Chuyển biến tích cực
Đến nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã đăng ký xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có 1319/1373 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt 96%. Có 268.734/281.040 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 95,5%; trong đó, 245.294 gia đình được UBND xã, phường, thị trấn công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt 91,3%. Hiện có 04 đơn vị cấp xã, phường được công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”. Về phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, toàn tỉnh có 1199/1298 cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký xây dựng cơ quan đơn vị văn hóa, đạt 92,37%; có 1079 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 89,9%.
Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, cùng với các cấp, ngành từ Tỉnh đến cơ sở đã triển khai, phát động phong trào sâu rộng và đã được toàn thể nhân dân hưởng ứng thực hiện. Các địa phương và các cơ quan, đơn vị không chỉ đã quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ chính trị và Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, lễ tang và lễ hội mà còn kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện, một số địa phương có cách làm hay, phù hợp với thực tiễn của địa bàn. Nhiều địa phương, cơ quan đơn vị, trong quá trình vận động và triển khai đã tập trung nâng cao chất lượng phong trào, không chạy theo số lượng nhằm hiệu quả cao trong thực hiện và đưa phong trào phát triển một cách bền vững.
Đáng chú ý là, phong trào xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, phong trào “5 không, 3 sạch” và mô hình địa phương không có người sinh con thứ ba trở lên... đã được các ngành, các địa phương lồng ghép chặt chẽ vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng làng (thôn, bản), tổ dân phố văn hóa và xây dựng cơ quan văn hóa.Điển hình có các địa phương như huyện Quảng Điền và Nam Đông, thị xã Hương Thủy và Hương Trà, thành phố Huế.Qua đó, đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng của phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn toàn tỉnh, đời sống tinh thần và vật chất cũng như bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc, ý thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn được nâng lên, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Song, nhìn nhận thực tế là chất lượng của phong trào còn chưa đồng đều, thiếu bền vững; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội khu vực đô thị chuyển biến chậm hơn so với nông thôn; một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn thiếu gương mẫu so với người dân. Công tác quản lý, kiểm tra sau khi được công nhận đạt chuẩn văn hóa ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Công tác đánh giá công nhận chưa toàn diện, chưa thấy được những nét đặc biệt nổi bật của từng địa phương, đơn vị để nhân rộng, phát huy.
Nâng cao chất lượng phong trào
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cùng với củng cố và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng (thôn, bản), tổ dân phố, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, gia đình văn hóa, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và khối Mặt trận các cấp triển khai thực hiện xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Nhất là, triển khai hiệu quả Quyết định số 60/2017/QĐ-UBNDngày ngày 11/8/2017của UBND tỉnh về quy định một số vấn đề trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 20170 - 2020 và phong trào xây dựng Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.
Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về phong trào “TDĐKXDĐSVH”,đưa phong trào phát triển đi vào chiều sâu, có chất lượng. Tiếp tục chỉ đạo việc ký kết chương trình và kế hoạch liên kết, phối hợp giữa các ngành, địa phương lồng ghép vào phong trào “TDĐKXDĐSVH”. Huy động tốt mọi nguồn lực để thực hiện phong trào, nhất là sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vào việc tổ chức các hoạt động liên quan đến phong trào.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh cho biết, để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào “TDĐKXDĐSVH”, đưa phong trào từng bước đi vào chiều sâu; trong đó quan tâm việc tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn ở cơ sở và Ban chỉ đạo các cấp. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội về việc thực hiện quy ước văn hóa và tăng cường giáo dục ý thức chấp hành quy ước, hương ước tại cơ sở nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi người. Đồng thời, lồng ghép có hiệu quả các phong trào ở cơ sở vào phong trào “TDĐKXDĐSVH”; đặc biệt là đẩy mạnh việc triển khai Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; thực hiện nếp sống văn minh trong các tiệc cưới, lễ tang và lễ hội, xây dựng nông thôn mới…
Thường xuyên xem xét, phúc tra việc các cấp công nhận các đơn vị đạt chuẩn theo giai đoạn để nâng cao chất lượng các danh hiệu đạt chuẩn văn hoá. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai phong trào nhằm nhân rộng những mô hình tốt, những cách làm hay và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào cũng như chấn chỉnh những hạn chế, khắc phục những khó khăn, tồn tại…Ông Phan Tiến Dũng, cho biết thêm.