Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu và hội nhập quốc tế. Hằng ngày, mỗi người có thể tiếp nhận thông tin từ mọi phương trời trên thế giới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài… đặc biệt là qua Internet. Trái đất dường như nhỏ lại, không còn khoảng cách về không gian hay thời gian đối với việc tiếp cận thông tin. Tuy vậy, vai trò của thông tin miệng, qua lời nói trực tiếp giữa người với người không vì thế mà suy giảm đi. Nhất là những vấn đề tối mật, quan trọng, liên quan đến quốc gia đại sự.
Để tiến hành công tác tư tưởng, Đảng ta sử dụng nhiều kênh, nhiều công cụ và phương tiện tuyên truyền, như: hệ thống trường học; các phương tiện thông tin đại chúng; các thiết chế văn hóa - văn nghệ; hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên… Trong số các kênh trên, tuyên truyền miệng thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên luôn được Đảng ta xác định là công cụ quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách, truyền bá những quan điểm của Đảng, đưa tiếng nói của Đảng tới quần chúng nhân dân. Đặc biệt, trong giai đoạn ngày nay, khi các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với mức độ ngày càng tinh vi, quyết liệt hơn, thì cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, sự nghiệp đổi mới đất nước ngày càng được đặt ra cấp thiết. Và để tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh đó, người làm công tác tuyên truyền nói chung, báo cáo viên nói riêng, càng cần phải ra sức trao dồi kiến thức, kỹ năng nói trước công chúng.
Muốn nói tốt, nói hay, cái cần trước hết là phải có nội dung để nói. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khuyên “ Không biết rõ, hiểu rõ, chỉ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”[1]
Là báo cáo viên hay người được giao nhiệm vụ thuyết trình một vấn đề nào đó, trước hết chúng ta phải huy động mọi khả năng để chuẩn bị nội dung thật tốt: tìm kiếm tài liệu và tư liệu; nghiên cứu và phân tích tài liệu; đặt ra các tình huống, dự đoán người nghe sẽ hỏi lại những gì, như thế nào… có lúc, bắt gặp những tài liệu rất cần mà không có sẵn bút trong tay, chúng ta phải cố vắt óc để ghi nhớ.
Người nghe có thể rộng lượng đối với những hạn chế về khả năng diễn đạt, nhưng thường có đòi hỏi cao về nội dung, khó bỏ qua những lỗi lầm nếu người nói không nắm được những kiến thức phổ thông, cơ bản. Do vậy, tốt hơn hết, cái gì nắm chưa thật rõ, chúng ta chớ nên nói. Hoặc nếu cần phải dẫn lời một danh nhân nào đó mà không nhớ rõ, tốt hơn nên nói “ có người nói rằng” sẽ tốt hơn là “ lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Để nói tốt, nói hay, hoặc ít ra là nói đúng và trúng. Người báo cáo viên phải hết sức coi trọng tích lũy, trao dồi kiến thức. Đó là tích lũy, trao dồi không những về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận, sự am tường về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn là sự am hiểu về con người, hiểu biết về thực tiễn…
Tóm lại, phần nội dung là phần thông tin ta cần truyền tải tới người nghe. Đối tượng nghe ta nói bao giờ cũng chú ý tới lượng thông tin ta cung cấp cho họ. Do đó, thông tin ta cung cấp phải mới mẻ. Cái mới của nội dung tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe, gây được lòng tin trong công chúng, thuyết phục những người có quan điểm khác hoặc trái với quan điểm cần thuyết phục. Bên cạnh đó, nội dung bài nói của chúng ta cần phải đảm bảo sự chính xác, phong phú và bổ ích của thông tin đưa ra.
Ngày nay, những người làm công tác tư tưởng của Đảng đang phải gánh vác trọng trách vô cùng nặng nề nhưng đầy vinh quang, đưa những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới mấy chục triệu con người, phải đấu tranh chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, chống lại những kẻ lợi dụng lúc khó khăn của đất nước nhằm bài bác, chống lại mục tiêu, lý tưởng và chế độ xã hội chủ nghĩa mà dân tộc ta đã phải hy sinh bao máu xương mới giành lại được. Sự nghiệp đặt ra những đòi hỏi to lớn cả về phẩm chất và năng lực của những người làm công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, cổ động.
Tục ngữ có câu “ vạn sự khởi đầu nan”. Điều đó cũng đúng với mở đầu bài nói, nên nó vô cùng quan trọng. Mở đầu bài viết đã khó, mở đầu bài nói cũng không đơn giản chút nào. Không ít diễn giả bước lên bục giảng, lúng túng, hồi hộp, không biết mình phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Mở đầu tuy khó, nhưng không vì thế mà lại làm nó trở nên rắc rối và khó hơn. Càng không nên “ vòng vo tam quốc”, kính thưa, kính thưa quá nhiều, khiến buổi nói chuyện bắt đầu rất nặng nề, mất tự nhiên, gây thiện cảm không tốt cho người nghe.
