Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.094.172
Truy cập hiện tại 244
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng khán giả trong tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở.
Ngày cập nhật 03/11/2016

Trong những năm qua, hoạt động văn hóa văn nghệ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Với vai trò, vị trí của mình hoạt động văn hóa văn nghệ được xem là một công cụ đắc lực của ngành Văn hóa và Thể thao trong nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được, có một thực trạng đáng buồn là hiện nay lực lượng khán giả tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ đang ngày càng hạn chế, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu, nhiệm vụ của ngành.

Thực trạng khán giả tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở
       Phát huy ưu điểm của hoạt động văn hóa văn nghệ trong công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương, hiện nay, các Liên hoan hội thi hội diễn, các chương trình văn hóa văn nghệ, tuyên truyền lưu động đã được các đơn vị Trung tâm Văn hóa Thông tin, Nhà Văn hóa, Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã và thành phố quan tâm đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất, nội dung, chất lượng nghệ thuật và con người để tạo ra các chương trình tốt, nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là hình thức tuyên truyền có bề rộng, dễ áp dụng vì được chuẩn bị kỹ, tiến hành thận trọng, khoa học. Hình thức này tạo được không khí hồ hởi, phấn khởi trong quần chúng tham gia, qua đó công tác tuyên truyền sẽ đạt hiệu quả cao. 
 
 
Tiết mục tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2015
 
Tuy đã được đầu tư và tổ chức thực hiện chu đáo, chất lượng nghệ thuật cao nhưng lực lượng khán giả đến tham gia lại rất hạn chế. Đơn cử chương trình Liên hoan “Hát cho đồng bào tôi nghe” đạt giải nhất toàn đoàn tham gia Liên hoan ca khúc cách mạng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc tại Quảng Trị năm 2015 do Cục Văn hóa Cơ sở - Bộ VHTTDL tổ chức, nhằm phát huy hiệu quả của chương trình, Trung tâm Văn hóa Thông tin đã tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân ở cơ sở nhưng sự tham gia của người dân là rất hạn chế. Thực trạng của các chương trình tuyên truyền lưu động tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, dịch cúm gia cầm, ATGT, HIV/AISD... cũng không khả quan hơn. Đối với các liên hoan NTQC cấp tỉnh, liên hoan của các ngành như Phụ nữ, Công an, các đoàn thể cũng nằm trong tình trạng chung là diễn cho nhau xem.
 
 
Tiết mục Chầu văn tại Liên hoan Câu hò nối những dòng sông tại Thanh Hóa năm 2015
 
Một số liên hoan do Trung ương tổ chức hay là các triển lãm lớn với quy mô cấp tỉnh như: “Biên giới và Biển đảo Việt Nam”, “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” đơn vị tổ chức phải phối hợp điều động lực lượng từ các đơn vị vũ trang, HSSV trên địa bàn nhằm đảm bảo cho chương trình diễn ra đúng với ý nghĩa và quy mô của nó. Việc khán giả ngày càng ít quan tâm tới các hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin triển lãm gây nên sự lãng phí tiền bạc của Nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các chương trình, mục tiêu của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ chính trị tiếp tục khẳng định “Văn hóa, văn học, nghệ thuật là một trong những động lưc to lớn trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền dù vì mục tiêu nào đi chăng nữa đều nhắm đến cái đích là khán giả. Nếu không đến được khán giả thì không thể phát huy những giá trị và ý nghĩa của nó.
 
 

Tiết mục tham gia Liên hoan Ca khúc cách mạng tại Quảng Trị năm 2015

Khán giả - Vấn đề then chốt trong tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ

Khán giả - đối tượng thụ hưởng và cũng là đối tượng tiếp nhận thông tin tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng để các đơn vị tổ chức văn hóa có thể tồn tại và phát triển. Mọi hoạt động văn hóa văn nghệ, tuyên truyền lưu động, triển lãm đều nhắm đến cái đích là khán giả. Khán giả không những là cái đích cần hướng tới mà còn là công cụ để đạt được các mục tiêu của đơn vị tổ chức.
 
 
Tiết mục tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2015
 
Có thể thấy, dù mục tiêu của các đơn vị tổ chức văn hóa xây dựng đời sống văn hóa, gìn giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước hay nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ATGT, tiết kiệm năng lượng, H5N1, HIV/AISD… thì công tác khán giả là điều kiện tiên quyết. Ví dụ, tuyên truyền chủ trương của Nhà nước thông qua một chương trình nghệ thuật nhưng nếu không ai đến xem thì chắc chắn chủ trương không thể đến được với người dân. Tương tự như vậy, khi tổ chức triển lãm về chủ quyền biển, đảo Việt Nam chúng ta sẽ không chuyển tải, đưa đến các thông điệp cho khán giả các thông tin về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Biển, đảo trong sự phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong tình hình mới nếu không có khán giả.
 
