc chăm sóc và nội trợ, đề cao sự hiếu thảo - mặc dù có sự thay đổi về cách thức biểu hiện, nhất là nhóm có đặc điểm kinh tế xã hội như lớn tuổi, có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, là người dân tộc thiểu số, cư trú ở nông thôn, vùng kinh tế xã hội phát triển chậm hơn. Đồng thời, gia đình thể hiện xu hướng tiếp nhận các giá trị hiện đại của gia đình (bình đẳng giới, gia đình hạt nhân, tuổi kết hôn muộn hơn, có ít con, quan tâm giá trị tâm lý, tình cảm của gia đình), chấp nhận những hình thái hôn nhân, gia đình mới (độc thân, làm mẹ đơn thân, hôn nhân đồng giới, kết hôn với người nước ngoài), nhất là nhóm có đặc điểm hiện đại (trẻ tuổi, ở khu vực đô thị, mức sống cao, học vấn cao) và xu hướng tăng lên của chủ nghĩa cá nhân (ly hôn tăng). Các kết quả nghiên cứu cho thấy khác biệt giới khá rõ nét trong giá trị gia đình theo hướng phụ nữ tự định kiến và tự khắt khe với chính mình trong các tiêu chuẩn đạo đức trong hôn nhân và gia đình. Mặc dù có những khác biệt nhất định về những giá trị cụ thể của gia đình, nhìn chung, người dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của gia đình đối với cuộc sống cá nhân.
Với đặc điểm nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình đang được bảo lưu đậm nét ở các nhóm có mức độ hiện đại hóa muộn hơn, các chính sách xây dựng gia đình cần quan tâm để giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước. Đồng thời, với nhóm mang đặc điểm hiện đại, đặc biệt là nhóm trẻ đang có xu hướng theo những giá trị gia đình mới, việc truyền thông giáo dục về vai trò và ý nghĩa của hôn nhân, gia đình, con cái, cũng như cung cấp những kiến thức cần thiết về tình bạn, tình yêu, tình dục, sức khỏe sinh sản, luật hôn nhân gia đình, điều kiện kết hôn, lựa chọn bạn đời, quan hệ vợ chồng... trước, trong và sau hôn nhân cần đặc biệt chú ý để vừa phát huy sự tự do cá nhân, cởi mở trong quan niệm, vừa hạn chế được những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ có thể ảnh hưởng đến sự bền vững của thiết chế hôn nhân và gia đình.
Kinh tế thị trường, hiện đại hóa và toàn cầu hóa ảnh hưởng đến giá trị gia đình, vì nó tạo nên những chuyển biến về chất trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và cá nhân, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa. Với tốc độ hiện đại hóa nhanh gần đây, xã hội Việt Nam đã “cởi” bỏ được nhiều giá trị cũ lạc hậu và giải phóng tự do cá nhân trong hôn nhân và gia đình. Thay đổi cấu trúc dân số, gia đình như già hóa, di cư, kéo theo những thay đổi về quan hệ gia đình. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách hôn nhân và gia đình góp phần định hình nhiều giá trị gia đình mới qua việc ban hành các luật, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hội nhập quốc tế tạo nên những tiến bộ trong thực hiện bình đẳng giới và quyền phụ nữ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, giúp người dân tiếp cận và học hỏi những giá trị và quan điểm tiến bộ và hiện đại về bình đẳng giới. Ví dụ, không phân biệt con trai và con gái, tôn trọng phụ nữ, nam giới tham gia việc nhà và chăm sóc con... Hội nhập kinh tế góp phần đẩy mạnh nền kinh tế, qua đó, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, giúp phụ nữ ngày càng có sự độc lập về kinh tế và tự quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân.
Bối cảnh mới hiện nay như kỹ thuật số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, vv. đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới, “động” hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị, vv, tìm hiểu và thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào các quá trình phát triển xã hội bền vững, vì các mục tiêu và động lực phát triển hiện nay đều nhấn mạnh đến nhân tố phát triển con người, cũng chính là đảm bảo sự ổn định và phát triển của gia đình, nơi mỗi cá nhân con người của xã hội sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Với bối cảnh quốc tế và đất nước có nhiều thay đổi, đặc điểm gia đình cũng đang thay đổi mạnh, đòi hòi công tác gia đình trong tình hình mới phải có những đột phá.
Theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII, và Chỉ thị 06 CT/TW, trong xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời gian tới, ngoài các tiêu chí thế hiện đặc điểm các mối quan hệ trong gia đình như yêu thương, chia sẻ, tôn trọng, gắn kết, cần quan tâm xây dựng tiêu chí gia đình trong mối quan hệ với cộng đồng, quốc gia, dân tộc, gắn với bối cảnh kinh tế xã hội của đất nước. Căn cứ đặc điểm của gia đình Việt Nam, cũng như đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội hiện nay, bài viết đề xuất những nội hàm cụ thể các giá trị gia đình nên quan tâm xây dựng trong giai đoạn hiện nay là an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng, để đạt được mục tiêu bao trùm mà Đảng và Nhà nước đề ra, là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Xây dựng gia đình an toàn là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh có những nguy cơ cũ và mới cùng nảy sinh trong xã hội. Gia đình trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống an toàn để cá nhân được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành, không có bạo lực, xâm hại, xao lãng. Gia đình cũng cần là nơi mang đến an toàn về cảm xúc, là van an toàn giúp cân bằng tâm lý - tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống bằng tình yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và gắn kết. Gia đình đồng thời phải an toàn về khả năng phòng vệ, có khả năng chống chịu rủi ro và thách thức từ môi trường bên ngoài (như dịch bệnh, thiên tai, thảm họa) cũng như các tình huống bất ngờ. Đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội, trong đó trực tiếp là đời sống hôn nhân, gia đình của người dân Việt Nam. Trong khó khăn này, khả năng bền bỉ của gia đình trong bảo vệ các cá nhân về sức khoẻ, tâm lý và tài chính cho thấy chức năng phòng vệ như một lớp an sinh quan trọng, chia sẻ gánh nặng an sinh xã hội với nhà nước. Đồng thời, những hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách an sinh trực tiếp cho các thành viên gia đình như trợ cấp xã hội, lương, việc làm, xóa đói giảm nghèo hay các chính sách an sinh xã hội gián tiếp như dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế cần tiếp tục hoàn thiện, có tính bao phủ cao hơn.
Trách nhiệm của gia đình được thể hiện ở mỗi thành viên trong gia đình. Trách nhiệm trước hết là của từng thành viên trong tự tu dưỡng đạo đức, rèn luyện lối sống lành mạnh, rèn luyện kĩ năng, kiến thức, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, chuẩn bị cuộc sống tương lai để có khả năng tự chủ cuộc sống. Mỗi thành viên cũng cần có trách nhiệm với nhau trong chăm sóc và giáo dục trẻ em để đảm bảo sự bền vững của gia đình, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội; chăm sóc và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ bằng nhiều cách thức khác nhau phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh; yêu thương bạn đời để cùng xây dựng gia đình đạo đức, nền nếp, hòa thuận, đầm ấm. Gia đình cũng cần đảm bảo được trách nhiệm với xã hội bằng việc kết hôn và sinh con để hình thành khuôn mẫu gia đình điển hình, đảm bảo sự phát triển bền vững xã hội; cũng như tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng các quá trình kinh tế văn hóa xã hội. Xây dựng gia đình trách nhiệm là điều kiện để xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”.
Xây dựng gia đình thịnh vượng gắn liền với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh trong văn kiện đại hội XIII và là điều kiện quan trọng để có gia đình hạnh phúc, an toàn. Thịnh vượng của gia đình bao gồm các thành viên trong độ tuổi lao động cùng làm việc tạo thu nhập và quyết định chi tiêu, cải thiện điều kiện sống (nhà ở, tiện nghi, thụ hưởng cuộc sống). Khi gia đình đang chuyển từ chức năng sản xuất sang chức năng tiêu dùng, thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, việc xây dựng gia đình thịnh vượng là góp phần thúc đẩy động lực làm giàu, phát triển kinh tế hộ gia đình, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của gia đình trung lưu làm động lực phát triển xã hội.
