Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.092.995
Truy cập hiện tại 163
Tọa đàm “nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 28/11/2020

Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa đã, đang và tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; đây chính là công cụ trực tiếp, đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước có đến được với đại đa số quần chúng nhân dân hay không một phần quan trọng là nhờ ở hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Thông qua các hoạt động tại hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa các cấp góp phần nâng cao dân trí, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng dân cư, để nhân dân có điều kiện gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, đóng góp thiết thực cho các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền.

 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Xác định tầm quan trọng của công tác này, đồng thời để có cái nhìn toàn diện, cụ thể hơn trên phương diện quản lý, nhằm đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ nguyên nhân, tìm ra những giải pháp kịp thời khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém và phát huy tối đa những ưu thế, tiềm năng của hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa tại Thừa Thiên Huế. Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế giao trách nhiệm cho Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thiên Bình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Chủ nhiệm CLB Giám đốc các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Văn hóa và Thể thao và gần 40 đồng chí là cán bộ Lãnh đạo, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã và thành phố Huế, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, Nhà Thiếu nhi Huế.
 
 
Đ/c Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Chủ nhiệm CLB Giám đốc các TTVH, NVH tỉnh 
 
Theo báo cáo thực trạng tại buổi tọa đàm, đến nay, toàn tỉnh có 101 Nhà Văn hóa cấp xã trên tổng số 145 xã, phường đạt tỷ lệ 69,6%; có 861 Nhà văn hóa thôn (bản, tổ dân phố), nhà sinh hoạt cộng đồng trên tổng số 1.132 làng (thôn, bản), tổ dân phố toàn tỉnh, đạt tỷ lệ 76% (số liệu tính đến 30/6/2020). Đây là các thiết chế đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, đưa các chủ trương chính sách của Nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Xác định được vai trò và tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa cấp xã, thôn, trong thời gian qua chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống thiết chế nhà văn hóa xã còn rất thiếu và cơ sở vật chất, trang thiết bị đang rất nghèo nàn. Hiện nay, theo ước tính có tới gần 75% số lượng Nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng đang hoạt động không có trang thiết bị âm thanh, nghe, nhìn cần thiết. Việc vận hành, quản lý và sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng ở nhiều địa phương chưa có quy chế rõ ràng; có nơi chưa khai thác và sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng gây lãng phí, xuống cấp công trình.  Việc thực hiện các Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh đã góp phần chuẩn hóa hệ thống thiết chế văn hóa cả về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động. Thực tế trên địa bàn tỉnh, hệ thống Nhà Văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, Nhà sinh hoạt cộng đồng; Nhà văn hóa xã, phường được xây dựng từ lâu hoặc được tận dụng từ các cơ sở cũ thì không đảm bảo về các tiêu chuẩn đặt ra. Những công trình mới xây dựng trong những năm gần đây đều được quy hoạch và đảm bảo tiêu chuẩn. 
 
