Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.093.500
Truy cập hiện tại 212
Độc đáo lễ hội Cầu Ngư truyền thống làng văn hóa Thai Dương
Ngày cập nhật 22/02/2023

Lễ hội cầu Ngư diễn ra vào ngày 2/2 (tức 12 tháng Giêng âm lịch), tại làng Thai Dương, phường Thuận An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây cũng là lễ hội cầu ngư lớn nhất cố đô Huế với lịch sử hơn 500 năm, với ý nghĩa tưởng nhớ tiền nhân có công lập làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi gặp nhiều may mắn.

Theo phong tục “tam niên đáo lệ” (ba năm một lần tổ chức hội lớn) vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu, lễ hội cầu ngư làng Thai Dương năm nay đã diễn ra trong không khí vui tươi, sôi động, bởi ba năm trước đó lễ hội truyền thống này không thể tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19.
Lễ hội Cầu ngư là hoạt động văn hóa – tâm linh đặc trưng của cộng đồng cư dân miền biển. Với lịch sử hình thành hơn 500, làng Thai Dương tổ chức lễ hội để suy tôn Thành Hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá, có công dạy cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành.
 
 
 
Thai Dương là ngôi làng bốn bề giáp biển và phá Tam Giang, quanh năm người dân sống dựa vào nghề biển và đầm phá, từ mờ sáng, người dân và du khách đã tham gia phần hội với điểm nhấn là trò “trên bờ, dưới nước”. Bằng hình thức hoạt cảnh dân gian, qua trang phục ngư phủ, tôm cá tái hiện cảnh ra quân bủa lưới, tiểu thương quanh gánh về phiên chợ. 
Theo phong tục truyền thống, từ chiều 11 tháng Giêng đã bắt đầu lễ cúng tế như lễ cung nghinh, túc yết, cầu an, chánh tế, tưởng niệm; các hoạt động múa hát truyền thống cầu ngư, múa lân, ca Huế - hát múa phước lộc thọ, các chương trình nghệ thuật sắc Xuân; rạng sáng 12 tháng Giêng (0h30) tổ chức lễ cầu an. Tất cả các chủ thuyền mặc áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ chỉnh tề lần lượt vào làm lễ. Trước lúc vào lễ chánh tế, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, biển lặng...
Đặc biệt, lễ Cầu ngư không chỉ cầu ở đình làng, mà hầu như các nhà trong làng đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng để cầu mưa thuận gió hòa, một năm bình an, tôm cá đầy ghe, mùa màng tươi tốt, mua may bán đắt. Trên mỗi tàu, thuyền tại lễ hội đều chăng đèn kết hoa. Đến 4h ngày 12 tháng Giêng chính thức diễn ra lễ chánh tế, một bài văn tế dâng lên các vị thần linh và tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, mọi người hạnh phúc.
Cụ Nguyễn Văn Mai, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương cho biết, lễ hội truyền thống cầu ngư của làng có lịch sử hàng trăm năm, được tổ chức ba năm một lần và hiện trở thành lễ hội đầu năm lớn nhất của ngư dân ven biển Thừa Thiên - Huế. Ban Tổ chức mong muốn, ngư dân có một năm hoạt động trên biển bội thu, sản phẩm đánh bắt đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu để nâng cao giá trị; đồng thời người dân chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, góp phần vào nỗ lực chung để sớm tháo gỡ Thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu.
Với lịch sử tồn tại hàng trăm năm, lễ hội cầu ngư làng Thái Dương được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những lễ hội quy mô, độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, được tái hiện tại làng văn hóa Thai Dương -  là một trong 20 thắng cảnh được vua Thiệu Trị công nhận với nhiều giá trị văn hóa độc đáo. 
 
 
Thông qua lễ hội Cầu ngư - là nơi cố kết cộng đồng, tinh thần hòa hợp và niềm tin tâm linh gắn với tín ngưỡng của ngư dân miền biển, nơi biểu hiện mạnh mẽ với ý thức về tinh thần đoàn kết, để mọi người trong cộng đồng hướng về cội nguồn lịch sử, văn hóa truyền thống, tổ tiên, tưởng nhớ công ơn những người đã có công khai phá đất đai, lập làng, truyền nghề. Đồng thời, góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, là nơi để những người cùng chung ngành nghề, sinh kế có dịp gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong nghề nghiệp, củng cố tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, gặp bất trắc khi đang lao động trên biển và chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, thể hiện vai trò giáo dục về nhân cách, đạo đức, tâm hồn và truyền thống văn hóa dân tộc.
             Trong khuôn khổ lễ hội, trên phá Tam Giang đã diễn ra cuộc đua trải truyền thống đầy gay cấn và sôi động. Ngay sau Lễ hội Cầu ngư, các đội thuyền đánh cá của Thuận An đã làm lễ xuất quân đánh bắt vụ Nam, cầu mong một mùa vụ thành công thắng lợi.
 
Bài và ảnh Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.