Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.093.859
Truy cập hiện tại 223
Bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội trên địa bàn Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 28/02/2019
Lễ hội Đền Huyền Trân 2019

Cứ mỗi độ xuân về, trên khắp các miền quê xứ Huế người dân được sống trong không khí lễ hội. Không náo nhiệt như nhiều lễ hội ở khắp mọi miền quê khác trên cả nước, Huế vẫn có những lễ hội dân gian truyền thống thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về tham dự. Ở đó, nét đẹp lễ hội xa xưa vẫn được gìn giữ nhưng vẫn phát huy theo đúng tinh thần của cuộc sống đương đại.

Thừa Thiên Huế là một vùng đất có truyền thống văn hóa, tuy không lâu đời như ở miền Bắc, nhưng cũng có hơn 700 năm lịch sử. Từ khi chúa Nguyễn đặt thủ phủ tại đây cho đến khi nhà Nguyễn cáo chung (1945), có thể nói Huế là nơi hội tụ những con người hoạt động văn hóa có tầm cỡ, là nơi gặp gỡ của các luồng tư tưởng Đông Tây kim cổ. Văn hóa Huế có truyền thống từ Bắc tràn vào, theo những lưu dân lập nghiệp trên vùng đất mới. Tại đây còn tồn tại dân tộc Chăm với nền văn hóa Ấn Độ. Và sau này văn hóa phương Tây cũng có cơ hội thâm nhập vào từ thời các chúa Nguyễn. Các lễ hội truyền thống được duy trì, phát triển cũng từ những nguồn văn hóa ấy.
 
 
Lễ hội các loại là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa của con người Thừa Thiên Huế đã trở thành truyền thống. Thừa Thiên Huế được tôn vinh là thành phố của lễ hội, thành phố Festival của Việt Nam với trên 500 lễ hội, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại từ bao đời nay và gắn liền với những giá trị văn hóa của mỗi vùng đất. Đó là nguồn tài nguyên nuôi dưỡng và bồi đắp từ bao giai đoạn lịch sử, nay đang tiếp tục được “hồi sinh”, phục hồi, khai thác và phát huy giá trị. Hiện nay có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và hiện đại đã được các địa phương khôi phục và phát huy, bao gồm lễ hội cung đình Huế (tế Nam Giao, tế Đàn Xã Tắc, lễ Truyền Lô, lễ tế Văn Miếu...); các lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo (lễ Phật Đản, lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Quán Thế Âm...); lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, thành hoàng, lễ tưởng niệm các vị tổ sư làng nghề (Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội vật võ Làng Sình, vật võ Làng Thủ Lễ, đu tiên Phong Hiền, Lễ hội Làng Chuồn, Lễ hội đua ghe, lễ hội thả diều...) và nhiều lễ hội khác như lễ hội Đền Huyền Trân, Ngày hội Văn hóa Thể thao đồng bào các dân tộc miền núi, Lễ hội Lăng Cô huyền thoại biển, Lễ hội Thuận An biển gọi ....
 
 
Nhìn tổng quát về lễ hội và sự tham gia lễ hội của người dân, ta sẽ thấy lễ hội ở Thừa Thiên Huế tuy không phong phú như miền Bắc, nhưng cũng khá đa dạng, có hai loại lễ hội: lễ hội cung đình và lễ hội dân gian. Lễ hội cung đình phản ánh sinh hoạt lễ nghi của triều Nguyễn, phần lớn chỉ chú trọng về "lễ" hơn "hội". Lễ hội dân gian gồm nhiều loại rất phong phú, có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu như sau: lễ hội Huệ Nam (điện Hòn Chén) hay còn gọi là lễ rước sắc nữ thần Thiên Y A Na theo tín ngưỡng của người Chămpa xưa, lễ hội tưởng niệm các vị khai sinh các ngành nghề truyền thống, lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh thành lập làng,  mang đến cho người dân sự trải nghiệm, khám phá mới mẻ. Hầu hết lễ hội đều gắn liền với các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử danh thắng, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát huy nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống. Trong hoạt động lễ hội tín ngưỡng, các địa phương gắn liền nội dung lễ hội với các hình thức trò chơi dân gian, diễn xướng và đã giới thiệu được các sản phẩm truyền thống. Một số lễ hội tín ngưỡng truyền thống, như: lễ hội Đền Huyền Trân, lễ hội vật làng Sình, Thủ Lễ đã có những hình thức hoạt động “bổ trợ” như giới thiệu ẩm thực, triển lãm, trò chơi dân gian, trưng bày đồ thủ công, mỹ nghệ sản xuất theo kỹ thuật truyền thống của địa phương,… tạo phong phú và hấp dẫn cho người đi hội.
Sự phục hồi một số lễ hội dân gian truyền thống ở các làng xã Thừa Thiên Huế rõ ràng đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần của quần chúng đương đại, nhất là các lễ hội tưởng nhớ Thành hoàng, tổ sư nghề nghiệp. Đó là một cơ hội tốt để tăng thêm sự đoàn kết, bền vững của khối cộng đồng mà đình làng là địa điểm hội tụ mang nhiều ý nghĩa. Lễ hội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và mối giây nối kết thiêng liêng tình cảm con người về quê hương đất nước. Các thế hệ nam nữ, từ già đến trẻ đều náo nức, nhiệt tình, tự nguyện đóng góp công sức của mình cho ngày lễ hội truyền thống.  Tầng lớp thanh thiếu niên, qua lễ hội sẽ hiểu được phần nào nguồn gốc, sự ra đời và phát triển làng xã địa phương. Đây là dịp lý tưởng để thế hệ tương lai đối diện với quá khứ, là động lực nhắc nhở con người trong đời sống hiện tại đừng thờ ơ với công ơn của các thế hệ đã qua. Tạo ý thức kính trọng ông tổ khai canh tổ sư ngành nghề, là tạo môi trường để phát triển nhân cách và lòng nhân đạo trong mỗi con người đương đại, tạo cơ sở cho tinh thần dân chủ, bình đẳng phát huy mạnh mẽ trong xã hội hôm nay. Đồng thời với sự phục hồi lễ hội truyền thống, ý thức bảo tồn, tôn tạo cùng sự quan tâm đến các cơ sở kiến trúc văn hóa làng xã như: đình, chùa, miếu mạo cũng được đặt lại một cách đúng đắn. 
 
