* Đưa các giá trị truyền thống đi vào cuộc sống.
Huyện Nam Đông đã tổ chức sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn các loại văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc bản địa; xây dựng các mô hình làng, bản, thôn văn hóa truyền thống; tổ chức liên hoan gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa. Chú trọng phân loại các loại hình di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu như nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc), đã đạt được những kết quả bước đầu như mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, các điệu múa truyền thống và sưu tầm hiện vật của người Cơ tu ở 6 xã định canh định cư để phục vụ cho việc tham quan, học tập và nghiên cứu tại nhà văn hóa dân tộc huyện, phục dựng lại 3 nhà Gươi của người Cơ tu trên địa bàn huyện; Những phong tục, tập quán, điệu nhạc, lời ca của đồng bào dân tộc Cơ tu như: Hát lý, nói lý, điệu múa Tântung-Zazã, đánh cồng chiêng, mừng lúa mới, vào nhà mới, Bhơnooch, Babooch, Cha chấp, Kalới… đã tạo nên bức tranh phong phú, sinh động, đa dạng về văn hoá, làm say đắm lòng người. Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu thực sự là động lực quan trọng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hàng năm, các đội văn nghệ truyền thống của huyện tham gia biểu diễn, giao lưu văn hoá - nghệ thuật truyền thống của các dân tộc tại tỉnh và ngoài tỉnh; Tổ chức luân phiên ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế 2 năm một lần giữa Nam Đông và A Lưới, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hát dân ca, điệu múa, thi trang phục đẹp của dân tộc Cơ tu; tổ chức các lễ hội tiêu biểu và dàn dựng, biểu diễn các điệu hát - múa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc.
Hiện nay, nhu cầu phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ, là món ăn tinh thần không thể thiếu, tạo sức lan tỏa trong từng địa phương cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân nhân tham gia, nhất là tại các xã định canh định cư diễn ra sôi nổi, nhiều câu lạc bộ được thành lập mang tính chất tự phát ra đời, thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ trong mỗi hoạt động lễ hội của huyện như: Đại hội Đảng, Mừng Đảng mừng Xuân, ngày hội Văn hóa, Văn nghệ, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, liên hoan văn nghệ quần chúng toàn tỉnh và biểu diễn, quảng bá các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người dân tộc Cơ Tu tại Phố đêm Hoàng Thành Huế và một số hoạt động khác trên địa bàn toàn huyện. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ được các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy quan tâm, chú trọng, thường xuyên chỉ đạo, định hướng kịp thời. Qua đó, đã giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của người dân đồng bào dân tộc Cơ Tu đến với mọi người và cũng là cơ hội để người dân có thể tiếp cận nhiều hơn các loại hình văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dựa vào tiềm năng lợi thế nét văn hóa riêng của từng xã, Phòng VHTT, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao luôn chú ý khai thác vào bản sắc của từng địa phương. Nhờ làm tốt công tác này, đến nay phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở nói riêng và huyện nói chung đã phát triển mạnh mẽ, các làng, thôn, tổ dân phố, xã, thị trấn đã có đội văn nghệ, phục vụ hiệu quả các sự kiện trọng đại, lễ, tết tại địa phương với không khí sổi nổi thiết thực. Thông qua đó, đã phát hiện nhiều tài năng nghệ thuật và tuyển chọn những hạt nhân xuất sắc tham gia các cuộc thi và lễ hội đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngoài ra, các đội văn nghệ tại các xã là lực lượng nòng cốt trong việc phối kết hợp với các cơ quan ban ngành, đơn vị đóng trên địa bàn huyện, tham gia biểu diễn do các ngành, đơn vị trên tổ chức và luôn đạt được những kết quả tốt đẹp.
Xác định lực lượng nghệ nhân và diễn viên quần chúng tại các xã định canh định cư là tư liệu sống động, con người thực tiễn trong việc duy trì bảo tồn giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc Cơtu, là lực lượng trực tiếp thực hiện công tác sưu tầm nghiên cứu, dàn dựng, phát triển, các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục truyền thống dân tộc Cơtu. Trong những năm qua trung tâm đã thực hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng về công tác bảo tồn giá trị nền văn hóa dân tộc CơTu như tái hiện lại các phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội đặc sắc trên sân khấu huyện, tỉnh, làm sống lại tinh hoa văn hóa dân tộc một cách sống động tinh túy, hấp dẫn. Thường xuyên tổ chức mở lớp truyền dạy, cồng chiêng, dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống, tham gia tổ chức thực hiện lễ hội truyền thống tốt đẹp luôn đạt những thành công nhất định. Đáng mừng, hiện nay phong trào văn hóa văn nghệ của các xã trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, luôn được duy trì thường xuyên. Qua đó bảo tồn gìn giữ phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Cơtu trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian, được cấp trên hoan ngênh và đánh giá cao.
