Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.092.883
Truy cập hiện tại 145
Sức hút từ không gian văn hóa công cộng bên dòng Hương Giang
Ngày cập nhật 04/04/2022

Sông Hương không chỉ là một biểu tượng mà còn là niềm tự hào của người dân xứ Huế. Nhằm phát huy những giá trị, đặc điểm tự nhiên của không gian đôi bờ sông Hương và xây dựng một không gian văn hóa công cộng có giá trị nghệ thuật cao góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đồng thời tạo điểm nhấn, địa chỉ mới thu hút người dân và du khách đến với Huế, thúc đẩy Huế trở thành đô thị du lịch, một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam ngày càng được khẳng định.

Cầu bán Nguyệt

* Sự hấp dẫn của không gian văn hóa bên bờ sông Hương
Đối với nhiều người dân, không gian văn hóa công cộng là không gian vui chơi, giải trí mà bất cứ ai cũng có thể tiếp cận. là nơi mà các công dân có thể đến để bày tỏ ý kiến, thể hiện khả năng của bản thân, quan điểm của mình, những gì mà mọi người đều quan tâm đối với chính quyền. Tính xã hội của không gian văn hóa công cộng nằm ở chỗ: Nó trở thành nơi thu hút cộng đồng với nhiều hoạt động giao lưu, đa dạng và phong phú. Theo quan điểm của các chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng:  Không gian công cộng vốn được biết đến như là “trái tim” của một thành phố, là “phòng khách” của một đô thị. Các không gian này đóng vai trò tối quan trọng cho sự tương tác của con người với con người, con người với thiên nhiên và tạo dựng nên các biểu tượng gắn với một thành phố.
 
Việc quy hoạch và hoàn chỉnh không gian đôi bờ sông Hương có ý nghĩa rất lớn về mặt cảnh quan cho thành phố nhưng đồng thời nó cũng đem lại những giá trị tinh thần ý nghĩa cho người dân, làm cho người dân tự hào và yêu thành phố của mình hơn. Trong tiến trình phát triển, Huế - nơi hội tụ giao thoa và tiếp biến nhiều nền văn hóa khác nhau từ tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc, mỹ thuật, ẩm thực… trãi qua thời gian, đến nay văn hóa Huế vẫn tiếp tục phát triển, hội nhập với văn hóa thế giới, vẫn là điểm đến quan trọng trong bản đồ du lịch của du khách trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở kế thừa những di sản văn hóa đã trở thành biểu tượng của người dân xứ Huế, việc quy hoạch và xây dựng không gian văn hóa công cộng mới đảm bảo hài hòa các yếu tố văn hóa cũ và mới. Trong đó “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế” bên bờ sông Hương được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định xây dựng để tạo điểm nhấn cho thành phố Festival Huế. Trung tâm chính là đường Lê Lợi nằm ngay bên bờ Nam sông Hương cũng là tuyến đường nằm ở vị trí trung tâm trong cấu trúc đô thị Huế, là trọng điểm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuyến phố Lê Lợi đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân hiện tại đang là nơi hội tụ nhiều địa điểm văn hóa như: Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị… Điểm nổi bật của đề án này là không chỉ tạo ra một không gian văn hóa mở xuyên suốt từ đoạn đường từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân để người dân tham quan  các điểm trưng bày, triển lãm  mà còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận sông Hương, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiều, cầu bán nguyệt và tuyến đường gỗ lim ven sông.... Cùng với đó là hệ thống công viên Lý Tự Trọng, công viên 3/2, công viên Thương Bạc. Tất cả đều được chỉnh trang, trồng thêm cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng nghệ thuật, tạo dựng không gian để ngắm cảnh, trãi nghiệm và hệ thống các dịch vụ đi kèm … đã tạo cho không gian văn hóa đôi bờ sông Hương như được khoác một tấm áo mới, rực rỡ sắc màu, có sức hút mạnh mẽ đối với người dân và du khách thập phương.
* Phát huy giá trị, chia sẽ lợi ích
Nhằm phát huy những giá trị và đặc điểm tự nhiên của dòng sông Hương với những đặc điểm rất riêng mà nhiều nơi khác không có được, đó là một đô thị di sản và cả đô thị sinh thái, mà sông Hương là linh hồn gắn với di sản đó. Vì thế, công tác quy hoạch đôi bờ sông Hương phải phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế mang tính bền vững của một thành phố văn hóa và du lịch. 
Không chỉ chú trọng chỉnh trang không gian văn hóa bên ngoài, theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật dọc tuyến phố này cũng được chú trọng hơn về nội dung trưng bày. Đặc biệt là Bảo tàng Mỹ thuật cũng được đầu tư để mua các tác phẩm tranh của các họa sỹ nổi tiếng để trưng bày, các không gian văn hóa khác cũng thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức, nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá  để các hoạt động của mình đến gần hơn với công chúng phục vụ nghiên cứu khoa học, học tập, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa.. cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. Cùng với đó, các tuyến phố đi bộ như Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An và Võ Thị Sáu thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, hoạt động nghệ thuật đường phố, trưng bày các sản phẩm địa phương, các quầy hàng ẩm thực truyền thống… đem đến cho người dân và du khách nhiều sự lựa chọn trong hoạt động giải trí của mình. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đi bộ nối dài đến chùa Thiên Mụ (phía bờ Bắc) và đến đường Huyền Trân Công Chúa (phía bờ Nam), từng bước tạo nên tuyến đường đi bộ - đạp xe hai bên bờ sông Hương kết nối khu vực Thủy Biều, đồi Vọng Cảnh. Đối với các khu vực thảm cỏ ưu tiên các loại hoa tự nhiên, những loại hoa theo mùa hướng đến xây dựng một “thành phố bốn mùa hoa”. Huy động nguồn lực tăng cường hệ thống chiếu sáng, khai thác được từ nhiều hướng nhìn nhằm tạo điểm nhấn cho sông Hương lúc về đêm; phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của người dân và du khách. 
 