 
Bên cạnh những kết quả tích cực, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng đốt vàng mã tại các di tích còn phổ biến, một phần do một số du khách đến  hành lễ mang nhiều đồ mã, hàng mã. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Tình trạng ùn tắc giao thông,  lấn chiếm không gian di tích, mở hàng quán, dịch vụ lộn xộn .... Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về lễ hội tín ngưỡng đã được chính quyền các cấp  tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện các văn bản quản lý nhà nước của cấp trên về lĩnh vực này. Kế hoạch, nội dung, phương hướng và nhiệm vụ của công tác QLNN về lễ hội tín ngưỡng phù hợp với thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán tồn tại sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân, được người dân chấp nhận, ủng hộ và tạo điều kiện hợp tác để đem lại hiệu quả quản lý ngày càng cao.  Nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị nên các lễ hội đã tránh được nguy cơ thất truyền, biến hóa tiêu cực; phát huy giá trị đặc sắc của lễ hội trong hội nhập văn hóa. Các giá trị, bản sắc văn hóa Huế được tiếp tục duy trì và phát huy.  Các lễ hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên  Huế đã trở thành cầu nối quan trọng tạo sự liên kết cộng đồng, thúc đẩy văn hóa phát triển song hành với du lịch, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì thế, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay, việc kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc là cần thiết, song, ở nhiều nơi lại thiếu chọn lọc, và có xu hướng làm méo mó đi. Do đó, việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của lễ hội tiếp tục là một vấn đề cấp bách, nhằm bảo đảm cho lễ hội ngày càng thực sự là nhu cầu đời sống xã hội, sáng tạo và làm phong phú hơn những mô hình mới phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để lễ hội ngày càng hiệu quả, bảo đảm trật tự, tiết kiệm, phát huy tốt các giá trị văn hóa, góp phần khai thác tiềm năng kinh tế - văn hóa du lịch, đồng thời khơi dậy và tạo ra những tiềm năng kinh tế mới, trong đó cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau: 
Thứ nhất, tạo sự chuyển biến nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể các cấp về nội dung và ý nghĩa hoạt động lễ hội; chú trọng tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như những quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời chỉ đạo và uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, làm cho việc tổ chức lễ hội ngày càng văn minh, thực sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
Thứ hai,  cân nhắc, có kế hoạch chi tiết, cụ thể về mở lễ hội. Khai thác nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đóng góp cho việc giữ gìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lễ hội; khuyến khích các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nhất là kiều bào ta ở nước ngoài đầu tư, tôn tạo các di tích và tham gia hoạt động tổ chức lễ hội lớn để hướng đồng bào về với nguồn cội, tổ tiên. 
 Thứ ba, tiến hành rà soát, phân loại lễ hội, tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu để việc tổ chức lễ hội ngày càng khoa học, có ý nghĩa. Phục hồi những trò chơi/diễn dân gian truyền thống gắn với việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa mới, tổ dân phố văn hóa, bảo vệ công trình di tích lịch sử - văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường. 
 Thứ tư, đặc biệt coi trọng tính đặc thù, tính độc đáo riêng của mỗi loại hình lễ hội, tránh làm đồng loạt dẫn đến sự nhàm chán. Phải bằng mọi cách khôi phục, giữ lại nét riêng của mỗi lễ hội, gắn với truyền thống văn hóa của mỗi vùng, miền, khu vực.
Thứ năm, chú trọng bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và làm phong phú hơn các giá trị mới trong lễ hội là một vấn đề có ý nghĩa lâu dài. Khuyến khích những sáng tạo mới trên nền tảng truyền thống để luôn luôn có cái mới gắn với nhịp sống văn hóa của thời đại, từ hiện đại làm vững bền hơn truyền thống, làm cho lễ hội thêm sức sống mới, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân
Lễ hội truyền thống , không chỉ thỏa mãn những nhu cầu của con người trở về nguồn cội mà còn cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, cân bằng đời sống tâm linh,  đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Lễ hội còn là bảo tàng sống văn hóa cổ truyền của dân tộc, các giá trị của lễ hội cổ truyền ở Thừa Thiên Huế cần được khôi phục, phát huy, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong thời kỳ mới, phát triển kinh tế, du lịch và góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương.
Bài và ảnh: Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.