Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.094.487
Truy cập hiện tại 30
Hồng Bắc điểm sáng trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Pa cô
Ngày cập nhật 14/06/2017
Tặng giấy khen cho các học viên

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng hiện nay, nguy cơ đồng hóa, mai một, thậm chí là mất dần bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đang hiện hữu hơn bao giờ hết. Văn hóa, phong tục, tập quán là linh hồn của người dân tộc thiểu số. Đây cũng là đặc trưng quan trọng để xác định thành phần dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trở nên cấp bách và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số.

* Đa dạng hóa công tác tuyên truyền về bảo tồn.
Hồng Bắc là xã biên giới của huyện A Lưới, có diện tích tự nhiên 3.116 ha, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, dân số 95 % là dân tộc Pa Cô. 
Vốn là dân tộc ít người nhưng người Pa Cô ở xã Hồng Bắc nói riêng và huyện A Lưới nói chung có một hệ thống thành tố văn hóa hết sức phong phú bao gồm các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, ẩm thực, trang phục truyền thống, kiến trúc, đời sống tâm linh và phong tục tập quán hết sức phong phú đã ăn sâu vào tiềm thức và trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng thực tế cho thấy, vấn đề nhận thức, hiểu biết, lưu giữ các giá trị văn hóa của người dân đang dần bị mai một.
Trước thực trạng trên, từ Nghị quyết của Đảng bộ huyện (khóa X) về xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; xã Hồng Bắc triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Pa cô trên địa bàn xã. Chính quyền địa phương xác định đồng bào dân tộc Pa Cô vừa là chủ thể sáng tạo, gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời cũng chính họ là người phục dựng, người tham gia, thụ hưởng các giá trị đó. Cho nên, việc nâng cao nhận thức của đồng bào Pa Cô tham gia thực hiện Đề án là hết sức quan trọng.
 
 
 