Chính nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, đôi bờ sông Hương đã có một diện mạo mới, rực rỡ, đầy màu sắc tô điểm cho không gian Huế thêm phần lãng mạn, nên thơ, là nơi người dân và du khách được thả mình, hít thở không khí trong lành, cùng lắng nghe và cảm nhận sức sống đang vươn mình mạnh mẽ của cố đô yêu dấu.  Không gian đôi bờ sông Hương trở thành trung tâm hoạt động văn hóa cộng đồng, là những địa điểm thu hút người dân và du khách tản bộ, đạp xe, ngắm cảnh, khám phá văn hóa cố đô, được thưởng thức các hoạt động nghệ thuật, hoạt động văn hóa đường phố, ẩm thực, cùng thụ hưởng và sáng tạo các giá trị văn hóa với người dân địa phương…. không gian văn hóa này luôn là lựa chọn của đa số du khách cũng như người dân địa phương đến check in thể hiện quan điểm của bản thân và tình yêu đối với Huế trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, qua đó góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh về Huế, về cố đô – về một miền di sản đầy nội lực và đang bứt phá.
Các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng ở không gian đôi bờ sông Hương về cơ bản đã rất thành công khi sự thích ứng được đo bằng chỉ số tham gia rất đông đảo của cộng đồng. Không gian văn hóa này đã có tác động tích cực tới tâm lý, tình cảm về hoạt động giao lưu, giải trí ngoài trời của cộng đồng, cùng với đó trang trí cho không gian đô thị và làm điểm nhấn cho thành phố Huế. Mặt khác, những công trình này còn có vai trò giáo dục thẩm mỹ cho cộng đồng theo một cách thức trực quan và sinh động nhất có thể, khi cung cấp cho người dân một không gian nghỉ ngơi, thư giãn và giao tiếp có chất lượng, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh, văn hóa của thành phố. Ngoài ra, những công trình này có thể truyền tải những thông điệp nhất định về lịch sử, về văn hóa, về di sản và môi trường…
Với những ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa - xã hội của địa phương, không gian văn hóa công cộng đôi bờ sông Hương không chỉ đáp ứng nhu cầu về không gian sinh hoạt văn hóa công cộng gắn kết cộng đồng có chất lượng đối với người dân. Mặt khác, tạo tiền đề quan trọng khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của Huế để tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, lịch sử hấp dẫn và phong phú. Phát triển hình ảnh về không gian văn hóa công cộng đôi bờ sông Hương nhằm giữ gìn và phát triển thương hiệu trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 04 - NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 25/5/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa, du lịch của cả nước, khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030. 
 
Bài và ảnh Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.