Đối với mảnh đất quê hương Nam Đông, thì những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian mang tính truyền thống như những điệu múa, tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng hát. Đó chính là nền tảng vững chắc để phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng huyện nhà, tồn tại và phát triển bền vững đến ngày nay. Các Liên hoan, Hội diễn, Hội thi văn nghệ quần chúng được tổ chức định kỳ, thường xuyên tại tỉnh, huyện và các xã đã góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hoá, xã hội; nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nam Đông trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa các địa phương. Tập trung vào việc bảo tồn và phát huy một số nghệ thuật truyền thống dân tộc có thế mạnh của huyện. Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hoá, xã hội của huyện.
Với những kết quả đạt được, công tác văn hóa, văn nghệ đã góp phần xây dựng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, giá trị chân, thiện, mỹ; ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả việc phát tán, truyền bá các văn hóa phẩm độc hại vào địa bàn các xã , thị trấn nói riêng và huyện nói chung; nâng cao đời sống, nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân trong huyện. Đấu tranh, ngăn chặn, phản bác kịp thời, hiệu quả các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng các hoạt động văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự điều hành của chính quyền. Tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022.
* Những giải pháp trong thời gian tới.
Do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển còn chậm, mặt bằng trình độ dân trí thấp, các thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng bộ. Một số xã chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa bản địa đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nên thiếu quan tâm đầu tư, khai thác hết mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ và nhân dân, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự năng động, sáng tạo trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và ý thức tự giác giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Công tác xã hội hoá văn hóa nói chung và trong lĩnh vực phát triển và bảo tồn di sản văn hóa nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
Ngân sách đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn; cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa chưa đồng bộ.
Hoạt động văn nghệ quần chúng nhiều nơi còn kém chất lượng, chưa thu hút sự quan tâm của nhân dân, một phần do cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn.Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở còn nhiều hạn chế.
Đặc trưng văn hóa nổi bật của huyện chính là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ tu. Nam Đông là 01 trong 2 huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Cơ tu sinh sống. Sự gắn bó của đồng bào với núi, rừng và sự thích nghi với môi trường đã tạo nên những nét riêng, đặc biệt là lối sống, kiến trúc nhà ở, nhà cộng đồng, về hệ thống tri thức dân gian, các nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật, trang phục, ẩm thực..... mang đặc trưng vùng miền rõ nét. Tuy nhiên trong qúa trình sống, một số nét văn hóa trên dần mai một, mất dần bản sắc. Chính vì vậy trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, điều có ý nghĩa sống còn là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, truyền thống và đổi mới tại địa phương. Có như vậy mới có thể phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Để tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu, Đảng bộ và chính quyền huyện Nam Đông xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của chính quyền và toàn thể nhân dân trong huyện; cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước: Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch, đưa du lịch thành thế mạnh của địa phương, nâng cao hiệu quả thực tiễn của các hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa làng bản và phát triển du lịch cộng đồng.
Tuyên truyền giáo dục: Có giải pháp cụ thể hóa các quy định chung của Nhà nước đến cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa; đảm bảo rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân dễ dàng tiếp thu và tự giác chấp hành. Gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa để thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình. Tăng cường vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người dân, gắn với xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, biên soạn, quản lý lâu dài và phổ biến các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập thể, cá nhân tổ chức các hoạt động biễu diễn nghệ thuật truyền thống và truyền dạy nghề trên cơ sở khai thác, phổ biến nghệ thuật truyền thống tại cơ sở.
Đề cao vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng tham gia với vai trò then chốt trong việc bảo tồn, phát triển, gìn giữ và phát huy văn hóa qua truyền dạy, bồi dưỡng và tập huấn, hội thi sáng tác, khuyến khích bằng tiếng dân tộc. Ngoài ra tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Thường xuyên đăng tải và giới thiệu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Nam Đông qua hệ thống truyền thông đại chúng./.