 
Các đại biểu tham gia ý kiến, thảo luận
 
Trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thiết chế văn hóa đến quần chúng nhân dân với nhiều hình thức như trên hệ thống loa Đài truyền thanh, tuyên truyền bằng xe lưu động, bằng pano, áp phích, các cụm cổ động, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của ngành... nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của hoạt động văn hóa trong đời sống, từ đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng, của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. 
- Công tác tổ chức, xây dựng mô hình hoạt động văn hóa văn nghệ, phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như:  
+ Tổ chức các Hội thi về văn hóa văn nghệ, thành lập nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao, nhất là các Câu lạc bộ mang tính bảo tồn như Ca Huế, dân ca Huế, Bài Chòi, các CLB trò chơi dân gian ở các địa phương nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóaVIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
+ Chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở phải phân bố khung thời gian để phục vụ nhân dân phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu thông tin, vui chơi, giải trí của người dân ở từng địa phương để phát huy hiệu quả thiết thực.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ tại các thiết chế văn hóa cơ sở trong thời gian qua luôn được quan tâm và chú trọng. Hằng năm Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn về công tác quản lý, tổ chức và điều hành các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho cán bộ các phường, xã, thị trấn... Về cơ bản, đội ngũ quản lý, điều hành văn hóa, thể thao cơ sở trong những năm vừa qua đã phát huy năng lực, phát huy chuyên môn được đào tạo, có bản lĩnh chính trị, năng động, sáng tạo đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ.  
- Công tác xây dựng sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị tại các thiết chế văn hóa đã được quan tâm, đến nay nhìn chung hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản khá đầy đủ, khang trang, đủ điều kiện để tổ chức các hội nghị, các sự kiện chính trị, sinh hoạt của địa phương. Thông qua thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Nếp sống văn minh đô thị và nông thôn ở các địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu của nhân dân và hoạt động triển khai phong trào. 
  Thực tế cho thấy ở tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa cấp xã và thôn, tổ dân phố đang còn rất ít so với yêu cầu. Có nơi có Nhà Văn hóa nhưng đã xuống cấp, hoặc không tổ chức hoạt động theo chức năng nhiệm vụ vì không có kinh phí, không có phương tiện thiết bị, không có cán bộ phụ trách để duy trì, tổ chức hoạt động. Để giải quyết vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn nói trên, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ, tích cực và hiệu quả.  
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý điều hành kịp thời, chặt chẽ của Ủy ban Nhân dân các cấp; sự phối kết hợp của các cơ quan liên quan, đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa vào Nghị quyết của Đảng và kế hoạch nhà nước ở các cấp. Tuyên truyền làm chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là ở cơ sở và các doanh nghiệp, người dân về vai trò, vị trí và sự cần thiết phải xây dựng các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa ở cơ sở hiện nay.
 
  
Các đại biểu tham gia ý kiến, thảo luận
 
- Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở và tổ chức hoạt động thiết thực, sát với nhu cầu của người dân nhằm phát huy mục tiêu, khai thác và sử dụng hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa để người dân coi thiết chế văn hóa là địa chỉ thân thuộc và gắn bó.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các chương trình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đổi mới các nội dung, phương thức hoạt động gắn với thực tiễn, nhu cầu đời sống xã hội, phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi, chú trọng đối tượng là người cao tuổi, trẻ em; đặc biệ thu hút những người có năng khiếu nghệ thuật, năng khiếu thể thao và có nghề làm cộng tác viên trong các hoạt động của thiết chế văn hóa.   
- Cơ quan chuyên môn về văn hóa từ tỉnh đến cơ sở phải có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp những vấn đề liên quan đến xây dựng và tổ chức, hoạt động của hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa như đề xuất về quy hoạch, vị trí xây dựng, thiết kế kiến trúc, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, nhân sự phụ trách và quy chế tổ chức, hoạt động… 
- Tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí kết hợp vận động xã hội hóa đóng góp nguồn lực để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hoạt động Nhà văn hóa xã, thôn. Đối với cấp xã, theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhà văn hóa xã phải được đầu tư đạt chuẩn để trở thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao của địa phương. Việc xây dựng phải có quy hoạch và huy động nguồn lực đảm bảo. Khi có công trình, việc đưa vào sử dụng phải có kế hoạch và học tập kinh nghiệm những nơi đã làm tốt để khai thác nhà văn hóa có hiệu quả. 
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn; là sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và sự huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân; là sự đầu tư về tài chính, xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang bị phương tiện hoạt động. Đồng thời phải thực thi một cách hữu hiệu các chính sách về xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nhằm huy động tối đa nhân lực, tài lực, vật lực trong xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa. 
- Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động mỗi năm 2 lần cho cán bộ phụ trách Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Trung tâm Văn hóa cấp huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Nhà Văn hóa cấp xã, phường tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách Nhà Văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. Mỗi quý một lần các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức giao ban nghiệp vụ để phối hợp hoạt động và rút kinh nghiệm trong công tác của hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa… 
Xây dựng và phát triển hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa là một sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Ngành Văn hóa và Thể thao cần phải nhiệt tình, tâm huyết, kiên trì, bền bỉ, trách nhiệm và không ngừng sáng tạo, quyết tâm phấn đấu cùng với các ngành, các cấp và toàn xã hội thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng, phát triển và ngày càng hoàn thiện hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ tích cực cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quê hương Thừa Thiên Huế... góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, phát triển nhanh và bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh./.  
Bài và ảnh: Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.