Bộ ba sáng tạo đó, gồm:
1. Tác giả: Làm công việc biên kịch, người sáng tạo thứ nhất;
2. Đạo diễn: Người sáng tạo thứ hai, đưa tác phẩm văn học thành tác phẩm sân khấu. “Người này được coi mọi sự sáng tạo rồi sẽ chết trong lòng diễn viên” (Stanilapki);
3. Diễn viên: Người giữ vai trò trung tâm của nghệ thuật sân khấu, Người sáng tạo thứ ba, đưa sáng tạo thứ nhất, thứ hai tiếp cận với khán giả. Là người làm sống còn giá trị tác phẩm sân khấu.
Khán giả là người thưởng thức, cũng có thể coi là người chịu sự tiếp nhận nội dung của bộ ba sáng tạo nói trên, truyền đạt những ý nghĩa chính luận hoặc bi, hùng, hài của cuộc đời.
Bộ ba sáng tạo xin được nêu theo thứ tự sáng tạo trước sau:
I. Vấn đề tác phẩm của tác giả:
Để xác định nội dung của một kịch bản, người ta phải dựa trên ba yếu tố cơ bản của tác giả đề cập để tìm chọn.
1. Giá trị tư tưởng của tác phẩm:
Còn gọi là chủ đề tư tưởng của vở diễn, truyền đạt giáo dục, tuyên truyền thuyết phục vấn đề gì để mang lại những hiểu biết, nhận thức thẩm mỹ cần thiết đối với người xem. Có người còn gọi đó là “Bức điện khẩn”, đó là thông điệp đưa đến khán giả những triết lý cuộc đời. Đó cũng để giúp khán giả nâng cao nhận thức, hiểu biết những ý nghĩa chân – thiện – mỹ hiện thực của cuộc sống thông qua nghệ thuật biểu diễn.
2. Giá trị hiện thực của tác phẩm:
Nội dung vở diễn là những điển hình phổ biến có thực trong cuộc sống, được tuyển lựa, chắt lọc, đúc kết. Phần hư cấu chỉ để hợp lý hóa một cách lo – gic theo tính đặc thù của nghệ thuật sân khấu, không bịa đặt, tô vẽ, phóng đại trái với hiện thực cuộc sống. Thông qua giá trị hiện thực, tác phẩm phải giúp người xem rút ra những điều triết lý, những kinh nghiệm trong cuộc sống cuộc đời.
3. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm:
Đây là điều cực kỳ quan trọng để nhằm thỏa mãn chức năng giải trí đối với người xem. Nội dung tác phẩm mà tác giả đề cập đến phải mới lạ, hay, có nhiều yếu tố bất ngờ, thắt nút, mở nút. Các sự kiện xung đột của tác phẩm phải thõa mãn làm cho người xem phấn chấn, hồi hộp, thích thú. Giá trị nghệ thuật còn là yếu tố quan trọng để lôi kéo, giằng níu khán giả đến với nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu quần chúng phải là tiếng nói, nguyện vọng gần gũi với nhân dân.
Ba vấn đề trên, trách nhiệm ban đầu là của tác giả, phải quan tâm để thể hiện nội dung mục đích của mình. Bước đầu phải gây sự thích thú của đạo diễn và diễn viên khi đọc kịch bản.
II. Nghệ thuật đạo diễn (hay còn gọi là công tác đạo diễn)
Người đạo diễn được coi như một viên tổng chỉ huy trận đánh. Là người sáng tạo thứ hai đưa tác phẩm văn học kịch thành tác phẩm sân khấu. Cũng có thể nói: đưa ngôn ngữ văn học kịch thành ngôn ngữ hành động sân khấu, để biểu đạt nội dung tác phẩm kịch bản văn học tiếp cận người xem. Là người tổ chức, chỉ đạo xâu chuỗi hành động vở diễn. Đạo diễn có thẩm quyền quyết định sự sáng tạo phối hợp của các bộ môn nghệ thuật khác taaph trung cùng tham gia sáng tạo phục vụ chủ đề vở diễn mà yêu cầu của nhà hát, của đoàn nghệ thuật hoặc nhiệm vụ chính trị của địa phương đề ra. Điều đầu tiên của người đạo diễn sau khi đọc kịch bản phải phát hiện và tìm ra 2 vấn đề quan trọng:
a. Chủ đề tư tưởng tác phẩm:
Chủ đề tư tưởng tác phẩm có phù hợp với nhiệm vụ chính trị, xã hội đương thời hay không? Qua ý đồ đạo diễn, khán giả có rút ra được bài học kinh nghiệm bổ ích cho cuộc sống hay không? Đạo diễn cũng cần tính toán đến điều kiện các bộ môn nghệ thuật phối kết hợp khác có đảm tương tốt phần tham gia thể hiện vở diễn hay không, cũng không loại trừ nhu cầu thị hiếu khán giả có thích hợp hay không?
