* Từ những chính sách phù hợp
Là một huyện niềm núi, biên giới phía tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp giáp với nước bạn Lào. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới đã phát huy những tiềm năng, thế mạnh, tập trung mọi nguồn lực để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện. Trong đó, Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020” là một minh chứng sinh động cho nỗ lực của địa phương. Để thực hiện đề án này hiệu quả, các đơn vị chức năng mà chủ đạo là phòng Văn hóa Thông tin đã chủ động và tích cực tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về những nét văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc anh em ở A Lưới, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu gây lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của nhân dân. Kết thúc giai đoạn 2014 - 2020 của Đề án, đã vận động cán bộ nhân dân trên địa bàn huyện hiến tặng trên 330 hiện vật, trong đó hiện vật chiến tranh 213, hiện vật văn hóa truyền thống 82 hiện vật được trưng bày tại 03 nhà trưng bày hiện vật A Biah, A So, Trung tâm SHVH các dân tộc thiểu số huyện. Cùng với đó, là việc khôi phục kiến trúc truyền thống của các dân tộc với mục tiêu tất cả các xã đều có nhà văn hóa truyền thống kết hợp với hiện đại (Moong, Roong, Gươl) để tập trung đầu tư bảo tồn không gian văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đã bảo tồn 09 nhà Roong truyền thống của dân tộc Tà Ôi, 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu, 04 nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô và có hơn 127 nhà vừa kết hợp kiểu kiến trúc truyền thống vừa hiện đại. Phục dựng thành công một số khu nhà Piing truyền thồng dân tộc Pa Cô, Cơ Tu. Tổ chức mở 09 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ tại các xã trên địa bàn huyện, 03 lớp truyền dạy nghề điêu khắc, 04 lớp truyền dạy nghề đan lát thủ công truyền thống. Triển khai có hiệu quả Đề tài “Phân loại, đánh giá giá trị và thí điểm trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể dân tộc thiểu số ở A Lưới” và Đề tài “Các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng, nhà sàn, nhà dài truyền thống” để tạo không gian bảo tồn và thực hành văn hóa của cộng đồng các dân tộc.
Nhà Cơ Tu truyền thống (xã Hồng Hạ)
Bên cạnh đó, huyện A Lưới thường xuyên quan tâm, củng cố và xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa, phát triển hệ thống thông tin đại chúng. Hệ thống thiết chế văn hóa về cơ bản được phủ khắp các xã, thị trấn với 140 nhà sinh hoạt cộng đồng, TTVH, NVH phục vụ hoạt động lễ hội, văn hóa và thể thao cho nhân dân. Nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa của vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, phát triển tạo ra những sản phẩm độc đáo như nghề đan lát thủ công truyền thống, nghề dệt dèng của người Tà Ôi.
Để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, A Lưới chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan. Huyện đã xây dựng nhiều phương án hỗ trợ phát triển du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình tại xã Hồng Kim, Hồng Hạ, A Roàng và Nhâm nhằm phát huy tiềm năng du lịch, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Huyện A Lưới đã xác định du lịch homestay phát triển góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người A Lưới.
* Đến hiệu quả từ giữ gìn các giá trị văn hóa
Với những chính sách được triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, bước đầu đã đem lại những kết quả quan trọng. Truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của từng dân tộc đã được bảo tồn khai thác, mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc được đẩy mạnh. Các lễ hội truyền thống tiêu biểu thường xuyên được duy trì khôi phục theo phong tục, tập quán của từng dân tộc như: Ariêu A Da, Ariêu Piing, Ariêu Car, cưới hỏi, mừng nhà mới... Khôi phục tổ chức trình diễn tắm suối và các nét sinh hoạt truyền thống dưới nước của đồng bào Pa Cô tại xã Hồng Kim, tái hiện thành công Lễ hội A Riêu Car sân khấu hóa truyền thống, lễ hội A Da lồng ghép nhân ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc 18/11 hàng năm.
Cùng với việc bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc, huyện A Lưới chú trọng việc bảo tồn gìn giữ các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện. Với 33 di tích lịch sử cách mạng, trong đó di tích đường Hồ Chí Minh đi qua A Lưới (chiều dài 100km) đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Với những nỗ lực của địa phương Nhà trưng bày kỷ vật chiến tranh tại 2 điểm A So và A Bia đã được xây dựng. Đây chính là những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Hoạt động tuyên truyền về văn hóa, du lịch gắn với xây dựng nếp sống văn minh du lịch luôn được đẩy mạnh, tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn biết trân trọng, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đã sưu tầm và phát hành sách “Truyện cổ Pa Cô”; thực hiện thành công Đề tài “Dịch chuyển lời 20 ca khúc viết về Đảng, Bác Hồ và ca ngợi quê hương A Lưới” từ lời Việt sang lời Pa Cô nhằm phát huy truyền thống văn hóa, cốt cách đồng bào các dân tộc, đưa văn hóa truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội. Sưu tầm, phát triển, tổ chức biểu diễn 15 thể loại dân ca, trên 16 dân nhạc, trên 12 dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới với hơn 60 nghệ nhân am hiểu về lĩnh vực văn hóa vật thể, 70 nghệ nhân lớn tuổi am hiểu về lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Các loại nhạc cụ dân tộc vẫn được sử dụng trong các buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa, văn nghệ.
Không chỉ gìn giữ và phát huy văn hóa vật thể và phi vật thể mà văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở A Lưới hiện nay đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy hiệu quả thông qua các dịp lễ hội, liên hoan ẩm thực cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch tại các làng du lịch cộng đồng.
Lễ hội A Da truyền thống
Hiệu quả từ những chính sách của chính quyền, sự đồng lòng hưởng ứng của người dân đã đem lại những kết quả bước đầu quan trọng. Cộng đồng các dân tộc ở A Lưới đã “tự hào” về những giá trị văn hóa mà chính họ là chủ thể gìn giữ, sáng tạo và được “khoe” nét đẹp văn hóa ấy với bạn bè muôn phương. Thông qua những ngày hội các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế hay góp mặt trong các Liên hoan nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật dân gian, các kỳ festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế và các hoạt động ngoại giao do Trung ương, tỉnh tổ chức. Trang phục thổ cẩm truyền thống của các dân tộc được sử dụng hằng ngày trong lao động, sản xuất, các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng. Dệt Zèng của người Tà Ôi, lễ hội A Riêu Koonh của người Pa Cô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sản phẩm Zèng A Lưới đã được các nhà thiết kế thời trang quan tâm, quảng bá rộng rãi đến các kinh đô thời trang thế giới ... Nét đẹp văn hóa từ nhưng bản làng vùng cao A Lưới đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong nước và quốc tế và từ những nét đẹp văn hóa ấy, lại gắn kết du khách khắp nơi đến với A Lưới.
Trong thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới và góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, huyện A Lưới tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp sau:
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng.
Chú trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn huyện về vai trò của giá trị văn hóa truyền thống, về bảo tồn, xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch. Đồng thời, tăng cường hoạt động xã hội hóa, nguồn lực đầu tư xây dựng và củng cố các thiết chế văn hoá; liên kết hợp tác để thực hiện có hiệu quả bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, biên soạn, quản lý lâu dài, số hóa và phổ biến các giá trị văn hóa phi vật thể và phi vật thể có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập thể, cá nhân, tổ chức, các hoạt động biễu diễn nghệ thuật truyền thống và truyền dạy nghề trên cơ sở khai thác, phổ biến nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ và tạo điều kiện về vật chất cho các đơn vị hoạt động văn hóa ở cơ sở.
Đề cao vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò then chốt trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa qua truyền dạy, bồi dưỡng và tập huấn, hội thi sáng tác, khuyến khích bằng tiếng dân tộc.
Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Để đảm bảo thành công cho giai đoạn 2 của đề án, huyện A Lưới cần triển khai những biện pháp quyết liệt và hiệu quả cùng với các địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, mục tiêu mà huyện A Lưới hướng đến là tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới thành ngành kinh tế mũi nhọn.