1. Công tác văn hoá thông tin ở cấp xã - Vị trí và tầm quan trọng
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ra Nghị quyết về "Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010" và Nghị quyết về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn", trong đó nêu rõ chủ trương của Đảng trong việc xây dựng đời sống văn hoá xã hội trong thời kỳ này là : "Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã văn hoá, phục hồi và phát triểnvăn hoá truyền thống, nâng cao chất lượng hiệu quả các thiết chế văn hoá thông tin, phát triển công tác thông tin đại chúng và các hoạt động văn hoá ..."
Nghị quyết đã nhấn mạnh : "Các cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi có tuyệt đại bộ phận nhân dân cư trú và sinh sống. Hệ thống chính trị cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư". Địa bàn cấp xã cũng là nơi trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị - văn hoá - xã hội nói chung của đất nước. Do đó, yêu cầu về tiêu chuẩn đối với cán bộ văn hoá thông tin trong giai đoạn mới cũng đã được quy định cụ thể cho phù hợp với ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. Ngày 10/10/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức, xã, phường, thị trấn trong đó quy định về chức danh, tiêu chuẩn, phục vụ, quyền lợi, chế độ chính sách quản lý cán bộ công chức xã, phường, thị trấn gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã.
Tiếp theo Chính phủ lại ban hành tiếp Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn trong đó quy định chung về chức danh, tiêu chuẩn, nghĩa vụ, quyền lợi của công chức và cán bộ cấp xã.
Cán bộ chuyên trách về văn hoá thông tin cơ sở là người trực tiếp tổ chức quản lý và hướng dẫn hoạt động văn hoá thông tin trên địa bàn cấp xã theo sự phân công chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và của ngành dọc cấp trên là Văn hoá Thông tin
2-Chức năng, nhiệm vụ cán bộ văn hoá thông tin cấp xã, phường, thị trấn
- Giúp Uỷ ban nhân dân trong việc thông tin tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, tình hình kinh tế - chính trị tại địa phương
- Giúp Uỷ ban nhân dân trong việc tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ, lễ hội truyền thống, bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh ở địa phương, điểm vui chơi giải trí và xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, ngăn chặn việc truyền bá tư tưởng phản động đồi trụy dưới hình thức văn hoá nghệ thuật và các tệ nạn xã hội khác ở địa phương.
- Giúp Uỷ ban nhân dân trong việc tổ chức vận động để xã hội hoá các nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, bảo vệ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các điểm vui chơi giải trí ở địa phương.
- Hướng dẫn, kiểm tra đối với tổ chức và công dân chấp hành pháp luật đang hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao.
- Lập chương trình, kế hoạch công tác văn hoá, văn nghệ thông tin tuyên truyền, thể dục thể thao, công tác lao động thương binh và xã hội trình UBND cấp xã và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã được duyệt.
Nhằm cụ thể hoá những Nghị định của Chính phủ về cán bộ công chức cấp xã, ngày 16/1/2004 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quy định kèm theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/1/2004 về tiêu chuẩn đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn.
3- Yêu cầu cơ bản đối với tiêu chuẩn công chức văn hoá thông tin cấp xã, phường, thị trấn
- Độ tuổi không quá 35 khi được tuyển dụng lần đầu đầu.
- Học vấn : Tốt nghiệp Trung học phổ thông đối với khu vực đồng bằng và đô thị, tốt nghiệp Trung học cơ sở trở lên đối với khu vực miền núi.
- Được bồi dưỡng lý luận chính trị
- Đạt Trung cấp về văn hoá nghệ thuật
- Được đào tạo, bồi dưỡng để có trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất định về tổ chức quản lý và hoạt động thông tin cơ sở.
- Có lập trường quan điểm chính trị rõ ràng, bám sát các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác văn hoá.
- Có nhiệt tình với phong trào, có khả năng tổ chức các hoạt động văn hoá thông tin ở địa bàn trong đó có phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng.
- Hiểu biết và nắm vững hệ thống văn bản pháp quy của ngành văn hoá thông tin, nắm vững những nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của địa phương để kịp thời tổ chức các hoạt động văn hoá thông tin. Đồng thời cần am hiểu sâu truyền thống văn hoá, phong tục tập quán ở địa phương
- Tham mưu cho lãnh đạo UBND cấp xã để kịp thời ra các quyết định phù hợp với việc quản lý, hướng dẫn tổ chức xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương, đặc biệt là thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"
- Người làm công tác văn hoá thông tin ở cấp xã, phường còn cần phải biết xây dựng và lập kế hoạch hoạt động văn hoá thông tin ở cơ sở gắn với các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cũng như các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan như : Y tế, Giáo dục, Lao động Thương binh - xã hội, Dân số KHHGĐ, ... Vì những nội dung hoạt động văn hoá thông tin cơ sở phải gắn với các nhiệm vụ chính trị- kinh tế - xã hội cụ thể.