Với đặc điểm này, Bắc Giang rất coi trọng việc chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh xã hội hóa trong nhân dân để xây dựng các thiết chế văn hóa, đặc biệt là Nhà Văn hóa thôn, bản, khu phố. Trong những năm gần đây, phong trào xây dựng Nhà Văn hóa thôn, bản, cụm dân cư ở tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu được những kết quả hết sức phấn khởi. Theo điều tra mới nhất của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang tính đến tháng 9-2009, cả tỉnh có 1.846/2.455 Nhà Văn hóa làng, thôn, bản, cụm dân cư (trong đó có 1.293 Nhà Văn hóa không kiêm nhiệm, còn lại 553 Nhà Văn hóa kiêm nhiệm nhà trẻ hoặc mẫu giáo), chiếm tỷ lệ 70% số làng, bản, cụm dân cư có Nhà Văn hóa trong toàn tỉnh. Nhiều xã của Bắc Giang đã khép kín 100% thôn, bản, cụm dân cư có Nhà Văn hóa.
Hiện nay Nhà Văn hóa thôn, bản, cụm dân cư ở Bắc Giang đang được coi là một thiết chế văn hóa có nhiều tiện ích đối với cơ sở. Nhà Văn hóa vừa là nơi hội họp của chính quyền, đoàn thể, vừa là nơi diễn ra các hoạt động VHVN, thể thao; nơi phổ biến thời sự, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sáh pháp luật của Nhà nước; nơi chuyển giao KHKT, trưng bày tranh ảnh, sách báo, vui chơi giải trí; nơi diễn ra các hoạt động chính trị tập trung của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Từ năm 2000, Sở VHTT (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án “Xây dựng, củng cố và phát triển các hoạt động VHTT cơ sở giai đoạn 2000-2005”. Trên cơ sở phong trào xây dựng Nhà Văn hóa tự phát của quần chúng nhân dân, ngành VHTT đã kịp thời nắm bắt, sớm chỉ đạo, định hướng đối với các huyện, thành phố xây dựng thiết chế Nhà Văn hóa. Năm 2001, Trung tâm VHTT-TL tỉnh (cũ) đã tham mưu cho Sở VHTT ra văn bản “Quy định tạm thời về tổ chức hoạt động của Nhà Văn hóa thôn, bản, cụm dân cư”. Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và các nội dung hoạt động của Nhà Văn hóa. Hàng năm Sở VHTT đều tổ chức những cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo, giám đốc, trưởng phòng chuyên môn trực thuộc Sở, với lãnh đạo chủ chốt các huyện, thành phố để bàn về các lĩnh vực thuộc ngành VHTT phụ trách (trong đó có lĩnh vực xây dựng thiết chế Nhà Văn hóa cơ sở). Năm 2002, Bộ VHTT ban hành “Quy chế công nhận danh hiệu GĐVH, làng văn hóa, khu phố văn hóa, Sở VHTT là cơ quan Thường trực của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã tham mưu cho Ban chỉ đạo đưa thiết chế văn hóa thôn, bản, cụm dân cư trở thành một tiêu chuẩn cứng để xét công nhận danh hiệu làng, bản, khu phố văn hóa. Tiêu chí này đã gây một hiệu ứng tích cực, làm chuyển biến cả hệ thống chính trị. Các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các thôn, cụm dân cư đều coi đây là một mục tiêu phấn đấu. Nhiều huyện, thành phố đã có những chủ trương, kế hoạch, chính sách hỗ trợ việc xây dựng Nhà Văn hóa cho cơ sở. Huyện Lạng Giang, HĐND khóa 14 đã có Nghị quyết 05 về xây dựng Nhà Văn hóa, sân thể thao thôn, khu phố, theo đó UBND xã hỗ trợ 10 triệu đồng xây dựng Nhà Văn hóa làng, 5 triệu đồng xây dựng cổng làng. UBND TP Bắc Giang có chính sách hỗ trợ 1/3 tổng kinh phí cho những nơi xây dựng Nhà văn hóa. Các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Thế đều có chính sách hỗ trợ cho mỗi Nhà Văn hóa từ 25 đến 30 triệu đồng. Huyện Sơn Động hỗ trợ cho mỗi Nhà Văn hóa dân tộc 40 triệu đồng. Trung tâm Văn hóa tỉnh hàng năm hỗ trợ từ 2 đến 3 Nhà Văn hóa dân tộc, mỗi nhà từ 60 đến 90 triệu đồng và cung cấp trang thiết bị cho hàng trăm Nhà Văn hoâ thôn, cụm khác.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương đã đã chủ động phát huy các nguồn lực trong dân. Nhiều xã, thôn đã tự khai thác, tự tìm cách tạo nguồn kinh phí mà không ỷ lại, trông chờ sự tài trợ của Nhà nước. Rất nhiều thôn đã xây dựng Nhà Văn hóa với mức đầu tư từ 300 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng. Điển hình như Nhà Văn hóa thôn Minh Đạo - xã Tân An - huyện Yên Dũng kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng; thôn Thanh Lâm - xã Hoàng Lương - huyện Hiệp Hòa kinh phí xây dựng là 1,85 tỷ đồng; Nhà Văn hóa thôn Ngọc Sơn - xã Quỳnh Sơn - huyện Yên Dũng với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng; Nhà Văn hóa thôn Vàng - xã Bích Sơn - huyện Việt Yên kinh phí 1,2 tỷ đồng cùng rất nhiều Nhà Văn hóa xây dựng với kinh phí trên dưới 1 tỷ đồng. Để có được kinh phí xây dựng Nhà Văn hóa, chính quyền các thôn đã huy động bằng nhiều nguồn đóng góp khác nhau. Có gia đình, cá nhân đóng