b. Nhiệm vụ tối cao của vở diễn:
Đây là sự sáng tạo của đạo diễn sau khi đọc xong kịch bản phải trả lời được câu hỏi: “Dàn dựng vở này, nhằm mục đích gì? Có phù hợp và cần thiết cho tình hình hiện nay hay không?”. Sau khi xác định xong, đạo diễn tiến hành đọc kịch bản cho diễn viên nghe, thăm dò thái độ của diễn viên, cần thiết lấy một vài ý kiến của diễn viên xem cảm thụ ban đầu có thống nhất với cảm thụ vở diễn của mình không?
Sau khi nghe tâm tư của diễn viên, người đạo diễn mới “mổ xẻ” tác phẩm. Có ý nghĩa phân tích chủ đề tư tưởng, nhiệm vụ tối cao, giá trị hiện thực, giá trị nghệ thuật… sau đó, đạo diễn giao kịch bản cho diễn viên tự nghiên cứu và đăng ký nhận vai, nếu vai diễn viên đảm nhận phù hợp với ý đồ đạo diễn thì càng tốt, nếu không thì đạo diễn phân vai. Sau khi được phân vai và xác định nhiệm vụ chính của nhân vật, diễn viên tự xây dựng lý lịch nhân vật đảm nhận gồm: tuổi tác, tích cách, hoàn cảnh, nhiệm vụ chính của vai diễn, lý tưởng, quan điểm …có gì chưa thông suốt thì cần trao đổi với đạo diễn để phân tích, xác định xâu chuổi hành động. Đây là phần việc làm trước khi cho thoại lời ghép vở. Bước vào dàn dựng, mới vận dụng các yếu tố kỹ thuật đạo diễn gồm:
- Xử lý không gian
- Xử lý thời gian
- Xử lý điều độ sân khấu
- Xử lý hình tượng sân khấu
- Xử lý không khí sân khấu
- Xử lý tiết tấu sân khấu
- Xử lý âm nhạc – xử lý tiếng nói, tiếng hat …
- Xử lý tiếng động – xử lý đạo cụ
- Xử lý âm thanh, ánh sang …
* Dàn dựng trải qua 3 bước:
- Dựng thô từng lớp.
- Chạy đường dây.
- Sơ duyệt
Sau khi trải qua 3 bước, đạo diễn làm việc với hội họa để định hình bài trí sân khấu, may sắm phục trang, phối hợp với nhạc sĩ để làm rõ nhạc tính cách, nhạc nền cũng như làm việc cụ thể với bộ phận tiếng động, bộ phận khói lửa (nếu có).
Khi hoàn thành các công việc trên thì tổ chức tổng duyệt và báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo.
III. Nghệ thuật diễn viên:
Diễn viên là trung tâm của sân khấu. Mọi sự sáng tạo của bộ môn nghệ thuật phối hợp đều tập trung hướng vào phục vụ cho sự sáng tạo của diễn viên thể hiện, hóa thân thành nhân vật. Yêu cầu người diễn viên trước khi lên sàn tập, sàn diễn phải hiểu được nhiệm vụ, tính cách của nhân vật mình đảm nhận; Phải phân biệt được đâu là tôi diễn viên, đâu là tôi nhân vật. Tốt nhất là phải nắm và hiểu được các kỷ thuật cơ bản của nghệ thuật diễn viên gồm:
- Cảm thụ
- Phán đoán
- Hành động sân khấu
- Giao lưu sân khấu
- Thích ứng sân khấu
- Liên hồi tưởng
- Tiếng nói sân khấu.
Tóm lại, để đua được một vở diễn tốt lên sân khấu, những người làm nghệ thuật cần phải tuân thủ theo quy trình và có những sáng tạo thực sự. Tuy chưa có điều kiện để phân tích sâu, lý giải kỹ về chức năng của nghệ thuật sân khấu, song hy vọng bài viết có thể giúp cho những người yêu thích nghệ thuật, các cán cán bộ phụ trách văn hóa ở cơ sở tham khảo trong quá trình tổ chức và xây dựng các chương trình liên hoan NTQC, văn nghệ tham khảo.