Các học viên tái hiện trích đoạn nghi lễ của đồng bào dân tộc Pa Cô
 
 Được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên trách Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, khác với cách làm ở một số địa phương trong công tác bảo tồn mang tính “áp đặt, hình thức, khuôn mẫu”, xã Hồng Bắc thay đổi phương thức, cách chuyển tải thông tin, chỉ đạo cho cán bộ phụ trách công tác Bảo tồn, Du lịch, Ban Văn hóa Thông tin xã trực tiếp đến tận các hộ dân, tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo tồn và lưu giữ giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Pa Cô. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp giữa UBND và UBMTTQ Việt Nam xã trong công tác tuyên truyền, nói chuyện, giải thích, thực hành bảo vệ di sản. 
Cùng với đó, Hồng Bắc lồng ghép triển khai kế hoạch số 90 và 91 của Ủy ban nhân dân huyện về việc bảo tồn, sưu tầm các hiện vật lịch sử, hiện vật văn hóa, mở lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ. Phát huy vai trò của các cụ lão thành cách mạng, già làng, trưởng bản có uy tín thật sự, hướng dẫn nhân dân làm theo. Việc triển khai đồng bộ các nội dung của đề án phù hợp với lòng dân và đặc thù của địa phương, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và có tác động tích cực đối với đời sống chính trị, văn hóa cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của người dân trên địa bàn Hồng Bắc.
* Bảo tồn từ chính người dân địa phương.
Có thể khẳng định rằng, việc triển khai đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Pa cô tại Hồng Bắc đã thành công trên nhiều phương diện về quy mô, ý nghĩa cũng như những giá trị mà hoạt động bảo tồn đem lại trong đời sống tinh thần của người dân.
Được sự quan tâm của UBND huyện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Pa Cô ở Hồng Bắc đã được nâng cao. Các nghề truyền thống như đan lát, làm nhạc cụ được khôi phục, phát triển và được truyền dạy thông qua các nghệ nhân Quỳnh Lua, Quỳnh Thủy, Pe Kê Dơ, Hồ Văn A Tèng … các sản phầm đan lát của đồng bào như A Tẻr, A Đêng, Ka oi, Pâr nế được lưu giữ tại các hộ gia đình và ngày càng phát triển. Hồng Bắc từ chổ có những thôn không còn bóng dáng của trang phục dân tộc, đến nay trang phục truyền thống được sử dụng thường xuyên trong các hoạt động quan trọng và tại các cơ quan, đơn vị. Hệ thống thiết chế văn hóa 4/5 thôn tại Hồng Bắc đã được đầu tư xây dựng mô phỏng theo nhà truyền thống của dân tộc Pa Cô và được sử dụng hết sức hiệu quả.
Với mục tiêu giữ lại, duy trì những truyền thống văn hóa đã hình thành nên bản sắc, biểu tượng văn hóa của người Pa Cô, đồng thời phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là với phát triển du lịch. Hàng năm, vào ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, Hồng Bắc đã lồng ghép tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống A Riêu – A Za, cùng với đó, 4/4 thôn trên địa bàn xã đều thành lập Đội văn nghệ dân gian, thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn tại trung tâm văn hóa các dân tộc huyện A Lưới để phục vụ du khách và bà con nhân dân trên địa bàn huyện. Các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ được quan tâm sưu tầm và phục hồi như hát cha chấp, Ba bói, hát siêng, ru a cay … nhằm nâng cao cho người dân được tiếp cận và tham gia vào quá trình bảo vệ các loại hình dân ca. UBND xã đã chủ động phối hợp với phòng VHTT huyện tổ chức mở lớp truyền dạy về dân ca, dân nhạc, dân vũ, phục chế chỉnh sửa khèn bè và chỉnh âm thanh cồng chiêng của dân tộc Pa Cô. Một số phong tục tập quán lạc hậu được bãi bỏ, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang, không có tục thách cưới, hôn nhân cận huyết, nạn tảo hôn giảm, tang lễ không để quá 2 ngày, không tổ chức ăn uống lãng phí, người dân đã nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường. Cùng với đó, chính quyền xã Hồng Bắc chỉ đạo cho các đơn vị phát động các phong trào thi đua, xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ nhu cầu giải trí, vui chơi của đồng bào. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức bài bản, phù hợp với nhu cầu của người dân, được triển khai rộng rãi góp phần giới thiệu, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Là một xã có lợi thế về du lịch, nên Hồng Bắc đã thống kế, phục dựng được 11 món ăn truyền thống của đồng bào để bảo tồn, phát huy và phục vụ hoạt động du lịch của địa phương, nhằm nâng cao mức sống cho người dân.
Thông qua đề án, Hồng Bắc đã sưu tầm và được nhân dân hiến tặng 39 hiện vật trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có giá trị, là biểu tượng minh chứng cho tinh thần đấu tranh, lòng yêu nước nồng nàn, quả cảm của các thế hệ đồng bào dân tộc trước đây để bảo tồn giáo dục cho thế hệ trẻ.
Những phong tục tập quán truyền thống, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Pa Cô đang được giữ gìn, bảo tồn và từng bước phát huy đã góp phần xây dựng nên văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Với những kết quả đạt được, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua cho Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Bắc trong công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc thiểu số năm 2016.
Theo ông Lê Văn Thiện, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc cho biết “Để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Pa Cô, đòi hỏi cần sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và chính quyền các cấp. Sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa UBMTTQ và các đơn vị trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và đồng bào, tạo điều kiện cho các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Pa Cô thực sự phát huy hiệu quả.
Có thể khẳng định rằng, việc triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn, gìn giữ và  phát huy văn hóa dân tộc Pa Cô” tại Hồng Bắc ó ý nghĩa quan trọng, phù hợp “với lòng dân – ý Đảng”, góp phần thực hiện thành công chính sách  dân tộc của Đảng và Nhà nước. Từ những gì Hồng Bắc đã và đang làm được, hy vọng rằng, từ đề án này người Pa Cô tại Hồng Bắc nói riêng và huyện A Lưới nói chung đang ngày càng khẳng định bản sắc riêng trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
 
Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.