* Những kết quả đạt được.
Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, để văn hóa thực sự là nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. với chức năng của mình, quán triệt chỉ đạo của Ngành VHTTDL, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực cố gắng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của ca Huế và dân ca Huế trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Để làm được điều này, việc bảo tồn, kế thừa, chọn lọc và phát huy có hiệu quả bản sắc, giá trị của dân ca Huế phải đi đôi với đấu tranh, bài trừ các loại hình, sản phẩm văn hóa lai căng, độc hại phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đây là việc làm cần thiết, không chỉ cho trước mắt mà còn mang ý nghĩa lâu dài với việc bảo tồn và phát huy giá trị của các làn điệu dân ca trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Trong những năm qua, Trung tâm Văn hóa Thông tin đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các kênh thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan bằng các băng rol, biểu ngữ được lồng ghép một cách hợp lý trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Trung tâm Văn hóa Thông tin đã chỉ đạo cho phòng chuyên môn phụ trách xây dựng kế hoạch, thống kê, sưu tầm các làn điệu dân ca, biên tập thành các tài liệu tham khảo để phục vụ cho cán bộ phụ trách văn hóa ở cơ sở. Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “lễ hội ăn cơm mới của đồng bảo Cơ Tu”, phát hành ấn phẩm “Sáng tác lời ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên”, công tác tập huấn cho mạng lưới cán bộ văn hóa của 152 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để trang bị các kiến thức cũng như phương pháp sử dụng ca Huế và dân ca Huế trong xây dựng các chương trình văn nghệ và công tác bảo tồn tại cơ sở.
Trung tân VHTT tỉnh đăng cai tổ chức Liên hoan Dân ca Bình Trị Thiên
Có thể khẳng định rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của ca Huế và dân ca Huế trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của Trung tâm Văn hóa Thông tin phát huy được tính hiệu quả và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân chính là việc tổ chức thành công các liên hoan, hội thi, hội diễn về dân ca. Hàng năm, định kỳ, Trung tâm Văn hóa Thông tin phối hợp với Phòng VHTT các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hoan Văn nghệ Câu lạc bộ các TTVH, NVH trên địa bàn toàn tỉnh, Liên hoan Làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa toàn tỉnh, Liên hoan dân ca Bình – Trị - Thiên …. Việc tổ chức thành công các hoạt động văn hóa văn nghệ có ý nghĩa nhiều mặt, đối với Trung tâm Văn hóa Thông tin, thông qua hoạt động này không chỉ quảng bá một cách chân thực những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương đến với khách du lịch, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; tìm kiếm và phát hiện những hạt nhân văn nghệ bổ sung cho phong trào hát dân ca ở cơ sở để có hướng đào tạo, bồi dưỡng; mở rộng phạm vi, cả về không gian diễn xướng lẫn đối tượng thụ hưởng. Đối với cơ sở, chính từ những liên hoan này đã tạo động lực thúc đẩy nhiều hoạt động ở cơ sở nhằm khôi phục, phát triển những giá trị nghệ thuật của ca Huế và dân ca Huế; hình thành nên phong trào hát và thưởng thức dân ca trong mỗi cộng đồng, góp phần tạo môi trường văn hóa cân bằng ở cơ sở trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay.
Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa thông tin khuyến khích và xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của ca Huế và dân Ca Huế thông qua việc thành lập các câu lạc bộ Ca Huế, CLB múa hát dân ca tại Trung tâm Văn hóa Thông tin cũng như hướng dẫn về mặt nghiệp vụ đối với cơ sở trong việc thành lập, tổ chức hoạt động của loại hình ca Huế và dân ca Huế trong hệ thống các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa trên địa bàn tỉnh…
* Hiệu quả bước đầu …
Với những chương trình, kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện ở cơ sở, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, sự đầu tư kinh phí có hiệu quả cho các hoạt động, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo đơn vị đã góp phần đưa các giá trị ca Huế và dân ca Huế về lại đúng vị trí vốn có ban đầu của nó. Hiệu quả mà các giá trị ca Huế và dân ca Huế được phát huy trong công tác xây dựng đời sống văn hóa đó chính là ý thức của người dân và cán bộ ở cơ sở về tầm quan trong của ca Huế và dân ca Huế trong đời sống văn hóa tinh thần của dân dân. Phát huy tính ưu việt của dân ca là dễ đi vào lòng người, Trung tâm Văn hóa thông tin, Phòng VHTT các huyện, thị xã và thành phố Huế trên cơ sở các làn điệu dân ca đặt lời mới cho các bài hát để phục vụ công tác tuyên truyền một cách có hiệu quả, như tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, an toàn giao thông, HIV/AISD, xây dựng nông thôn mới… Sự thay đổi trong phương thức sinh hoạt, nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa cổ truyền đã hình thành trong ý thức, nếp nghĩ của người dân. Với những kết quả bước đã góp phần đẩy mạnh phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời văn hóa”, phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội… làm cho đời sống nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều khởi sắc và đi vào chiều sâu.
* Một số giải pháp .
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của ca Huế và dân ca Huế theo hướng bền vững, là nền tảng liên kết các giá trị di sản khác nhằm làm sống lại các giá trị cốt lõi của dân tộc và tạo ra một dòng chảy xuyên suốt trong việc trao truyền văn hóa nói chung hay dân ca nói riêng, cần có những giải pháp phù hợp, để ca Huế và dân ca Huế sẽ sống mãi trong đời sống tinh thần của nhân dân, đó là:
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để thu hút nhân dân tham gia.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ để có nhiều chương trình, nhiều sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu của công chúng. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sỹ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống.
Quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, âm thanh, nhạc cụ, trong đó phát huy vai trò của các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa, Câu lạc bộ, khuyến khích, khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của ca Huế và dân ca Huế cần đẩy mạnh việc sáng tác lời mới. Hiện nay, những người viết lời mới cho ca Huế và dân ca Huế rất ít, vì thế ngành VHTTDL cần phối hợp với các ban ngành liên quan chú trọng công tác phát hiện đào tạo, bồi dưỡng những tác giả trẻ qua việc mở lớp sáng tác hay tổ chức thi sáng tác các làn điệu ca Huế và dân ca Huế, để các giá trị của dân ca mang hơi thở và nhịp sống đương đại.
Nâng cao chất lượng, quy mô của các liên hoan, đây sẽ là ngày hội của những người tri âm, tri kỷ qua tiếng đàn lời ca, là nơi gặp gỡ, giao lưu, biểu diễn, thưởng thức và tôn vinh ca Huế và dân ca Huế.
Thiết nghĩ, để các giá trị quý giá của các di sản văn hóa trong đó có dân ca và ca Huế bảo tồn và phát huy cần phải được gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đề cao vai trò của mỗi người dân, bởi tình yêu, sự tự hào về truyền thống dân tộc sẽ tạo động lực lưu giữ, nuôi dưỡng và phát triển trong cộng đồng, trong lớp lớp thế hệ về sau, chính là cốt lõi để các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc được giữ gìn và phát huy.