Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.093.045
Truy cập hiện tại 167
Những khó khăn trong triển khai, tổ chức các hoạt động văn hóa ở các nhà văn hóa cấp xã trên địa bàn huyện Phú Vang
Ngày cập nhật 20/12/2022

Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích hơn 235km2, dân số hơn 116.000 người, huyện có 13 xã và 01 thị trấn, 80 thôn, tổ dân phố. Trong những năm qua, ngoài những bước phát triển khá cơ bản trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì lĩnh vực văn hóa xã hội cũng có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện. 

Trong đó, hệ thống các Nhà văn hóa cấp xã của huyện bước đầu đã được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng được các yêu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của nhân dân; đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương trong huyện, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, toàn huyện có 12 Nhà văn hóa cấp xã. Trong những năm qua, được sự lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, sự tích cực, chủ động của Phòng VHTT huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn nên hoạt động của các Nhà văn hóa cấp xã có chuyển biến tích cực. Nội dung hoạt động ở các nhà văn hóa cấp xã từng bước đi vào nề nếp, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, gắn bó thiết thực với cộng đồng khu dân cư. Nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố là nơi tổ chức các hoạt động hội thi, liên hoan văn hóa văn nghệ, hội nghị, sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội nhóm, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Có thể nói rằng hệ thống Nhà Văn hóa xã, thôn, tổ dân phố đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thực hiện thắng lợi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Nhà Văn hóa thôn Mong A, xã Vinh Thái, huyện Phú Vang 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi đó, việc triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa tại hệ thống các nhà văn hóa cấp xã, nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể: 
 Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện mới chỉ có 12/14 xã, thị trấn có Nhà văn hóa, chưa đạt tỉ lệ 100%. Các Nhà văn hóa hầu hết chưa phát huy hết công năng sử dụng dẫn đến việc xuống cấp do không thường xuyên sử dụng, tốn kém trong duy tu bảo dưỡng; bên cạnh đó cơ sở vật chất, trang thiết bị của các Nhà văn hóa chưa được quan tâm đầu tư, mua sắm, còn rất thiếu thốn. Việc xây dựng và vận hành các Nhà văn hóa mới chỉ đáp ứng được phần hình thức. Nội dung hoạt động của các nhà văn hóa và công tác quản lý, vận hành thiết chế này hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; thể hiện qua tình trạng nhiều nhà văn hóa ở cơ sở đang tồn tại một cách lắt lay, hoạt động đơn điệu, nghèo nàn. Chưa có cơ chế, chính sách trong vận động xã hội hóa để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị nên chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước là chính. Trong khi ngân sách của huyện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Các Nhà văn hóa thường bố trí đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa ở các xã, thị trấn quản lý, trong khi số lượng mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều công việc; bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ phụ trách thiếu, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa vẫn còn đang tồn tại, chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương gặp khó khăn trong quy hoạch quỹ đất, vốn đầu tư, nguồn nhân lực quản lý cơ sở vật chất văn hóa để tổ chức khai thác các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tại các Nhà văn hóa xã. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về phát triển văn hóa chưa đầy đủ, vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chưa cao; sự giúp sức của các ngành, đoàn thể theo cơ chế lồng ghép, phối hợp hoạt động chưa hiệu quả.Chủ yếu vẫn còn giao khoán cho ngành văn hóa. Công tác tuyên truyền, vận động còn yếu, chưa phát huy hiệu quả cao nhất, chưa khơi dậy được ý thức tự nguyện, tự giác của người dân trong xây dựng nền văn hóa địa phương, cũng như góp phần vào những hoạt động của Nhà văn hóa cấp xã. 
Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, tồn tại trên chủ yếu xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vai trò của văn hóa của một số cấp ủy, chính quyền và cả một bộ phận nhân dân; Bên cạnh đó là sự hạn chế về kinh phí khi chưa có nguồn để bố trí cho hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động của các Nhà văn hóa nói riêng; Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như năng lực, trình độ của cán bộ, đặc điểm lịch sử, điều kiện kinh tế của người dân chưa cao, thời tiết, khí hậu… cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các Nhà văn hóa này.  
Những nhóm giải pháp:
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các Nhà văn hóa cấp xã; Đổi mới cơ chế, chính sách, tập trung vào các nhóm chính sách về quy hoạch và sử dụng đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao; chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách, về tổ chức hoạt động, quy chế đối với hoạt động của các Nhà văn hóa.
2. Quy hoạch, sắp xếp lại và đảm bảo chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ tham gia quản lý, vận hành hoạt động của các Nhà văn hóa cấp xã;  Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng nguồn nhân lực; xây dựng tiêu chí cho từng nội dung công việc. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hiện có.
3. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Nhà văn hóa gắn với nhu cầu người dân; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống Nhà văn hóa cấp xã gắn với phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Nâng cao chất lượng các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa thể thao, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, xây dựng và phát triển hệ thống các câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở.
4. Đầu tư có trọng điểm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Nhà văn hóa để đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục, thể thao của người dân; Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở. Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các đoàn thể, Nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống Nhà văn hóa.
5. Rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho Nhà văn hóa với các địa phương chưa có Nhà văn hóa. Ưu tiên bố trí quỹ đất có vị trí thuận lợi và quy mô phù hợp để xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm vùng, miền; Huy động các tổ chức xã hội, Nhân dân hiến đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là ở thôn, xóm, tổ dân phố.
Một số đề xuất, kiến nghị như sau:
- Sở VHTT, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cần tăng cường hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cấp xã với các hình thức phù hợp, thiết thực như: mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp tài liệu, tăng cường công tác trao đổi, phối hợp...
- Thường xuyên tổ chức luân phiên các cuộc hội thi, hội diễn, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn cấp xã trên địa bàn nhằm khơi dậy phong trào tại địa phương và khu vực. Qua đó có thêm kinh nghiệm quản lý, kỹ năng chuyên môn, lựa chọn được mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp nhất với điều kiện của địa phương.
- Tăng cường đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa, TDTT từ huyện đến cơ sở; đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất thể thao trường học theo quy chuẩn của quốc gia.
- Hỗ trợ kinh phí, chủ trương xây dựng Nhà văn hóa, Nhà thi đấu đa năng, bể bơi và một số thiết chế văn hóa, thể thao khác của huyện Phú Vang./.
 
Bài và ảnh Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.