Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.093.550
Truy cập hiện tại 207
Nâng cao hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa
Ngày cập nhật 12/11/2014

 Thời gian qua, bên cạnh những hiệu quả tích cực mà các thiết chế mạng lại trong việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương, các thiết chế vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Cùng với sự phát triển của xã hội, các thiết chế văn hóa cũng ngày càng phát triển, hoàn thiện và tương đối ổn định; hoạt động có hiệu quả, phát huy được chức năng, nhiệm vụ, giữ vững định hướng chính trị trong hoạt động, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Thực tế cho thấy, công trình văn hóa - xã hội trọng điểm nào huy động được nhiều nguồn xã hội hóa và liên kết tổ chức đa dạng nhiều hoạt động văn hóa thì nơi đó khai thác hết được công năng sử dụng. Hiện ở Hà Nội, có rất nhiều công trình văn hóa “sống khỏe” và ngày càng phát triển nhờ liên kết các hoạt động văn hóa như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam... Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ năm 2003 đã phối hợp với Sở VHTTDL Hà Nội và một số địa phương tìm hiểu và khôi phục những trò chơi dân gian bằng cách đưa vào trình diễn, đua tài tại Bảo tàng. Từ đó đến nay, chương trình Vui xuân của Bảo tàng Dân tộc học luôn thu hút được đông đảo công chúng. Tết Quý Tỵ 2013, lần đầu tiên, Bảo tàng và Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật, ẩm thực… gắn với công cuộc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của địa phương đã thu hút được gần 20.000 người tham quan. Năm nay, Bảo tàng lại tiếp tục phối hợp với Sở VHTTDL Hà Tĩnh tái hiện những nét văn hóa dân gian đặc sắc của Hà Tĩnh như Hát dân ca ví dặm, xẩm thuốc bắc, hát sắc bùa, hát dân gian người Chứt, hát ca trù Cổ Đạm, trình diễn làm nón Ba Giang, dệt chiếu Nghèn, lẩy Kiều, thơ Kiều và thưởng thức hương vị ẩm thực Hà Tĩnh. Nhờ đổi mới cách làm, tăng cường các hoạt động liên kết gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, lượng khách đến Bảo tàng ngày càng đông. 

Tương tự, khoảng 5 năm trước, lượng khách tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không nhiều, nhưng nhờ đổi mới nội dung, chất lượng, hình ảnh của một bảo tàng giới để đem đến những trải nghiệm đặc biệt cho du khách, năm 2012, Bảo tàng này đã lọt vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á.

Hay Thư viện Hà Nội đã chủ động liên doanh, liên kết với các nhà xuất bản, câu lạc bộ, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, nói chuyện giới thiệu sách theo chuyên đề, giao lưu tác giả, tác phẩm, triển lãm sách, báo, tài liệu… nhằm quảng bá sách, khuyến khích, phát triển văn hóa đọc. Nhờ đó, người dân đến Thư viện ngày càng nhiều và Thư viện đã bước đầu tự chủ được một phần kinh phí. 

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả to lớn, thiết thực mà các thiết chế mang lại, vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Bảo tàng Hà Nội là một trong những ví dụ điển hình. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 53.000 m2 với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng nhưng trong thực tế, công trình văn hóa đồ sộ này hoạt động không hết công suất, chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng. Ðến nay, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thành phần trưng bày các chủ đề, chuyên đề, số lượng khách đến tham quan thưa thớt, hoạt động thất thường, rời rạc. Nếu sử dụng hết công suất, mỗi năm Bảo tàng phải chi phí cho công tác vận hành hơn 20 tỷ đồng, trong đó riêng tiền điện một tháng tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng, hiện Bảo tàng chưa thu được vé vào cửa, các hoạt động liên kết cũng chỉ mang tính chất hút khách đến tham quan là chính nên không thể đủ trả tiền điện chứ chưa nói tới việc tự nuôi sống. Khách quan mà nói, hiệu quả hoạt động của các công trình văn hóa - xã hội không thể tính được hết giá trị bằng các con số. Nhưng rõ ràng, để các đơn vị hoạt động hiệu quả thì trước hết cần nâng cao nhận thức về vai trò của các thiết chế văn hoá. Trên thực tế, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa chưa cao. Muốn thay đổi điều đó, lãnh đạo, chính quyền các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng các chương trình hành động cụ thể, tuyên truyền tới đông đảo nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế, văn hóa và chính trị đồng thời ý thức được rằng phát triển văn hóa là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, chú ý tính đặc thù ở từng vùng miền để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc. Từng bước sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý và chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc chuyên nghiệp hoá tất cả các bộ phận trong cơ cấu của một thiết chế văn hoá. Khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Chủ động tổ chức các loại hình văn hoá phù hợp để thu hút mọi lứa tuổi và các tầng lớp xã hội tham gia sinh hoạt văn hóa, coi mỗi thiết chế văn hoá là một địa chỉ thân thuộc, gắn bó với người dân. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá các cấp, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác với các tổ chức và các loại hình thiết chế văn hóa trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa. 

Thiết nghĩ, nếu có những chương trình liên kết nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô như múa rối Thăng Long, hát Trống quân Hà thành, hát Chèo Tàu, Xẩm Hà thành… cùng các món đặc sản bánh trôi làng Gạ, cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây, bánh giầy làng Kẻ, bánh tẻ làng So... để chúng gắn với đời sống chứ không chỉ nằm trong tủ kính, thì chắc chắn Bảo tàng Hà Nội sẽ thu hút được công chúng, sẽ phát huy được hiệu quả theo đúng nghĩa một thiết chế văn hóa. 

Theo Cinet.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.