Trong 19 bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) theo Quyết định số 491/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, được chia thành 5 nhóm cụ thể: Nhóm tiêu chí về quy hoạch; về hạ tầng kinh tế - xã hội; về kinh tế và tổ chức sản xuất; về văn hóa - xã hội - môi trường và về hệ thống chính trị. Trong đó có hai tiêu chí: tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí 16 về văn hóa quy định xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ văn hóa thể thao và du lịch. Xác định việc xây dựng đời sống văn hóa đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM để được công nhận là xã nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, điều quan trọng là phải kế thừa, phát huy và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, phù hợp với những tiêu chuẩn theo quy định; những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để được công nhận các nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; nhà văn hóa cấp thôn tổ dân phố; các xã được công nhân xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Tính đến nay, toàn tỉnh có 71/152 (đạt 46%) nhà văn hóa cấp xã, phường thị trấn; 730/1277 nhà văn hóa cấp thôn, tổ dân phố (đạt 57%); có 10/104 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh những việc đã làm tốt, phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiên Bình - Phó Giám đốc Sở nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, tồn tại một số địa phương như: Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện phong trào mạnh mẽ, do đó chất lượng đạt chuẩn thôn văn hóa chưa thật sự đảm bảo; một số cán bộ làm công tác văn hóa tại địa phương thiếu tâm huyết, năng lực hạn chế; phong trào ở một số nơi đang lắng xuống do thiếu cơ chế, chính sách và hình thức khuyến khích, động viên sự phát triển của phong trào; nhiều thiết chế ở nông thôn chưa phát huy giá trị; nguồn lực để trang bị thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa còn hạn chế, chưa có; cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở còn kiêm nhiệm nên việc vận hành khai thác chưa có hiệu quả. Hội thảo được nghe 9 bài tham luận về thực trạng, các giải pháp tổ chức thực hiện, các hoạt động vận động nhân dân tham gia thực hiện xây dựng các tiêu chí văn hóa nông thôn mới..., đồng thời tiếp nhận những kiến nghị đề xuất của các địa phương như: Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; triển khai hướng dẫn tập huấn cho Ban chỉ đạo các xã, cán bộ làm công tác văn hóa cấp xã, thị trấn; quan tâm đầu tư các thiết chế, cơ sở vật chất còn thiếu và xuống cấp phục vụ các hoạt động văn hóa cộng đồng; nâng cao công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể và đặc biệt là nhân dân về mục đích, yêu cầu nội dung và tầm quan trọng của phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; quan tâm đến công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn các huyện, thị xã; vận động sự tài trợ, các nguồn xã hội hóa của các tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng các cơ sở vật chất đạt hiệu quả thiết thực...
Kết luận tại Hội thảo, để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh ở từng xã, thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa, đảm bảo các tiêu chí trong xây dựng thôn thôn mới, đồng chí Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị các địa phương tập trung quan tâm xây dựng và phát huy vai trò trụ cột của đội ngũ làm công tác tư tưởng văn hóa, giáo dục trong nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, đồng thời duy trì quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa bảo đảm thiết thực, tiết kiệm và an toàn; thường xuyên kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa; nâng cao chất lượng hoạt động của làng, xã, cơ quan văn hóa; tạo điều kiện để cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.