 
Tiết mục phục vụ cơ sở của Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Thừa Thiên Huế
 
Trên thực tế, các hệ thống các Trung tâm văn hóa, Nhà Văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung đang lâm vào tình trạng “khủng hoảng khán giả”. Trước sự phát triển nhanh chóng của thông tin và truyền thông các loại hình công nghệ giải trí phát triển chóng mặt nên khán giả có nhiều sự lựa chọn loại hình giải trí mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến rạp hoặc các chương trình ngoài trời. Đó là một trong những khó khăn lớn nhất của hoạt động văn hóa văn nghệ trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, khi tổ chức các chương trình VHVN tại cơ sở, vấn đề đầu tiên các nhà tổ chức đặt ra đó là khán giả - yếu tố then chốt trong tổ chức các hoạt động. Chính vì vậy, để thực hiện tốt sứ mạng của mình về nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân, là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong gia đoạn mới, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy" thì việc đưa khán giả tham gia vào các hoạt động VHVN đang trở thành mối quan tâm đặc biệt trong lý luận và thực tiễn quản lý, tổ chức hoạt động VHVN hiện nay. 
 

Bà con nhân dân xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông đến xem chương trình TTLĐ tuyên truyền  NQ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Một số giải pháp phát triển khán giả cho các hoạt động văn hóa văn nghệ tại Thừa Thiên Huế.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống của người dân đi lên mọi mặt. Vì vậy, để có thể phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng, có lẽ cần hơn nữa những phương thức mới trong tổ chức hoạt động, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:
Sử dụng phương pháp thăm dò, tìm hiểu nhu cầu, khảo sát ý kiến để nắm bắt những đặc điểm của người dân về độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp, quan điểm, thái độ, sở thích, thị hiếu… đối với các hoạt động văn hóa văn nghệ để đáp ứng kịp thời và chính xác nhu cầu của nhân dân.
Kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tuyên truyền, xây dựng các chương trình gắn chặt với mục tiêu và nội dung tuyên truyền, phát huy ưu thế và cách biểu hiện đặc trưng văn hóa vùng, miền để chuyển tải sinh động, nhẹ nhàng đến quần chúng. 
 
 
Tiết mục tham gia Liên hoan NTQC tỉnh Thừa Thiên Huế của LĐLĐ thành phố Huế
 
Xây dựng các chương trình tổng  hợp, tạo ra những “sân chơi” cho từng nhóm quần chúng, trong đó biết kết hợp sinh động các loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật phù hợp vơi sở thích, tâm lý của từng loại đối tượng, đưa họ trở thành người làm chủ, người trong cuộc, trực tiếp tham gia sân chơi, không còn là người tiếp nhận thụ động, ngoài cuộc.
Nâng cao chất lượng khán giả thông qua hoạt động giáo dục về nghệ thuật, cung cấp những hiểu biết và kỹ năng cơ bản làm nền tảng cho năng lực cảm thụ nghệ thuật ở công chúng. Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình dễ dàng, phát huy hiệu quả sau một thời gian lâu dài, khó đo đếm một cách trực tiếp và chính xác. Nhưng về cơ bản đây là giải pháp hết sức quan trọng hình thành ý thức trong nhân dân việc tham gia các hoạt động cộng đồng.
 
 
Tiết mục tham gia Liên hoan NTQC tỉnh Thừa Thiên Huế thành phố Huế
 
Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho nhân dân khi tổ chức các hoạt đông văn hóa văn nghệ tại các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi; trong đó chú trọng công tác phối hợp giữa đơn vị tổ chức và địa phương trong công tác quảng bá, nội dung tuyên truyền để thu hút nhân dân tham gia.
Quan tâm đầu tư kinh phí hợp lý, chú trọng nhân tố con người trong tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ. Hàng năm, các đơn vị chức năng cần tổng kết thực tiễn hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.
Để tạo được sự kết hợp trên, có nhiều đòi hỏi đối với người làm công tác tư tưởng. Trước hết là sự am hiểu tường tận từng lĩnh vực trong cả sự thống nhất và tính đặc thù của chúng để từ đó hướng tới mục tiêu là giáo dục, xây đắp con người. Trong tổ chức, đòi hỏi khả năng phối hợp nhịp nhàng, đó là con đường phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần trong hoạt động văn hóa văn nghệ hiện nay.
 
 
Tiết mục tham gia Liên hoan NTQC tỉnh Thừa Thiên Huế của BCH Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế
 
Hoạt động văn hóa - văn nghệ không chỉ là định hướng chính trị cơ bản trong công tác văn hóa - văn nghệ trước cuộc đấu tranh tư tưởng - văn hóa đang diễn ra ngày càng gay gắt và phức tạp hiện nay, mà còn là một nhu cầu của chính văn hóa để tạo ra được các giá trị văn hóa theo đúng vai trò và chức năng nó đảm nhận trước xã hội. Để giải quyết tình trạng “khủng hoảng khán giả”, phát huy hiệu quả “công cụ” tuyên truyền trên đối với hoạt động chuyên môn của ngành, góp phần cổ vũ khí thế chính trị, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa, các đơn vị chức năng cần nghiên cứu và triển khai một cách sáng tạo hoạt động này để từng bước đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, là động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước.
Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.