Bình đẳng giới là một chỉ báo quan trọng của hiện đại hoá và tiến bộ trong gia đình. Bình đẳng giới trong gia đình theo hướng hai vợ chồng cùng tham gia đóng góp kinh tế, chi tiêu, quyết định các việc trong gia đình. Trong hôn nhân và gia đình, đã có những dấu hiệu đáng mừng đánh dấu sự thể hiện vai trò cùng làm chủ gia đình của người phụ nữ, bước đầu khẳng định sự tồn tại của bình đẳng giới trong gia đình, cho dù sự biến đổi này diễn ra chưa mạnh và đồng đều ở tất cả các loại hình công việc và các nhóm xã hội. Bình đẳng giới trong gia đình rõ nét hơn ở khu vực thành thị, ở nhóm dân cư có trình độ học vấn cao, ở những gia đình mà người vợ có đóng góp nhiều hơn (so với người chồng) vào kinh tế hộ gia đình. Phụ nữ, khác với nam giới, là phải đảm nhiệm trách nhiệm gia đình với các chuẩn mực xã hội và văn hóa liên quan đến việc làm mẹ, và phải xác định ưu tiên giữa “công việc” và “gia đình”, vì nó là hai không gian riêng biệt. Vì thế, hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được hạnh phúc, và tự thể hiện bản thân, đồng thời đóng góp tốt cho xã hội.
ĐỂ GIẢI QUYẾT TỐT CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH
Để giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện chính sách thì triển khai thực hiện hệ thống dịch vụ phù hợp với sự phát triển gia đình là cần thiết. Ở Việt Nam hiện nay, các dịch vụ này đã xuất hiện ở dạng lẻ tẻ, nhưng chưa có tính hệ thống, vì vậy ảnh hưởng của hệ thống các dịch vụ này đến sự phát triển gia đình còn hạn chế. Nhu cầu xã hội hiện nay đang đặt ra nhu cầu xây dựng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi (tập trung hoặc bán tập trung, tại cộng đống hoặc gia đình, nhà nước hoặc tư nhân) nhằm đáp ứng các nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ, tinh thần, tình cảm và giải trí phù hợp với hoàn cảnh của mỗi gia đình. Các dịch vụ hỗ trợ hôn nhân và gia đình (trước khi kết hôn, trong hôn nhân, và hậu hôn nhân), các dịch vụ hỗ trợ các hình thái hôn nhân và gia đinh mới, như hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mỗi bên nhằm xây dựng hôn nhân bình đẳng, tiến bộ là cần thiết. Những vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ vợ chồng cần được tư vấn bao gồm cả những vấn đề về tâm lý tình cảm, ứng xử vợ chồng, vấn đề về sức khỏe sinh sản và đời sống tình dục vợ chồng, vấn đề nuôi dạy con cái, vấn đề về pháp lý, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phát triển kinh tế gia đình, v.v..
Về vai trò giáo dục con cái trong gia đình, cách thức dạy dỗ của cha mẹ có thể góp phần hình thành quan niệm về sự phân công lao động theo giới của con cái trong gia đình. Sự phân biệt theo giới trong việc dạy dỗ con cái các công việc nhà sẽ khiến cho con cái cảm nhận được sự khác biệt giữa con trai và con gái hay các khuôn mẫu giới. Vì vậy, việc thay đổi định kiến, hay khuôn mẫu giới cần được bắt đầu từ chính các công việc nhà hằng ngày trong gia đình, từ sự dạy dỗ hay phân công công việc của cha mẹ dành cho con cái. Hỗ trợ, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trong việc giáo dục, định hướng lối sống phù hợp cho trẻ vị thành niên cũng như trong ứng xử giữa các thế hệ trong gia đình nhằm giảm thiểu bất đồng giữa các thế hệ trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống là cần thiết. Sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị và xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống cho trẻ em là quan trọng.
Vai trò kinh tế và các chức năng kinh tế của gia đình cần được quan tâm đặc biệt để tạo cơ hội công bằng cho mọi gia đình tham gia vào quá trình phát triển, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.Chỉ thị 06 xác định rõ coi gia đình là trọng tâm ưu tiên của các chính sách phát triển kinh tế xã hội. Gia đình là đơn vị phản ánh quan trọng nhất và cuối cùng về chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế, thông qua hoạt động sản xuất, tạo thu nhập, đào tạo và cung cấp nhân lực lao động, chi tiêu, đầu tư, tiết kiệm.
Trong hoạt động truyền thông, cần tuyên truyền, vận động về vai trò, ý nghĩa của hôn nhân và gia đình, về các giá trị gia đình tốt đẹp để định hướng giá trị xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng niềm tin, mong đợi và hành vi chuẩn mực trong hôn nhân và gia đình; gạn đục khơi trong, kiểm soát được những phản ánh thiên lệch về những lối sống hưởng thụ, cá nhân hay những mảng tiêu cực của gia đình để xây dựng được thiết chế gia đình ổn định, bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển xã hội bền vững./.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam