Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.093.517
Truy cập hiện tại 207
Phương đỉnh ở các lăng vua triều Nguyễn có gì đặc biệt?
Ngày cập nhật 29/06/2021

Phương đỉnh - cái đỉnh hình khối lập phương, là vật thường thấy ở khu vực điện thờ trong Đại nội hoặc các lăng tẩm vua triều Nguyễn ở Huế. Đây là vật dụng để đốt vàng mã mỗi dịp tết, giỗ.

Theo phong tục truyền thống của người Việt, mỗi dịp tết, giỗ thường đốt vàng mã. Việc thực hiện đốt vàng mã, hay lễ hóa vàng, dựa trên tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, với ý nghĩa nhằm cung cấp cho người đã khuất những vật dụng thường ngày (bằng giấy) để phục vụ cuộc sống nơi “thế giới” của họ. Ở các vùng nông thôn, làm lễ xong, người ta thường dùng chiếc chậu kim loại (gang, nhôm…) lót lá chuối để hóa vàng, một cách rất dân dã. Đấy là ở trong dân chúng, còn trong gia tộc các bậc vua chúa có đồ vật riêng dành cho công việc đó là phương đỉnh - những chiếc đỉnh hóa vàng.

Tham quan Đại nội hay các lăng tẩm vua triều Nguyễn ở thành phố Huế, du khách đều bắt gặp những chiếc đỉnh này ở các khu điện thờ. Đây là những chiếc đỉnh thường được đúc bằng gang, hình khối chữ nhật - nên còn được gọi là phương đỉnh.

Nét khác biệt của phương đỉnh ở lăng các vua triều Nguyễn
Phương đỉnh ở lăng vua Gia Long có điểm đặc biệt là chiếc duy nhất có đúc liền bộ mái che, trên nóc và các góc mái đều có đúc hình rồng. Bốn trụ đỡ mái đúc liền với thân đỉnh và có chạm trổ rồng - mây.
 
 
Các mặt của phương đỉnh lăng Gia Long đều có chạm trổ linh thú rồng - phượng vờn mây, khác với phương đỉnh ở các lăng khác thường chỉ có chạm trổ rồng phượng ở mặt trước và sau, bởi hai mặt bên đã bị hai quai choán gần hết diện tích. Các chân của phương đỉnh lăng vua Gia Long cũng đều được chạm trổ hình đầu rồng ở phía trên, và hình mây trên thân.
Phương đỉnh lăng vua Minh Mạng (Hiếu lăng) được đặt ở tầng cao nhất của sân triều lễ, phía ngoài Hiển Đức Môn của điện Sùng Ân, nơi thờ vua Minh Mạng và bà Tá Thiên Nhân hoàng hậu.
 

Hai quai của chiếc đỉnh gắn ở hai măt bên, được uốn cong vút sang hai phía ở đoạn cuối và được chạm trổ hoa văn suốt dọc thân quai. Chiếc đỉnh còn được trang trí thêm 4 chiếc cột chạm trổ hình mây, chạy dọc 4 góc bên ngoài của thân đỉnh. Viền bao quanh miệng đỉnh chạm trổ hoa văn, diềm phía đáy đỉnh chạm hình rồng vờn mây. Phần phía trên của 4 chân được chạm hình đầu lân.

 
 
Phương đỉnh ở lăng vua Thiệu Trị (Xương lăng) được chế tác và đặt ở vị trí gần như theo đúng khuôn mẫu ở lăng vua cha Minh Mạng. Phương đỉnh cũng được đặt ở tầng cao nhất của sân triều lễ, bên ngoài Hồng Trạch Môn của điện Biểu Đức, nơi thờ vua Thiệu Trị. Hình dáng, các hoa văn chạm trổ trên phương đỉnh ở Xương lăng cũng không khác với ở Hiếu lăng bao nhiêu.
 
 
 
Phương đỉnh Khiêm lăng được chế tác rất đơn giản, chỉ có chút hoa văn phía dưới 4 chân đế. Khác với phương đỉnh ở lăng ba vị tiên đế, phương đỉnh ở Khiêm lăng để trơn không có chạm khắc gì, chỉ có 4 đế chân có chạm hoa văn dây cuốn đơn giản – có lẽ là do ý của vua Tự Đức muốn làm đơn giản cho đúng tinh thần của chữ “Khiêm”. Phương đỉnh ở Khiêm lăng được đặt trong sân của điện Hòa Khiêm – nơi thờ vua Tự Đức – phía sau Khiêm Cung Môn.
Vua Dục Đức là vị vua có số phận bi thảm nhất triều Nguyễn, chỉ làm vua được 3 ngày, còn chưa kịp đặt niên hiệu, thì bị phế truất và chết đói trong ngục – ngay một đám tang cũng không được cử hành. Lăng mộ của ông (An lăng) về sau khá lâu mới được vua Thành Thái (là con của vua Dục Đức) cho xây dựng cũng khá đơn giản.
 
 
Phương đỉnh lăng vua Dục Đức khá đơn giản, không có quai, được đặt ở góc bên phải bức bình phong trước cửa điện Long Ân - khu vực tẩm điện của An lăng - cạnh một chiếc án xây bằng gạch được trang trí hình 4 cái chân bàn khá lạ mắt.
Lăng vua Khải Định (Ứng lăng) khác biệt ở sự pha trộn giữa các phong cách kiến trúc Đông - Tây, với các vật liệu chủ yếu bằng sắt thép, xi măng, sành sứ - khác hẳn với các lăng tẩm các vị vua Nguyễn khác.
 
 
Phương đỉnh ở Ứng lăng cũng khác phương đỉnh các lăng khác, nó không được làm bằng kim lại (gang hay đồng như những mơi khác) mà được làm từ xi măng. Các mặt và các chân của phương đỉnh được đắp hình rồng, mây, nhưng không có quai.
Dãi dầu với thời gian, những chiếc phương đỉnh ở các lăng vua Nguyễn đã trở nên đậm màu cổ kính. Từ một vật dụng phục vụ cho một phong tục truyền thống, những chiếc phương đỉnh này dường như đã trở thành một vật biểu tượng mang tính tượng trưng tại những nơi tôn nghiêm đó.

 

Minh Huy (https://vanhoahue.net)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.