Thông thường có 2 cách mở đầu bài nói. Một là đi thẳng vào vấn đề, giới thiệu trực tiếp chủ đề nội dung bài nói. Hai là, vào đề gián tiếp, là đưa ra một luận đề, một câu chuyện nào đó ( gắn với chủ đề bài nói) rồi dẫn dắt người nghe đến vấn đề báo cáo viên định nói. Cách vào đề gián tiếp có tác dụng kích thích và làm tăng sự chú ý của người nghe, nhưng khi thực hiện cần tránh sa đà, lạc nội dung, khiến người nghe sốt ruột, đôi khi còn làm cho người nghe khó chịu.
Lựa chọn mở đầu như thế nào, điều đó không chỉ phụ thuộc vào thói quen, sở trường của báo cáo viên, mà còn phụ thuộc vào đối tượng nghe, vào điều kiện thời gian… Nếu thời gian không có nhiều, mà lại nói quanh co, dài dòng thì không ổn chút nào. Nếu người nói còn trẻ mà đối tượng nghe là cán bộ về hưu, lão thành cách mạng, thì lời mở đầu cần phải thể hiện sự kính trọng. Nhưng cũng diễn giả đó, nếu nói trước tập thể thanh niên trẻ trung, sôi nổi mà “uốn lưỡi” nghi lễ, kính thưa nhiều, thì lại không thích hợp.
Việc lựa chọn cách mở đầu, kết thúc bài nói sao cho hấp dẫn, chính là làm cho bài nói gây thiện cảm tốt cho người nghe ngay từ ban đầu và tạo dư âm ngay cả khi kết thúc, còn phần nội dung bài nói chính là yếu tố quan trọng quyết định nhất tới sự thành công của bài nói. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khuyên “ nói phải cho gọn gàng, có đầu, có đuôi, có nội dung. Nói lung tung như nhiều cán bộ nói ở các cuộc mít tinh, nói rồi không biết nói gì. Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn, thì quần chúng thích hơn. Muốn nói phải chuẩn bị trước”[2]
Kết thúc bài nói cũng rất quan trọng, kết thúc sao cho hợp tình, hợp lý, để lại ấn tượng” của bài nói. Vì vậy, báo cáo viên có thể kết thúc bằng nhiều cách: có thể hệ thống toàn bộ bài nói một cách ngắn gọn, khái quát hoặc chốt lại những vấn đề cơ bản nhất của nội dung tuyên truyền.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng không nhỏ tới thành công của bài nói của diễn giả. Đó là nghệ thuật phô diễn, tức là phương pháp sử dụng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ trong trình bày bài nói.
Trước hết, đó là sử dụng yếu tố ngôn ngữ. Ở đây, diễn giả cần chú ý tới việc sử dụng ngữ âm, ngữ điệu, nhịp độ trong bài nói của mình. Cần phải biết nói to, nhấn mạnh chỗ nào. Chỗ nào cần phải nói nhanh, nói chậm…điều này tùy thuộc vào nội dung, vấn đề cần diễn đạt, nhưng nhìn chung cần phải duy trì vẻ dõng dạc, đĩnh đạc, tạo cho người nghe ấn tượng về sự sâu sắc, uyên bác của diễn giả.
Thứ hai, là sử dụng yếu tố phi ngôn ngữ. Đó là tư thế, hành động, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười… những hoạt động này cần hết sức linh hoạt, và phải được diễn tả phù hợp và ăn khớp với nội dung.
Cuối cùng là khả năng hài hước, hóm hỉnh của diễn giả. Tùy nội dung, vấn đề mà sử dụng sao cho phù hợp. Sự hài hước gây cười một cách tế nhị sẽ tạo ra không khí thoải mái, tạo cho người nghe cảm giác thích thú, không mệt mỏi.
Nói là cả một nghệ thuật, và nghệ thuật đó có vai trò to lớn trong đời sống xã hội, nhất là trong việc thực hiện các chức năng xã hội như tuyên truyền, cổ động…học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, trao dồi kiến thúc, tích lũy kinh nghiệm thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng nói và viết là điều quan trọng đối với mỗi cán bộ, báo cáo viên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động được Đảng giao cho. Trên đây là một số suy nghĩ ban đầu, còn rất nhiều điều cần thiết mà bài viết chưa đề cập tới, tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện thêm. Bởi nghề nói đòi hỏi sự trao dồi, tích lũy rất công phu.
Đinh Văn Bắc
Hội đồng khoa học cơ quan Đảng Trung ương