góp từ 10, 15 tới 50 triệu đồng, 100 triệu đồng để xây Nhà Văn hóa. Nơi thì kêu gọi con em ra ngoài làm ăn khấm khá gửi tiền về đóng góp cho quê hương, người đóng góp mẫu thiết kế, người đóng góp nguyên vật liệu, người đóng góp công sức. Đặc biệt có gia đình bác Đỗ Thanh Sơn khu phố 5 - thị trấn An Châu - huyện Sơn Động đã tự nguyện hiến đất của gia đình để xây Nhà Văn hóa cho nhân dân khu phố. Lại có nơi Nhà Văn hóa xây xong không có phông màn, bục bệ, bàn ghế thì các đoàn thể, các hội đứng ra cung tiến. Có thôn cho thuê ao hồ thả cá, thuê đất đóng gạch và huy động sự đóng góp của các CLB sinh hoạt trong các Nhà Văn hóa đa năng để lấy kinh phí hoạt động v.v… Mỗi nơi một kiểu, mỗi nhà một ít, “góp gió thành bão”, tạo nên nguồn lực góp phần thúc đẩy việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa của Bắc Giang ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Thực tế cho thấy, ở Bắc Giang nơi nào làm tốt công tác xã hội hóa, vận động quần chúng thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì thu được kết quả tốt. Một khi Nhà Văn hóa đã là mục tiêu, là động lực, được mọi người quan tâm, có trách nhiệm thì nó sẽ trở thành sức mạnh tổng hợp cả về trí lực, vật lực, làm cho hệ thống thiết chế Nhà Văn hóa không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên một số Nhà Văn hóa thôn, bản, cụm dân cư của Bắc Giang xây dựng bằng nguồn kinh phí của dân đóng góp nên cơ sở vật chất không đồng đều đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Nhiều Nhà Văn hóa xây dựng từ những năm 1980 đến năm 2000 diện tích quá nhỏ bé, hình thức cũ và chưa đẹp, lại không ở nơi trung tâm nên chỉ có thể dùng vào việc hội họp, chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động đa dạng của quần chúng.
Qua nhiều năm chỉ đạo phong trào xây dựng và tổ chức hoạt động thiết chế Nhà Văn hóa thôn, bản, cụm dân cư của Bắc Giang, chúng tôi có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất: Việc xây dựng Nhà Văn hóa làng, thôn, bản, cụm dân cư ở tỉnh Bắc Giang có được những kết quả như trên trước hết là thực hiện có hiệu quả Đề án của UBND tỉnh đã ban hành về “Xây dựng, cùng cố và phát triển các hoạt động VHTT cơ sở giai đoạn 2000-2005”; Đề án “Xã hội hóa các hoạt động văn hóa tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2010”, mà nòng cốt thúc đẩy là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Thứ hai: Những nơi phong trào xây dựng Nhà Văn hóa phát triển mạnh đều do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đã biết phát huy vai trò của quần chúng, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động được mọi nguồn lực trong dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra”, thu hút được các thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động văn hóa, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Những nơi công tác lãnh đạo, chỉ đạo yếu, coi nhẹ vai trò của văn hóa, không biết phát huy sức mạnh tập thể, thiếu phương pháp, biện pháp tập hợp quần chúng, ý thức trông chờ, ỷ lại, thiếu tính sáng tạo thì phong trào xây dựng Nhà Văn hóa kém phát triển.
Thứ ba: ở đâu phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hoạt động tốt thì phong trào xây dựng và hoạt động Nhà Văn hóa cũng tốt. Một khi Nhà Văn hóa đã được Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đưa thành một tiêu chí để xét duyệt, công nhận làng, bản, cụm dân cư văn hóa thì nó trở thành tiêu chí, kế hoạch phấn đấu của chi bộ Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thứ tư: Các đoàn thể, CLB, các nhóm sở thích là nòng cốt sinh hoạt của mỗi Nhà Văn hóa. Nơi nào được sự quan tâm của lãnh đạo, phong trào đoàn thể hoạt động tốt, các CLB, các nhóm sở thích được thành lập thì Nhà Văn hóa có nhiều nội dung và hình thức sinh hoạt phong phú. Nơi nào lãnh đạo thiếu sự quan tâm đến hoạt động văn hóa, các đoàn thể không được củng cố, phong trào chưa mạnh thì Nhà Văn hóa cũng hoạt động yếu, không có nội dung phong phú.
Thứ năm: Vai trò cán bộ văn hóa có một vị trí rất quan trọng đối với việc tổ chức của một Nhà Văn hóa. Địa phương nào có người phụ trách Nhà Văn hóa biết tổ chức, biết tập hợp lực lượng quần chúng, có tâm huyết với sự nghiệp văn hóa, gắn bó với phong trào ở cơ sở, lại được sự quan tâm động viên kịp thời của chính quyền thì Nhà Văn hóa luôn mở cửa, lôi cuốn mọi người đến tham gia sinh hoạt. Ngược lại, nơi nào người phụ trách không có năng lực, trình độ, không am hiểu lĩnh vực văn hóa - thể thao thì Nhà Văn hóa hoạt động kém và không có hiệu quả.